Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chứng minh nhân dân phải tiện lợi nhất cho dân

10/08/2012 06:05

(HNM) - Ngày 16-5-2012, Bộ Công an đã ban hành Thông tư số 27/2012/TT-BCA quy định về hình dáng, kích thước, quy cách, nội dung của chứng minh nhân dân (CMND) có hiệu lực từ ngày 1-7-2012. Tuy nhiên, đến nay một số thay đổi theo mẫu mới của CMND vẫn còn nhiều băn khoăn, rất cần được các cơ quan chức năng lưu tâm.


Chị Hoàng Phương Thảo (phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân): Còn phiền phức, gây khó cho người dân

Thay đổi quan trọng được người dân quan tâm là số CMND được thay từ 9 số lên 12 số. Cơ quan chức năng đã tính đến giải pháp cấp giấy xác nhận CMND cũ. Tức là trong thời gian chuyển đổi này, người dân phải dùng 2 loại giấy tờ CMND mới kèm giấy xác nhận CMND cũ. Vậy nếu CMND mới mang nhiều đặc tính ưu việt như đã quảng bá, thì sao không lưu trữ cả số CMND cũ vào cơ sở dữ liệu để cơ quan chức năng tiện tra cứu hơn là yêu cầu người dân phải mang theo giấy xác nhận số CMND cũ?

Bà Nguyễn Thị Hồng (phường Bách Khoa, quận Hai Bà Trưng): Cần hướng đến sự tiện lợi nhất cho người dân


Đưa thông tin họ tên cha, mẹ vào CMND là việc làm cần cân nhắc, bởi ảnh hưởng đến quyền riêng tư của mỗi cá nhân. Trong những trường hợp đặc biệt, còn trở thành nỗi ám ảnh với nhiều người, nếu cha mẹ là người không hoàn hảo, những người từng là tội phạm hoặc người không có bố, là con ngoài giá thú… Những thông tin về họ tên cha, mẹ lưu giữ cùng thông tin khác của CMND sẽ giúp cơ quan chức năng dễ dàng hơn trong quản lý, song không nên vì thế mà người dân phải chịu những bất lợi, dù bất lợi này chỉ rơi vào một số ít người. Theo tôi, chỉ nên lưu giữ thông tin về họ tên cha, mẹ trong dữ liệu của CMND trên hệ thống dữ liệu, khi cần tìm hiểu, cơ quan quản lý chỉ cần xác định từ mã số, mã vạch của CMND là sẽ tìm được. Mọi thay đổi cần phải hướng đến sự tiện lợi, phù hợp với hầu hết người dân, do vậy các cơ quan chức năng cần xem xét thêm.

Ông Vũ Ngọc Côn (phường Kim Giang, quận Thanh Xuân): Thông tin cá nhân trên CMND có thể bị lợi dụng

Với thay đổi mẫu mới CMND lần này, điều quan trọng là số của CMND sẽ theo người đó cố định đến hết cuộc đời. Như vậy, mã số, mã vạch là đầu mối của mọi dữ liệu, mọi thông tin liên quan đến nhân thân của mỗi người sẽ được lưu giữ dưới dạng dữ liệu, số hóa. Vì thế, những thông tin công khai in trên CMND chỉ là những điều cơ bản nhất, trực diện nhất về chính bản thân cá nhân người đó, còn những thông tin khác nên để ở dạng "chìm". Chưa kể, nếu in họ tên cha, mẹ trên CMND, thì trong nhiều trường hợp CMND còn trở thành "giấy thông hành" để trót lọt trong nhiều giao dịch, quan hệ về kinh tế, là "bùa hộ mệnh" khi bị xử lý vi phạm…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chứng minh nhân dân phải tiện lợi nhất cho dân

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.