Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chuẩn bị tốt để Tết trồng cây năm 2020 hiệu quả, thiết thực, không phô trương

Ngọc Quỳnh| 19/01/2020 06:56

(HNM) - Cách đây 60 năm, vào dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát động phong trào Tết trồng cây trên phạm vi cả nước. Từ đó đến nay, Tết trồng cây trở thành nét đẹp văn hóa của người Việt mỗi dịp Tết đến, Xuân về. Tết trồng cây năm nay, thành phố Hà Nội vận động các cơ quan, đơn vị và người dân tích cực trồng cây một cách thiết thực, hiệu quả, không phô trương hình thức. Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo Hànộimới đã có cuộc trao đổi với Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại.

Ông Nguyễn Xuân Đại - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội.

Đẩy mạnh việc trồng cây, trồng rừng

- Với những kết quả tích cực đã được khẳng định trong thời gian qua, nhất là việc lan tỏa sâu rộng phong trào trồng cây xanh trong cộng đồng, Tết trồng cây có ý nghĩa như thế nào, thưa ông?

- Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh dành sự quan tâm đặc biệt đối với việc trồng cây, gây rừng; trong cuộc sống thường nhật, Người cũng luôn gắn bó, gần gũi với thiên nhiên. Với Người, việc trồng cây mang nhiều lợi ích cho người dân, cho cộng đồng; đặc biệt là giáo dục ý thức trong mỗi người dân về việc bảo vệ môi trường sinh thái. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang trở thành thách thức nghiêm trọng đối với toàn nhân loại, chúng ta càng nhận thức rõ tầm quan trọng, ý nghĩa của Tết trồng cây cũng như tư tưởng, triết lý sống gần gũi với thiên nhiên của Người.

Những năm qua, mỗi dịp Tết đến, Xuân về, thành phố Hà Nội luôn phát động Tết trồng cây và xây dựng kế hoạch chi tiết việc trồng bao nhiêu cây, ở những địa điểm nào, trồng loại cây nào... vừa bảo đảm môi trường sinh thái, vừa hữu dụng.

- Thực tế cho thấy, những thành công của Hà Nội trong việc trồng cây, mang lại màu xanh cho Thủ đô đã đạt những kết quả tốt. Ông có thể cho biết cụ thể hơn, những năm qua, Hà Nội đã triển khai việc trồng cây như thế nào và hiệu quả thu được ra sao?

- Năm 2016, Hà Nội đề ra chương trình trồng 1 triệu cây xanh đến năm 2020. Để hoàn thành mục tiêu này, cùng với việc đôn đốc các sở, ngành, quận, huyện, thị xã..., thành phố đã đưa ra nhiều giải pháp triển khai thực hiện. Với sự nỗ lực của các ban, ngành, địa phương cùng sự chung tay của người dân, đến hết năm 2018, thành phố hoàn thành mục tiêu trồng 1 triệu cây xanh, vượt thời hạn đề ra trước 2 năm. Trong giai đoạn 2019-2020, Hà Nội phấn đấu trồng mới 600 nghìn cây xanh và có thể sẽ hoàn thành sớm. Theo thống kê mới nhất của ngành Nông nghiệp, đến hết năm 2019, các quận, huyện, thị xã đã trồng được 396.143 cây xanh các loại, đạt 125% kế hoạch. Ngoài ra, thành phố cũng chỉ đạo các đơn vị trồng hơn 400.000 cây xanh bóng mát, cây lấy gỗ trên các trục giao thông, khu dân cư, khu công cộng… vượt chỉ tiêu so với kế hoạch.

Có thể nói, phong trào “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” đã có sức lan tỏa mạnh mẽ trong đời sống xã hội. Hằng năm, thành phố đều bố trí kinh phí để phát động Tết trồng cây tại các trường học, khu đô thị mới, khu di tích văn hóa, lịch sử… Thành phố cũng đầu tư kinh phí nhập từ nước ngoài nhiều chủng loại cây cảnh và hoa trồng trên các đại lộ, tuyến phố, góp phần làm đẹp Thủ đô, đáp ứng tiêu chí xanh - sạch - đẹp của đô thị văn minh, hiện đại.

