(HNM) - Để kiểm soát chặt chẽ chất lượng nông, lâm, thủy sản trên thị trường, thời gian qua, các ngành chức năng của thành phố đã tổ chức nhiều cuộc kiểm tra nguồn gốc, cơ sở hạ tầng, trang thiết bị bảo quản sản phẩm ở các cửa hàng kinh doanh. Tuy nhiên, kết quả kiểm tra cho thấy tỷ lệ cơ sở xếp loại C khá cao
Cơ sở xếp loại C chiếm 40%
Toàn thành phố có 22.064 cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp và sản phẩm nông, lâm, thủy sản, nhưng số cơ sở xếp loại C về chấp hành các quy định an toàn thực phẩm (ATTP) vẫn chiếm khoảng 40%. Chính quyền một số địa phương chưa quyết liệt trong xử lý vi phạm, chủ yếu chỉ nhắc nhở, cảnh cáo đối với các vi phạm nên còn nhiều cơ sở chưa thực hiện đúng các quy định về ATTP.
Cán bộ Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản kiểm tra nguồn gốc sản phẩm tại một cửa hàng bán nông sản. |
Triển khai Thông tư 51/2014/TT-BNNPTNT ngày 27-12-2014 của Bộ NN&PTNT về bảo đảm ATTP và phương thức quản lý đối với cơ sở sản xuất ban đầu nhỏ lẻ, các địa phương mới tổ chức ký cam kết đạt 33,8%. Hệ thống cơ sở dữ liệu về thống kê kiểm tra đánh giá các cơ sở sản xuất, kinh doanh thuộc thẩm quyền quản lý của các địa phương còn thiếu. Không những thế, việc triển khai Thông tư số 45/2014/TT-BNNPTNT ngày 3-12-2014 về kiểm tra cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp và kiểm tra, chứng nhận cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản đủ điều kiện ATTP của các quận, huyện, đặc biệt là tuyến xã còn thiếu quyết liệt và chưa đồng đều nên tình trạng vi phạm vẫn còn phổ biến.
Mới đây, Đoàn kiểm tra của Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản Hà Nội kiểm tra tại cửa hàng của Công ty TNHH Nông trại thực phẩm HNH tại ki ốt 3B, CT5, Khu đô thị Hồng Hà Eco City, xã Tứ Hiệp, huyện Thanh Trì. Phó Chi cục trưởng Nguyễn Mậu Hải cho biết, về cơ bản cửa hàng đã xuất trình được các giấy tờ nguồn gốc xuất xứ các mặt hàng như cá, rau, củ quả, nhưng vẫn còn nhiều điểm phải khắc phục như: Hồ sơ nguồn gốc "thịt lợn thảo dược" của hộ kinh doanh Đỗ Văn Chuyên; nhãn sản phẩm của công ty chưa ghi đầy đủ các nội dung bắt buộc theo quy định; điều kiện vệ sinh của cơ sở, đặc biệt là nơi sơ chế cũng chưa đáp ứng yêu cầu.
Thực tế, việc đánh giá phân loại các cơ sở xếp loại A, B, C từ thành phố đến cơ sở còn gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân là do các văn bản quản lý về ATTP, đánh giá các cơ sở còn bất cập, thiếu thống nhất, như: Chưa có quy định về xác định nguồn gốc thủy sản và sản phẩm thủy sản, mẫu “giấy chứng nhận”, “giấy xác nhận” còn chưa cụ thể xuất xứ nên trong quá trình kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm hành chính gặp nhiều khó khăn. Cơ sở sơ chế, chế biến, kinh doanh các sản phẩm động vật vẫn phải cấp hai giấy chứng nhận: Cơ sở đủ điều kiện vệ sinh thú y và cơ sở đủ điều kiện ATTP trong khi tiêu chí đánh giá tương đối giống nhau, dẫn tới khó khăn trong công tác xử phạt.
Tăng cường kiểm tra, giám sát
Để từng bước tháo gỡ khó khăn trong quá trình đánh giá, phân loại ở cơ sở sản xuất nông, lâm, thủy sản, các địa phương cần tăng cường cập nhật, lập danh sách các cơ sở xếp loại A, B, C theo chuỗi sản xuất, tiêu thụ sản phẩm an toàn để theo dõi, nhắc nhở. Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Huy Đăng cho rằng, các đơn vị của Sở cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đột xuất, kiểm nghiệm, giám sát hậu kiểm việc thực hiện các quy định của pháp luật về chất lượng, ATTP nông nghiệp, đồng thời, phối hợp với các cấp, các ngành tăng cường thanh tra, kiểm tra việc bảo đảm ATTP đối với tổ chức, cá nhân sản xuất, sơ chế, chế biến, kinh doanh nông, lâm, thủy sản, hóa chất trong sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là chất cấm.
Đối với các quận, huyện, thị xã cần bố trí kinh phí, cán bộ chuyên môn nghiệp vụ cho các cơ quan được phân công nhiệm vụ kiểm tra đánh giá phân loại và cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP nông, lâm, thủy sản theo quy định của Bộ NN&PTNT và phân cấp của UBND thành phố. Đặc biệt, các quận, huyện cần chỉ đạo phòng chức năng, đơn vị liên quan và các xã, phường, thị trấn tăng cường tuyên truyền phổ biến văn bản pháp luật về chất lượng vật tư nông nghiệp và ATTP; chỉ đạo nhân viên thú y, trồng trọt, bảo vệ thực vật phổ biến, hướng dẫn cơ sở kinh doanh tổ chức ký cam kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm bảo đảm chất lượng ATTP. Các địa phương cần yêu cầu các cơ sở kinh doanh phải đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị ở khu sản xuất cũng như chế biến, không để lẫn thịt đông lạnh với hàng khô, hoa quả... nhằm bảo đảm vệ sinh ATTP cho người tiêu dùng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.