Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chuẩn bị đưa ra xét xử vụ án tiêu cực trọng tài năm 2005

HONGVAN| 30/01/2007 17:13

(HNMĐT) - Phiên tòa xét xử các cầu thủ U23 tham gia bán độ vừa khép lại thì cũng là lúc Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội xem xét, nghiên cứu hồ sơ, chuẩn bị cho phiên xét xử vụ án trọng tài Lương Trung Việt cùng các trọng tài khác dính líu tham gia một loạt các vụ tiêu cực, gian lận trong bóng đá Việt Nam, dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 3 tới.

(HNMĐT) - Phiên tòa xét xử các cầu thủ U23 tham gia bán độ vừa khép lại thì cũng là lúc Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội xem xét, nghiên cứu hồ sơ, chuẩn bị cho phiên xét xử vụ án trọng tài Lương Trung Việt cùng các trọng tài khác dính líu tham gia một loạt các vụ tiêu cực, gian lận trong bóng đá Việt Nam, dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 3 tới.

Trong số 14 bị cáo sẽ phải ra trước vành móng ngựa có 10 trọng tài: Lương Trung Việt (SN1967), Lê Văn Tú (SN 1967), Trương Thế Toàn (SN 1963), Phạm Hữu Lộc (SN 1965), Hoàng Thế Dũng (SN 1969), Vũ Trọng Chiến (SN 1966), Phạm Công Đức (SN 1968), Nguyễn Quang Huy (SN 1962), Nguyễn Tiến Dũng (SN 1967), Nguyễn Hữu Thành (SN 1965); 3 huấn luyện viên: Nguyễn Thành Vinh (SN 1946), Trần Mạnh Cường (SN 1973), Vũ Tiến Thành (SN 1964); và Lê Văn Cường (SN 1959, nguyên Giám đốc Sở TDTT tỉnh Cần Thơ). Các bị cáo bị truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội: nhận hối lộ, đưa hối lộ, làm môi giới hối lộ.

Lương Trung Việt và vị trí "đầu trò" môi giới

Cựu trọng tài Lương Trung Việt, bị can chính trong vụ án tiêu cực trọng tài 2005 - Ảnh: VNN

Trong quá trình quản lý và điều hành các giải bóng đá trong các năm 2003, 2004, 2005, Liên đoàn bóng đá Việt Nam và Cơ quan điều tra đã phát hiện một số câu lạc bộ, đội bóng và các trọng tài có hành vi tiêu cực, tìm cách móc ngoặc hoặc mua chuộc, hối lộ trọng tài.

Trước các trận đấu quan trọng, lãnh đạo hoặc huấn luyện viên của một số đội thường tìm cách quan hệ, móc nối với các trọng tài có nhiệm vụ điều khiển các trận đấu có đội bóng của họ tham gia để đặt vấn đề, đề nghị các trọng tài trong khi điều khiển trận đấu không "xử ép" hoặc điều khiển trận đấu có lợi cho đội bóng của họ, sau đó đưa tiền hối lộ các trọng tài.

Trong vụ án này, Viện kiểm sát đã xác định Lương Trung Việt là bị can cầm đầu trong vụ án, trực tiếp đứng ra nhận và môi giới cho các trọng tài khác thực hiện hành vi vi phạm pháp luật. Mặc dù Lương Trung Việt là trọng tài cấp FIFA, có nhận thức đầy đủ về quy chế và điều lệ giải do Liên đoàn bóng đá Việt Nam quy định, đặc biệt là quy chế hoạt động của trọng tài bóng đá Việt Nam, nhưng Lương Trung Việt đã không tuân thủ quy định mà còn vi phạm, làm môi giới hối lộ cho nhiều đội bóng.

Người đầu tiên có tên trong danh sách "nhận giúp đỡ" của Lương Trung Việt là Nguyễn Tiến Huy, nguyên là Thư ký Tổng giám đốc Ngân hàng thương mại cổ phần Đông Á, được điều sang Công ty cổ phần thể thao Đông Á làm Giám đốc CLB Ngân hàng Đông Á. Nhận lời đề nghị của Huy, Việt đã liên hệ với 4 trọng tài: Tú, Lộc, Toàn, Dũng để "nhờ giúp" đội Ngân hàng Đông Á trong giải bóng đá vô địch quốc gia năm 2004. Sau đó, chính Việt đã nhận và chuyển tiền của đội Ngân hàng Đông Á đưa hối lộ 4 trọng tài này.

Trước các trận đấu, Lương Trung Việt đã gọi điện cho các trọng tài điều khiển trận đấu, không yêu cầu cụ thể các trọng tài phải làm gì trong khi điều khiển trận đấu mà chỉ đề nghị chung chung với các trọng tài là điều khiển trận đấu có lợi cho đội Ngân hàng Đông Á, nếu được thì sẽ có thưởng.

Nguyễn Tiến Huy đã chuyển tiền cho Việt nhiều lần, có trận 30 triệu đồng, có trận 50 triệu đồng. Theo lời khai của Lương Trung Việt thì tổng số tiền Việt đã nhận của Ngân hàng Đông Á do Nguyễn Tiến Huy chuyển cho thông qua Phan Chánh Giám, nguyên Giám đốc Công ty kiều hối Đông Á tại Trà Vinh, là 115 triệu đồng. Do Nguyễn Tiến Huy đã xuất cảnh nên cơ quan điều tra không điều tra, làm rõ được việc thanh quyết toán nội bộ giữa Nguyễn Tiến Huy, Phan Chánh Giám và Lương Trung Việt để xác định cụ thể số tiền Huy đã chuyển cho Việt.