- Ngoài trồng cây xanh ở các tuyến phố, các địa phương có rừng trên địa bàn thành phố cũng tập trung trồng rừng để tạo “lá phổi xanh” cho Thủ đô. Vậy, việc này được người dân và chính quyền các địa phương triển khai ra sao?

- Diện tích rừng của Hà Nội không nhiều, vào khoảng 28.000ha. Với mục tiêu tạo “lá phổi xanh” cho Thủ đô Hà Nội, trong năm 2019, ngoài việc trồng cây đô thị, bóng mát, cây ăn quả, cây lâm nghiệp, ngành Nông nghiệp còn vận động người dân trồng mới 70ha rừng; chăm sóc 3.546ha rừng trồng, quản lý bảo vệ tốt 6.483ha rừng phòng hộ, đặc dụng. Việc này không chỉ tạo sinh kế cho người dân mà còn góp phần quan trọng trong việc bảo vệ và phát triển kinh tế rừng.

Mặt khác, việc trồng rừng, trồng cây xanh có vai trò  đặc biệt quan trọng trong bảo vệ môi trường sống cho người dân Thủ đô. Không chỉ tạo bóng mát, cây xanh còn góp phần lọc bụi, tạo không khí trong lành. Hiện nay, các chủng loại cây xanh được Hà Nội nghiên cứu kỹ để phù hợp điều kiện đô thị, giảm công chăm sóc, đồng thời tạo dựng cảnh quan cho Thủ đô…

Trồng và chăm sóc cây hiệu quả

- Để hoàn thành mục tiêu trồng thêm 600 nghìn cây xanh trong giai đoạn 2019-2020, Tết trồng cây năm 2020 của Hà Nội sẽ được triển khai như thế nào, thưa ông?

- Để chủ động xây dựng kế hoạch “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” Xuân Canh Tý 2020, Sở NN&PTNT đã có công văn gửi các quận, huyện, thị xã về đăng ký số lượng cây trồng, địa điểm, thời điểm tổ chức... Đến thời điểm này, các quận, huyện, thị xã đã đăng ký trồng 282.212 cây xanh các loại; trong đó có 95.642 cây bóng mát lấy gỗ, 174.630 cây ăn quả, 14.740 cây lâm nghiệp…

Thời gian tới, Sở NN&PTNT tiếp tục phối hợp với Sở Xây dựng đôn đốc các quận, huyện, thị xã hoàn thành xây dựng kế hoạch và triển khai phát động “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” nhân dịp Xuân Canh Tý năm 2020. Sở cũng tăng cường kiểm tra, đôn đốc công tác chuẩn bị và lựa chọn địa điểm phù hợp để việc trồng cây mang lại hiệu quả thiết thực.

- Trong công tác triển khai Tết trồng cây Xuân Canh Tý 2020, ngành Nông nghiệp đã có hướng dẫn cụ thể như thế nào tới các địa phương?

- Để các địa phương chủ động hơn nữa trong thực hiện nhiệm vụ, trồng loại cây phù hợp, Sở NN&PTNT Hà Nội đã có công văn đề nghị các sở, ban, ngành, đoàn thể thành phố, các quận, huyện, thị xã hướng dẫn tổ chức phong trào Tết trồng cây Xuân Canh Tý năm 2020.

