(HNM) - Nhiều năm qua, một trong những vấn đề luôn được lãnh đạo TP Hà Nội dành sự quan tâm lớn, đó chính là công tác giảm nghèo của Thủ đô...
Đặc biệt, từ năm 2016 đến nay, thông qua việc thực hiện “Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020”, với sự huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị - xã hội, triển khai đồng bộ các chủ trương, cơ chế, chính sách phù hợp với thực tiễn, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều của TP Hà Nội đã giảm từ 3,64% vào đầu năm 2016, xuống còn 1,69% vào đầu năm 2018. Qua đó, hàng nghìn hộ nghèo trên địa bàn Hà Nội được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở...
Điểm lại những kết quả đã đạt được của công tác giảm nghèo tại Thủ đô, có thể thấy, nhìn chung tốc độ giảm nghèo của Hà Nội luôn nhanh hơn so với mức bình quân chung của cả nước. Thành phố đã tích cực tuyên truyền giáo dục, phổ biến các chính sách của Đảng, Nhà nước đến người dân, tạo sức lan tỏa sâu rộng, hiệu quả đến công tác giảm nghèo bền vững.
Tuy nhiên, đánh giá một cách khách quan và toàn diện, công tác giảm nghèo của thành phố hiện vẫn bộc lộ hạn chế. Cụ thể, mặc dù tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn giảm nhanh, nhưng mức độ dễ bị tổn thương trước sự tấn công của nghèo đói còn cao; vẫn tập trung chủ yếu ở bộ phận dân cư có trình độ học vấn và kỹ năng thấp. Bên cạnh đó, sự phối hợp giữa các ngành, các cấp trong công tác xóa đói giảm nghèo ở một số địa phương còn lúng túng...
Để hoàn thành mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn Hà Nội xuống dưới 1,2% vào năm 2020, thời gian tới thành phố còn rất nhiều việc phải làm.
Hiện nay, thành phố đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp hỗ trợ giảm nghèo. Ngoài việc tập trung huy động mọi nguồn lực để thực hiện giảm nghèo bền vững, thành phố tạo điều kiện khuyến khích các hộ nghèo thoát nghèo và vươn lên có mức sống khá, hạn chế thấp nhất số hộ tái nghèo, phát sinh hộ nghèo mới; không có hộ nghèo thuộc diện chính sách, người có công; giảm nhanh hộ nghèo là dân tộc thiểu số. Đáng lưu ý, nhóm các chính sách hỗ trợ sản xuất, dạy nghề, tạo việc làm, tăng thu nhập rất được quan tâm thực hiện... Có thể thấy những giải pháp trên là rất cụ thể, vấn đề còn lại là các cấp, các ngành, địa phương phải nỗ lực chung sức, đồng lòng, năng động sáng tạo có những cách làm hay, hiệu quả, phấn đấu thực hiện thành công mục tiêu đề ra.
Ngoài ra, trong khi nguồn ngân sách còn hạn chế, cần kêu gọi sự chung tay, góp sức của toàn xã hội cùng chăm lo để người nghèo có cuộc sống tốt hơn. Đây là nguồn lực lớn cần tiếp tục phát huy trong thời gian tới.
Muốn giảm nghèo bền vững, điều cốt lõi là phải giúp bà con có “cần câu” thay vì “con cá”. Hơn ai hết, bản thân những hộ nghèo cần phát huy nội lực, tận dụng cơ hội hỗ trợ của Nhà nước, các nhà hảo tâm để phát triển sản xuất, vay vốn làm kinh tế, xóa bỏ vòng luẩn quẩn của nền sản xuất tự cung, tự cấp, giảm thiểu tác động của các yếu tố rủi ro như bệnh tật, thiên tai... và quan trọng là phải nâng cao dân trí.
Thực hiện các giải pháp đồng bộ cùng sự chung tay, đồng lòng của toàn xã hội, tin rằng mục tiêu giảm nghèo bền vững của thành phố sẽ thành hiện thực.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.