Tại giải bóng đá hạng nhất quốc gia năm 2005, Việt lại làm môi giới hối lộ, giúp Vũ Tiến Thành, cựu Giám đốc điều hành CLB Ngân hàng Đông Á, quan hệ với một số trọng tài nhờ giúp cho đội Đông Á -Thép Pomina thoát khỏi tình trạng đội này thường bị các trọng tài điều khiển trận đấu "xử ép". Việt đã liên hệ, gọi điện thoại, nhắn tin cho các trọng tài để họ "nâng đỡ" đội này. Tổng cộng, Việt đã nhận của Vũ Tiến Thành 9 triệu đồng.

Cũng tại giải bóng đá hạng nhất quốc gia mùa bóng 2004, Việt còn nhận lời giúp Lê Văn Cường "quan hệ" với trọng tài Vũ Trọng Chiến để trọng tài này giúp cho đội Tôn Hoa Sen Cần Thơ có thành tích thi đấu tốt hơn, mục đích là trụ được hạng. Lê Văn Cường đã gửi cho Việt 10 triệu đồng cho phi vụ này.

Tổng cộng, Việt đã nhận 134 triệu đồng của các đội bóng và đã đưa cho các trọng tài 89,8 triệu đồng, còn lại Việt chiếm hưởng 44,2 triệu đồng.

Những màn móc ngoặc ngoài sân cỏ

Vũ Tiến Thành, cựu Giám đốc điều hành CLB Ngân hàng Đông Á

Trong mùa giải bóng đá hạng nhất quốc gia năm 2005, Vũ Tiến Thành, huấn luyện viên phó CLB Đông Á -Thép Pomina, cũng đã "chạy cửa" Lương Trung Việt để cải thiện kết quả thi đấu cho đội Đông Á - Thép Pomina. Ngoài ra, Thành còn trực tiếp quan hệ với Nguyễn Đức Vũ và Nguyễn Hữu Thành để đề nghị các trọng tài này giúp cho đội Đông Á - Thép Pomina. Sau đó, Thành trực tiếp đưa cho Nguyễn Hữu Thành 3 triệu đồng, Lương Trung Việt 9 triệu đồng.

"Máu mặt" không kém Nguyễn Tiến Huy và Vũ Tiến Thành, các huấn luyện viên Nguyễn Thành Vinh và Trần Mạnh Cường đã "xuống tiền" tới 130 triệu đồng để hối lộ, lấy lòng trọng tài. Trước trận đấu vòng cuối giải bóng đá hạng nhất quốc gia năm 2005 giữa đội Đông Á - Thép Pomina và đội Tôn Hoa Sen Cần Thơ ngày 6/8/2005 trên sân vận động Thống Nhất (TP HCM), mặc dù Liên đoàn bóng đá VN và Hội đồng trọng tài đã có quy định cấm các trọng tài và các đội bóng có quan hệ bất minh nhưng Trần Mạnh Cường vẫn tìm cách liên hệ, gặp trọng tài chính của trận đấu là Lê Văn Tú. Khi bị giám sát trọng tài của trận đấu là Phạm Phú Hùng phát hiện và ngăn chặn, Nguyễn Thành Vinh đã cử Trần Mạnh Cường đi đón tổ trọng tài ra sân điều khiển trận đấu, đồng thời quyết định chi "bồi dưỡng" tổ trọng tài gồm Lê Văn Tú, Nguyễn Tiến Dũng, Phạm Công Đức và Nguyễn Quang Huy 130 triệu đồng.

Ở vị trí được cho là "quyền cao chức trọng", Lê Văn Cường, nguyên Giám đốc Sở Thể dục thể thao tỉnh Cần Thơ, cũng không ngại cấu kết cùng Lương Trung Việt, nhờ trọng tài này giúp đội bóng Cần Thơ. Trước trận Cần Thơ gặp Quân Khu 5 ngày 22/5/2004, Lê Văn Cường đã gọi điện nhờ Việt nói với tổ trọng tài điều khiển trận đấu này, trong đó Vũ Trọng Việt là trọng tài chính. Qua trao đổi với ban lãnh đạo đội bóng, Lê Văn Cường đã quyết định rút 10 triệu đồng tiền thưởng của đội để chuyển cho Việt dùng "làm quà" bồi dưỡng trọng tài sau trận đấu.

Bằng những đồng tiền được đặt "đúng cửa", những trọng tài cấp FIFA điều khiển các trận đấu mà các đội "nhờ cậy" qua mối Lương Trung Việt là Phạm Công Đức, Nguyễn Quang Huy, Nguyễn Tiến Dũng, Lê Văn Tú, Phạm Hữu Lộc, Trương Thế Toàn, Hoàng Thế Dũng và những trọng tài cấp quốc gia là Vũ Trọng Chiến, Nguyễn Hữu Thành đã không ngần ngại đưa ra những thẻ vàng, thẻ đỏ, bắt phạt những lỗi mang lại sự thiên vị, "đổi ngôi" cho các đội dám chi tiền. Đổi lại, các đội đã có được kết quả trận đấu như ý muốn. Chỉ có người hâm mộ bóng đá với tình yêu, niềm tin cháy bỏng vào nền bóng đá Việt Nam cùng những đội bóng thi đấu nghiêm túc, nhiệt tình vì màu cờ sắc áo là bị tổn thương.

Vân An

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chuẩn bị đưa ra xét xử vụ án tiêu cực trọng tài năm 2005

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.