Trước hết, các địa phương cần tập trung tuyên truyền nhằm phát huy hơn nữa phong trào trồng cây, trồng rừng - nét đẹp truyền thống của người Việt; tiếp tục nâng cao nhận thức của người dân về vai trò, tác dụng, giá trị của rừng và công tác trồng cây, trồng rừng trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái, góp phần giảm nhẹ thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu; tập trung thực hiện tốt công tác quản lý rừng, bảo vệ, phát triển rừng; phòng cháy, chữa cháy trên toàn bộ diện tích gần 28.000ha rừng và đất lâm nghiệp của thành phố…

Cùng với đó, tạo điều kiện cho cơ quan, tổ chức, đoàn thể, trường học, lực lượng vũ trang và các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia trồng cây, trồng rừng. Các địa phương, đơn vị xây dựng kế hoạch trồng cây, trồng rừng gắn với triển khai thực hiện công tác bảo vệ và phát triển rừng tại địa phương. Các quận, huyện, thị xã, đơn vị căn cứ thực tế địa phương để tổ chức phát động Tết trồng cây từ ngày 30-1 đến 5-2; thời gian triển khai trồng cây có thể kéo dài trong vụ xuân (từ tháng 2 đến tháng 4-2020) và vụ thu (từ tháng 8 đến tháng 10-2020). Việc tổ chức Tết trồng cây phải thiết thực, hiệu quả, không phô trương hình thức…

Mặt khác, các địa phương cần lựa chọn địa điểm trồng cây có không gian rộng, thoáng, trồng được nhiều cây và thuận lợi cho người dân tham gia trồng, chăm sóc, bảo vệ cây sau khi trồng. Có thể lựa chọn địa điểm là các khu di tích lịch sử - văn hóa, khu đô thị mới, công trình công cộng, trường học, bệnh viện, công viên, ven đường, khu đất lâm nghiệp quy hoạch trồng rừng tập trung... Trong thời gian phát động, tùy khả năng và địa bàn từng địa phương, đơn vị, có thể trồng cây bóng mát, ăn quả, cây lấy gỗ… Ngành Nông nghiệp đã giới thiệu các đơn vị sản xuất - kinh doanh giống cây trồng trên địa bàn thành phố để các địa phương thuận tiện trong liên hệ mua cây giống bảo đảm chất lượng, phát triển tốt…

- Việc chăm sóc cây có vai trò rất quan trọng, quyết định đến hiệu quả của phong trào trồng cây xanh. Ông có thể nói rõ hơn những giải pháp để bảo đảm cây sinh trưởng, phát triển tốt sau khi trồng?

-  Cùng với việc hoàn thành kế hoạch trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng và cây xanh trên địa bàn, bảo đảm “trồng cây nào sống cây ấy”, lãnh đạo các quận, huyện, thị xã phải giao nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ số cây đã trồng cho đơn vị quản lý địa bàn. Các địa phương giao cho các ban, ngành, đoàn thể thường xuyên kiểm tra, chăm sóc cây xanh mới trồng…

Bên cạnh đó, các địa phương cần thường xuyên tuyên truyền, vận động người dân trồng và bảo vệ cây xanh đô thị bằng những việc làm thiết thực, như: Chăm sóc, bảo vệ cây xanh trước cửa nhà, trang trí nhà cửa bằng cây xanh, cây hoa, cây cảnh… Bởi, càng có nhiều mảng xanh góp lại, “bức tranh” đô thị tổng thể của Hà Nội sẽ ngày càng xanh hơn, từ đó, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu một cách hiệu quả hơn.

- Trân trọng cảm ơn ông!

Trong Công văn số 220/UBND-KT ban hành ngày 17-1-2020, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Sửu yêu cầu các sở, ngành liên quan, UBND các quận, huyện, thị xã tập trung cao độ chỉ đạo tổ chức trồng cây đầu Xuân năm 2020.

Theo đó, Sở Xây dựng phối hợp với UBND các quận và thị xã Sơn Tây chỉ đạo, tổ chức thực hiện kế hoạch phát động “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” Xuân Canh Tý năm 2020 theo đúng chỉ đạo của thành phố. Sở NN&PTNT hướng dẫn, phối hợp với UBND các huyện khu vực ngoại thành tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch phát động “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” Xuân Canh Tý năm 2020 theo đúng chỉ đạo của Bộ NN&PTNT và thành phố...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chuẩn bị tốt để Tết trồng cây năm 2020 hiệu quả, thiết thực, không phô trương

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.