Quy hoạch

Chung lòng kiến tạo tương lai

Đình Hiệp 11/02/2024 - 16:13

Nhiệm vụ lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch Thủ đô) đã được Chính phủ quyết định phê duyệt ngày 7-3-2022. Thời gian qua, việc nghiên cứu, điều chỉnh quy hoạch được giao cho liên danh tư vấn gồm 7 đơn vị với sự tham gia của nhiều nhà khoa học của các trường đại học, viện nghiên cứu nhằm huy động tối đa nguồn lực trí tuệ cho phần việc vô cùng quan trọng này.

p.jpg
Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong tham quan Tuần lễ thiết kế Việt Nam diễn ra tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Ảnh: Trần Anh

Đóng góp trí tuệ cho sự phát triển của Thủ đô

Năm 2023, Thành phố Hà Nội triển khai đồng thời 3 nội dung công tác quan trọng liên quan tới xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi); lập Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065. Đây là cơ hội quan trọng để Thành phố nhìn nhận, đánh giá một cách tổng thể, toàn diện, chuẩn bị luận cứ khoa học và thực tiễn để xây dựng thể chế, chính sách, định vị các không gian phát triển, huy động nguồn lực nhằm xây dựng, phát triển bền vững Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”.

Việc lập Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 có ý nghĩa vô cùng quan trọng, cần sự đóng góp trí tuệ của các chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành trên các lĩnh vực. Để mời gọi sự tham gia góp ý của các nhà khoa học giúp định hướng cho Quy hoạch Thủ đô, Thành phố đã tổ chức nhiều hội thảo khoa học với quy mô lớn. Trong số này, Hội thảo khoa học “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn trong xây dựng và thực hiện Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050” và Hội thảo khoa học “Định hướng quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050” có sự tham gia của giới khoa học từ các trường đại học trên địa bàn thành phố với hàng trăm tham luận. Bằng tình yêu và trách nhiệm với Thủ đô, các chuyên gia đã hiến kế, đề xuất các giải pháp cho vấn đề đang được quan tâm. Có thể kể đến một số tham luận như “Một số giải pháp phát triển Hà Nội bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050” của Tiến sĩ Nguyễn Kim Hoàng (Trường Đại học Kinh tế quốc dân); “Phát huy vai trò của các đại học, trường đại học trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của thành phố Hà Nội” của PGS.TS Nguyễn Thị Anh Quyên và PGS.TS Trương Đại Lượng (Trường Đại học Văn hóa Hà Nội)…

GS.TS Hoàng Văn Cường, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân cho rằng: “Thành phố luôn đồng hành cùng với các đơn vị tư vấn trong thực hiện nhiệm vụ. Nhờ có sự phối hợp nhịp nhàng nên chỉ trong thời gian ngắn liên danh tư vấn đã hoàn thành được phương án đề xuất ban đầu, nêu được các định hướng, ý tưởng lớn về phát triển Thủ đô”. GS.TS Hoàng Văn Cường đặc biệt nhấn mạnh quan điểm phát triển Thủ đô nhanh, bền vững, sáng tạo, trở thành cực tăng trưởng có vai trò lan tỏa và dẫn dắt, thúc đẩy phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng động lực phía Bắc và cả nước; tạo dựng được hình ảnh, vị thế phồn vinh, thịnh vượng của quốc gia trên trường quốc tế...

Còn theo GS.TS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, xây dựng Quy hoạch Thủ đô là nhiệm vụ chính trị quan trọng của thành phố Hà Nội. Để thực hiện được mục tiêu đã đề ra, thành phố cần ưu tiên xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, vượt trội. “Chương trình giáo dục đóng vai trò nền tảng, quyết định đến việc hình thành những thế hệ công dân Thủ đô phát triển toàn diện, có phẩm chất, năng lực ưu tú, có năng lực hội nhập quốc tế và giữ được bản sắc văn hóa Thăng Long - Hà Nội. Vì vậy, các cơ quan quản lý giáo dục, các nhà trường cần chủ động phát triển chương trình quốc gia phù hợp với điều kiện kinh tế, văn hóa, xã hội của Thủ đô và tiệm cận với xu hướng quốc tế” - GS.TS Nguyễn Văn Minh chia sẻ.

