(HNMO) - Tổng Thư ký Quốc hội, Chánh Văn phòng Hội đồng bầu cử Quốc gia Nguyễn Hạnh Phúc đã trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới về công tác chuẩn bị bầu cử, tính đến thời điểm này.
- Ông đánh giá thế nào về công tác tuyên truyền, chuẩn bị bầu cử của Hà Nội và các tỉnh thành phố trong cả nước?
- Tôi cho rằng Hà Nội và các địa phương đều chủ động chuẩn bị bầu cử ĐBQH khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021 bảo đảm đúng luật, đúng tiến độ. Công tác tuyên truyền, phổ biến về bầu cử được các cấp, ngành tổ chức sâu rộng tới mọi tầng lớp nhân dân.
Ban Chỉ đạo, Ủy ban Bầu cử các tỉnh, thành phố đã chỉ đạo thực hiện tốt các hội nghị hiệp thương, lựa chọn nhân sự bảo đảm công khai, minh bạch; chủ động tuyên truyền, quan tâm tổ chức lớp tập huấn cho các ứng cử viên là người trẻ tuổi, lần đầu tham gia ứng cử. Đồng thời chuẩn bị tốt việc niêm yết danh sách người ứng cử; giải quyết kịp thời khiếu nại, tố cáo đúng tiến độ đề ra.
-Tại nhiệm kỳ này, những bộ trưởng nào là thành viên Chính phủ không nằm trong danh sách ứng cử ĐBQH khoá XIV, thưa ông?
- Trong danh sách chính thức, có tất cả 15 người trong thành phần bộ máy Chính phủ sẽ tham gia ứng cử ĐBQH khóa XIV ở TƯ. Vì thế, có một số bộ trưởng sẽ được giới thiệu, một số bộ trưởng không được giới thiệu ứng cử ĐBQH. Điều này là để đảm bảo thành phần, cơ cấu kết hợp chung cho các cơ quan, đơn vị khác, chứ không thể tất cả các thành viên Chính phủ đều được giới thiệu ứng cử.
- Theo nguyên tắc đã được Hội đồng bầu cử quốc gia đề ra, thì các Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư tham gia ứng cử ĐBQH sẽ được phân bổ hợp lý, đảm bảo các vùng, miền, đặc biệt là những khu vực quan trọng, khó khăn đều có lãnh đạo Đảng, Nhà nước ứng cử. Ông cho biết nguyên tắc này đã được thực hiện như thế nào?
- Nguyên tắc bình đẳng đòi hỏi phải có sự phân bổ hợp lý cơ cấu, thành phần, số lượng người được giới thiệu ứng cử ĐBQH ở từng địa phương, bảo đảm tiếng nói đại diện của các vùng, miền, địa phương. Do đó, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, thành viên Chính phủ, các vị bộ trưởng cũng được phân bổ ứng cử đồng đều theo vùng miền Bắc - Trung - Nam vùng sâu, vùng xa, chứ không chỉ ở thành phố.
Tôi đơn cử, Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai ứng cử tại tỉnh Lâm Đồng. Ứng cử tại Hà Nội có Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Chủ tịch nước Trần Đại Quang ứng cử tại TP Hồ Chí Minh. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ứng cử ở Hải Phòng. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân ứng cử tại Cần Thơ. Thường trực Ban Bí thư Đinh Thế Huynh ứng cử tại Đà Nẵng. Trưởng Ban tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng ứng cử tại tỉnh Đồng Nai....
-Quyền bầu cử của những người đang bị tạm giam, tạm giữ, người cai nghiện đã được luật định, Hội đồng bầu cử quốc gia có kế hoạch thế nào để hướng dẫn các địa phương bảo đảm cho những người này thực hiện quyền của mình?
- Trước hết tôi khẳng định, trong quá trình lập danh sách cử tri, cho đến 24 giờ trước thời điểm bỏ phiếu thì danh sách cử tri vẫn được cập nhật. Với cử tri là người đang bị tam giam, tạm giữ, người đang chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc được ghi tên vào danh sách cử tri để thực hiện việc bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND cấp tỉnh ở nơi người đó đang bị tạm giữ, tạm giam. Đây là quy định mới, chưa từng có tiền lệ.
Còn hình thức thế nào thì địa phương linh hoạt áp dụng. Ví dụ, tại nơi tạm giam, tạm giữ, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc không tổ chức khu vực bỏ phiếu riêng thì tổ bầu cử mang hòm phiếu phụ và phiếu bầu đến để cử tri nhận phiếu bầu và thực hiện việc bầu cử.
-Để chuẩn bị chu đáo, bảo đảm thành công của cuộc bầu cử ĐBQH khoá XIV, ông có lưu ý gì về công tác chuẩn bị bầu cử trong thời gian tới?
- Cuộc bầu cử sắp tới là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng nhằm phát huy quyền làm chủ của nhân dân lựa chọn những đại biểu xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng của mình tham gia vào cơ quan quyền lực của Nhà nước góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân ngày càng vững mạnh. Vì vậy, song song với việc bảo đảm cuộc bầu bầu cử diễn ra dân chủ, đúng pháp luật, cần giải quyết kịp thời các đơn thư khiếu nại tố cáo, bảo đảm công bằng trong vận động bầu cử.
Từ nay đến 22-5-2016, các tỉnh, thành phố cần tập trung tuyên truyền về tiêu chuẩn của người đại biểu dân cử; về công tác vận động bầu cử; về quyền và nghĩa vụ của cử tri; về cách thức tiến hành bầu cử; về không khí ngày bầu cử, diễn biến, tiến độ bầu cử ở các địa phương, tuyên truyền vận động người dân tích cực tham gia bỏ phiếu, sáng suốt trong việc thực hiện quyền bầu cử, không bỏ phiếu thay cho người khác.
Trong giai đoạn từ ngày 23/5 đến ngày 15/6/2016, cần tập trung tuyên truyền về kết quả bầu cử, phản ánh dư luận trong nước và quốc tế về kết quả bầu cử.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.