(HNM) - Sở hữu kho tàng di sản văn hóa phi vật thể (DSVHPVT) phong phú, năm 2014, nhiều địa phương trên địa bàn TP Hà Nội đã tiến hành kiểm kê, phân loại DSVHPVT để có biện pháp bảo tồn, phát huy giá trị phù hợp, hiệu quả hơn. Kết quả kiểm kê bước đầu cho thấy, hệ thống DSVHPVT trên địa bàn
Nhiều di sản chưa được kiểm kê
Đến thời điểm này, 12/30 quận, huyện, thị xã trên địa bàn TP Hà Nội đã nhận diện, kiểm kê được gần 900 DSVHPVT đang tồn tại. Theo các nhà chuyên môn, con số này được cho là khá khiêm tốn so với thực tế vì hầu hết các địa phương chưa kiểm kê đầy đủ các loại hình DS mà mới tập trung ở DS lễ hội. Đơn cử như quận Tây Hồ đã bỏ qua những DS rất đặc trưng như: Tập quán chợ phiên ở phường Bưởi; nghề trồng đào, quất, hoa ở phường Nghi Tàm, Nhật Tân, Phú Thượng; nghề xôi Phú Thượng…; huyện Thanh Oai không đưa loại hình DS truyền khẩu, nghệ thuật trình diễn, tập quán xã hội, tri thức dân gian vào danh mục kiểm kê; thị xã Sơn Tây được đánh giá là cái nôi văn hóa vùng đất xứ Đoài cũng không thống kê được địa phương mình còn bao nhiêu DS truyền khẩu và tri thức dân gian… Theo đánh giá của các địa phương, DS truyền khẩu là loại hình rất khó nhận diện vì dễ nhầm lẫn với các loại hình khác; còn tri thức dân gian là khái niệm rộng, bản thân những người làm công tác kiểm kê cũng chưa thể hiểu hết DS này gồm những loại nào nên mới nhận diện chúng ở lĩnh vực y học cổ truyền là chủ yếu.
Nghề thêu ren ở xã Bình Minh (Thanh Oai) là một trong 98 di sản cần được bảo vệ khẩn cấp.Ảnh: Bá Hoạt |
Nhận xét về kho tàng DSVHPVT trên địa bàn TP Hà Nội, bà Lê Thị Minh Lý - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và phát huy giá trị DSVH khẳng định: Hà Nội có đầy đủ 6 loại hình DSVHPVT, gồm: Ngữ văn truyền khẩu (sử thi, ca dao, dân ca, tục ngữ, hò, vè, câu đố, truyện cổ tích, hát ru…); nghệ thuật trình diễn (âm nhạc, múa, hát, sân khấu…); tập quán xã hội (luật tục, hương ước, chuẩn mực đạo đức, nghi lễ…); lễ hội truyền thống; nghề thủ công truyền thống; tri thức dân gian (tri thức về thiên nhiên, đời sống con người, lao động sản xuất, y dược học cổ truyền, ẩm thực, trang phục…). "Trong quá trình điền dã nhận diện DS, chúng tôi thấy rất nhiều DS có giá trị chưa được kiểm kê. Đó là những câu chuyện truyền miệng về nguồn gốc của hội đền Và (Sơn Tây), hội đền Hát Môn (Phúc Thọ), hội chùa Keo (Gia Lâm); truyền thuyết về các trò chơi được tổ chức trong lễ hội kéo co ngồi ở hội đền Cự Linh (Long Biên), chạy ngựa ở hội chùa Keo (Gia Lâm), các bài hát đối, hát ru con của người Mường, người Dao (Ba Vì); chu trình đời người từ việc cưới hỏi, sinh đẻ, thượng thọ đến tang ma ở các địa phương hay tri thức dân gian về ẩm thực, sản xuất nông nghiệp, bảo quản lương thực, thực phẩm… Sự nhận diện chưa đầy đủ này một mặt khiến một số DS dần bị lãng quên, mặt khác làm cho các ngành chức năng của TP Hà Nội khó có thể đưa ra chính sách bảo tồn, phát huy giá trị DSVHPVT một cách hợp lý", bà Lê Thị Minh Lý trăn trở.
Cần bảo vệ khẩn cấp
Khảo sát thực tế cho thấy, quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh làm cho không gian văn hóa bị thu hẹp và biến đổi, dẫn đến sự biến đổi, mai một của nhiều loại hình DSVHPVT. Đơn cử như loại hình hát trống quân hiện còn rất ít người có khả năng thực hành, trao truyền; nghề làm tranh dân gian hầu như biến mất; tiếng lóng ở làng Đa Chất, xã Đại Xuyên (Phú Xuyên) ít người biết đến… "Nghe thì rất đơn giản, nhưng khi nghiên cứu kỹ, chúng tôi đánh giá tiếng lóng ở Đa Chất là một trong những loại hình DS truyền khẩu hết sức độc đáo. Đó là thứ ngôn ngữ riêng do những người thợ làm nghề đóng cối ở Đa Chất sáng tạo ra để giao tiếp với nhau khi ra ngoài làm nghề. Ngày nay, một số gia đình ở Đa Chất vẫn dùng tiếng lóng nhưng không còn phổ biến. Để những DSVHPVT độc đáo mất hẳn, chúng ta khó có cơ hội phục hồi, chứ chưa nói đến việc phát huy giá trị" - bà Lê Thị Minh Lý cho biết. Từ thực tế đó, bước đầu Trung tâm Nghiên cứu và phát huy giá trị DSVH đề xuất các ngành chức năng của TP Hà Nội nên ưu tiên bảo tồn 98 DS, trong đó có một số DS cần bảo vệ khẩn cấp là: Tiếng lóng ở Đa Chất, xã Đại Xuyên (Phú Xuyên); hát tuồng cổ thôn Cốc Thượng, xã Hoàng Diệu (Chương Mỹ); hát trống quân ở xã Khánh Hà (Thường Tín) và ở thôn Phúc Lâm, xã Phúc Tiến (Phú Xuyên); trò vật lầu ở làng Thao Chính, thị trấn Phú Xuyên (Phú Xuyên) và nghề thêu ren ở xã Bình Minh (Thanh Oai)…
Theo ông Trương Minh Tiến, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Hà Nội: Hà Nội có bao nhiêu DSVHPVT được ưu tiên bảo tồn và bảo tồn bằng biện pháp nào phải chờ công tác kiểm kê DSVHPVT hoàn thành vào năm 2015. Sở VH-TT&DL sẽ dựa trên mức độ cấp thiết và chính sách chung của TP Hà Nội để quyết định.
Khách quan mà nói, sự cẩn trọng của ngành văn hóa Hà Nội trong việc lựa chọn DS để ưu tiên bảo tồn là hợp lý vì thực tế mới chỉ có một phần DS được kiểm kê, phân loại và nguồn kinh phí đầu tư cho bảo tồn còn hạn chế. Thế nhưng, khác với DSVH vật thể, việc bảo tồn DSVHPVT luôn gắn với con người - chủ thể của di sản, vì vậy chúng ta không nhất thiết phải tiêu tốn nhiều tỷ đồng mới bảo vệ được. Như bà Lê Thị Minh Lý chỉ rõ: "Ngày xưa, Nhà nước không có tiền đầu tư nhưng cộng đồng vẫn nỗ lực bảo tồn DS. Quan trọng là các cơ quan chức năng tạo ra môi trường, tạo ra những cơ hội và hướng dẫn cộng đồng thực hành DS sao cho hợp lý. Hà Nội có nhiều DSVHPVT đã và đang bị mai một, chúng ta hãy cứu nhanh kẻo mất".
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.