Trả lời câu hỏi của báo chí tại buổi họp báo thường kỳ do Bộ Tài chính tổ chức chiều 29-3, Phó Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí Trương Bá Tuấn cho biết, căn cứ để điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh là sửa luật hoặc khi chỉ số giá tiêu dùng biến động 20%.
Luật Thuế thu nhập cá nhân quy định chỉ số giá tiêu dùng (CPI) biến động trên 20% so với thời điểm luật có hiệu lực thi hành hoặc thời điểm điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh gần nhất thì Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh.
Kể từ khi các Luật Thuế thu nhập cá nhân có hiệu lực (năm 2009), Bộ Tài chính đã chủ động rà soát, tham mưu Quốc hội điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh qua các thời kỳ cho phù hợp với thực tế.
Nếu mức giảm trừ gia cảnh khi áp dụng Luật này có hiệu lực là 4 triệu đồng thì đến năm 2012, Chính phủ trình Quốc hội nâng mức giảm trừ gia cảnh lên 9 triệu đồng/tháng và đến năm 2020 được nâng tiếp lên 11 triệu đồng.
CPI từ năm 2020 đến nay biến động chưa đến 20% so với thời điểm điều chỉnh gần nhất. Vì thế, thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục theo dõi diễn biến, căn cứ vào những quy định được nêu tại Luật Thuế thu nhập cá nhân hiện hành để có phương án tăng mức giảm trừ gia cảnh khi chỉ số CPI biến động.
Liên quan đến sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân, theo đúng lộ trình được Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ và Chính phủ báo cáo Quốc hội, Luật này được trình sửa đổi vào năm 2025. Dự kiến sẽ sửa tổng thể các nội dung liên quan tới chính sách thuế thu nhập cá nhân, bao gồm cả quy định liên quan đến thu nhập chịu thuế, thu nhập miễn thuế, giảm trừ gia cảnh…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.