Trong khi đó, GS.TS Phùng Hữu Phú nêu triết lý phát triển Thủ đô với 5 mệnh đề, 20 chữ: “Phát sáng nhân tài - Khai phóng trí tuệ - Lan tỏa nhân văn - Hòa điệu tự nhiên - Tiến cùng thời đại”. Triết lý này cần được thể hiện trong quá trình lập và triển khai thực hiện Quy hoạch Thủ đô.

Xác định điểm nghẽn, đưa ra ý tưởng đột phá

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Minh Hải cho rằng, Hà Nội là nơi đặt trụ sở của gần 100 trường đại học, cao đẳng với hàng nghìn giảng viên, nhà khoa học, cán bộ có trình độ chuyên môn cao, trong đó, số lượng giáo sư, tiến sĩ, nhà khoa học chiếm khoảng 65% cả nước. Việc tổ chức các hội thảo khoa học là nhằm phát huy nguồn lực trí tuệ to lớn trên địa bàn Thủ đô và cả nước. “Việc xác định chính xác những điểm nghẽn của Hà Nội và nguyên nhân sẽ tạo cơ sở để đưa ra ý tưởng đột phá, những giải pháp cụ thể để Hà Nội có thể bứt phá, phát triển theo tinh thần Nghị quyết số 15-NQ/TƯ, ngày 5-5-2022, của Bộ Chính trị khóa XIII về “Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, đồng thời tiếp tục gợi ý định hướng Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, xây dựng Thủ đô Hà Nội thực sự là thành phố đáng sống” - Phó Chủ tịch UBND thành phố nhấn mạnh.

Trực tiếp chỉ đạo hai hội thảo khoa học nói trên, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong đánh giá cao ý kiến tâm huyết của các nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành nghiên cứu trên các lĩnh vực trong các trường đại học trên địa bàn thành phố. Đây là vấn đề hệ trọng, không chỉ liên quan đến thành phố mà còn với cả nước, không chỉ trước mắt mà còn lâu dài. Hà Nội có được quy hoạch đúng, trúng thì sẽ là đầu tàu, tạo động lực và góp phần lan tỏa, dẫn dắt phát triển kinh tế - xã hội. “Những nội dung tại các hội thảo khoa học này gợi mở hướng tiếp cận những vấn đề cụ thể cần tiếp tục nghiên cứu. Ý kiến tâm huyết của các nhà khoa học là rất đáng quý. Thành phố Hà Nội mong muốn các nhà khoa học hàng đầu cả nước sẽ tiếp tục tham gia đóng góp để Hà Nội có bản quy hoạch xứng tầm, cập nhật xu thế phát triển của thời đại, đảm bảo tính khả thi” - Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh.

Theo định hướng quy hoạch, Hà Nội được nghiên cứu tổ chức thành 5 vùng phát triển kinh tế - xã hội, 5 không gian chú trọng phát triển (không gian văn hóa, không gian xây dựng, không gian ngầm, không gian xanh, không gian số). Các định hướng quy hoạch ngành, lĩnh vực, địa bàn được tập trung theo 5 tuyến hành lang và vành đai kinh tế, gắn với 5 trục phát triển, cùng với hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ (đường vành đai và đường sắt đô thị). Việc nghiên cứu hình thành 2 thành phố trực thuộc Thủ đô đã được tính đến, tạo nên hình ảnh Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại - Kết nối toàn cầu” với những đặc trưng về kinh tế - xã hội phát triển, văn hóa đặc sắc, môi trường xanh, người dân được thụ hưởng cuộc sống có chất lượng tốt.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chung lòng kiến tạo tương lai

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.