(HNMO) – Chiều 3/3, Bộ Công thương đã tổ chức họp báo thường kỳ, trao đổi về nhiều vấn đề nóng như việc tăng giá sữa, cúm gia cầm...
Sẽ điều tra việc DN “bắt tay” tăng giá sữa
Trả lời câu hỏi của phóng viên về vấn đề nhiều hãng sữa vừa đồng loạt tăng giá, làm ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng và liệu có sự vi phạm Luật Cạnh tranh? Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết: Trong cuộc họp của Chính phủ mới đây, nhiều thành viên Chính phủ đã quan tâm đến việc tăng giá sữa. Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Tài chính làm đầu mối xem xét về việc tăng giá sữa. Chiều 3/3 và sáng 4/3, Bộ Công Thương làm việc với Bộ Tài chính để xem xét về vấn đề này. Theo đó, hai Bộ sẽ xem xét lại cơ cấu giá, DN có niêm yết và bán đúng giá không? Các cơ quan chức năng cũng xem xét việc liệu có sự liên kết giữa các DN trong việc tăng giá sữa.
Thứ trưởng cũng nêu rõ, hiện có nghi ngờ trong việc tăng giá sữa không hợp lý, nhưng mọi phán đoán phải xem xét trên cơ sở pháp lý, bảo vệ người tiêu dùng và những DN làm ăn chân chính.
Trả lời thêm về vấn đề này, ông Đỗ Thanh Lam – Cục phó Cục Quản lý thị trường (QLTT) bổ sung thêm, sáng 4/3 ông sẽ tham gia cùng Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải họp với Bộ Tài chính về vấn đề giá sữa. Cục QLTT đã yêu cầu QLTT cả nước theo chỉ đạo của Bộ Tài chính kiểm soát chặt vấn đề giá sữa.
Bên cạnh đó, ông Nguyễn Phương Nam – Phó Cục trưởng Cục Quản lý Cạnh tranh, Bộ Công thương nhấn mạnh, thời gian gần đây giá sữa rất sôi động. Sữa là mặt hàng cần bình ổn giá. Thời gian gần đây, Cục Quản lý Cạnh tranh đã biết khả năng tăng giá của các hãng sữa. Thị trường sữa ở Việt Nam cạnh tranh rất khốc liệt. Cục có số liệu của giá sữa trong và ngoài nước. Cục sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng nếu phát hiện 4 DN như dư luận đưa tin vừa qua có hành vi phản cạnh tranh sẽ tổ chức điều tra sơ bộ các DN trong 30 ngày, nếu có hành vi vi phạm sẽ điều tra chính thức trong vòng 180 ngày.
Tăng cường kiểm soát cúm gia cầm
Tại buổi họp báo, phản ảnh nóng về tình trạng phòng chống cúm gia cầm, ông Đỗ Thanh Lam – Cục phó Cục QLTT cho biết: Hiện dịch cúm gia cầm đang diễn biến phức tạp, với 22 tỉnh phát hiện có ổ dịch. Ổ dịch viruts H7N9 từ Quảng Tây, Trung Quốc có khả năng lan truyền về Việt Nam rất cao. Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo về vấn đề này. Cục QLTT đã yêu cầu QLTT cả nước coi chống dịch là nhiệm vụ quan trọng, thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ NN&PTNT; yêu cầu 19 tỉnh biên giới phía Bắc tập trung phòng ngừa việc nhập gia cầm trái phép.
Cơ quan cũng QLTT tăng kiểm tra, kiểm soát, làm tốt công tác tuyên truyền; Cảnh báo người tiêu dùng sử dụng gia cầm có nguồn gốc. Cơ quab QLTT đã thành lập ngay các đoàn kiểm tra đi Quảng Ninh, Lạng Sơn, Bắc Giang về việc vận chuyển gia cầm. Trong đêm 17/2, đã kiểm tra địa bàn Hà Nội và Hưng Yên và hai nơi này đang phòng chống dịch tốt. Tuy nhiên, điều khó khăn của các đơn vị chức năng là hiện đang thiếu các trang thiết bị.
Ngoài ra, ông Lam cũng cho cho biết thêm, đường dây nóng về an toàn thực phẩm được Nhà nước rất quan tâm; hiện có 2-3 máy đang trục trặc, trong một vài ngày tới, đường dây sẽ hoạt động.
Chưa tăng giá điện
Tại buổi họp báo, trả lời câu hỏi của phóng viên về Đề án điều chỉnh giá điện được Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) trình lên, Bộ Công thương xem chưa? Tháng mấy sẽ áp dụng và CPI tăng thấp tronhg hai tháng đầu năm có là thời điểm thích hợp để tăng giá điện? Ông Đặng Huy Cường – Cục trưởng Cục điều tiết điện lực cho biết hiện Bộ Công thương chưa nhận được Đề án tăng giá điện của EVN.
Theo ông Cường, việc điều chỉnh giá điện phải tuân theo nhiều văn bản pháp luật như Quyết định 69/2013 của Thủ tướng CP về cơ chế giá điện bình quân; Khung giá bán lẻ điện bình quân… Bên cạnh đó, việc điều chỉnh giá điện cũng phải cân nhắc đến các yếu tố vĩ mô, CPI…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.