Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chưa khoản nợ nào được chuyển nhượng cho VAMC

Hương Thủy| 19/08/2013 18:25

(HNMO) - Nguyên nhân là do công ty này vừa mới khai trương hoạt động và đang chờ Thông tư hướng dẫn cụ thể việc mua bán, xử lý nợ xấu.

Ảnh minh họa


Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết trên website của cơ quan này, đến nay chưa có khoản nợ nào được chuyển nhượng từ tổ chức tín dụng (TCTD) cho Công ty Quản lý nợ Việt Nam (VAMC). Lý do là bởi công ty vừa mới khai trương hoạt động từ ngày 26-7 vừa qua và đang chờ Thông tư hướng dẫn cụ thể việc mua bán, xử lý nợ xấu.

Ngoài việc nêu rõ cách thức, giá cả và tài sản thế chấp nợ, qui trình và tốc độ bán lại nợ xấu từ VAMC cho đối tác thứ ba, Thông tư hướng dẫn này sẽ phản ánh những ý kiến đề xuất của các TCTD, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa một bên là VAMC và bên kia là các TCTD. Ngoài ra, cần thống nhất với các bộ, ngành liên quan để đẩy nhanh các thủ tục pháp lý liên quan đến việc định giá và chuyển nhượng tài sản trong quá trình mua bán nợ, đây cũng là vấn đề đang gây nhiều khó khăn cho các TCTD trong việc xử lý các khoản nợ khó đòi do thủ tục hành chính rườm rà và thiếu sự hỗ trợ của các cơ quan liên quan.

Ngày 1-8 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 48về việc góp vốn, mua cổ phần bắt buộc TCTD được kiểm soát đặc biệt, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20-9-2013. Theo quyết định này, trong trường hợp TCTD bị kiểm soát đặc biệt không thực hiện yêu cầu về việc tăng vốn, xây dựng, thực hiện kế hoạch tái cơ cấu hoặc sáp nhập, Thống đốc NHNN có quyền chỉ định TCTD khác tham gia góp vốn, mua cổ phần của TCTD đang bị kiểm soát đặc biệt.

NHNN cho rằng, quyết định này cho thấy sự quan tâm và chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, đặc biệt là Nghị quyết phiên họp thường kỳ tháng 7, trong bối cảnh nỗ lực giải quyết nợ xấu còn gặp nhiều trở ngại, nổi bật là những vướng mắc về thủ tục pháp lý.

Bên cạnh việc có tác dụng hỗ trợ cho VAMC đẩy nhanh tiến trình xử lý nợ xấu, Quyết định 48 còn sẽ từng bước xử lý được vấn đề sở hữu chéo hiện nay, hạn chế tình trạng chuyển nợ từ TCTD sang các công ty con và công ty liên kết, qua đó điều chỉnh số liệu trên sổ sách kế toán.

Tuy nhiên, để quyết định này có hiệu quả thực sự, cần có thêm một số công cụ hỗ trợ và phải có công cụ pháp lý đủ mạnh. Đặc biệt là, phải có tiêu chí phân loại nợ rõ ràng và thống nhất trong toàn hệ thống Ngân hàng Việt Nam.

Về tổng thể, để đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu nói chung, vấn đề cơ bản nhất là phải tăng cường các thiết chế và qui định an toàn trong hoạt động kinh doanh ngân hàng, làm cơ sở để tiến hành những bước cải cách quyết liệt hơn, có thể quyết định hợp nhất, sáp nhập những TCTD yếu kém. Trong thời gian tới, cần có các giải pháp buộc các TCTD phải chủ động cải cách, nâng cao hiệu quả hoạt động và năng lực tài chính, củng cố lòng tin đối với thị trường, có khả năng chống đỡ những biến động về tài chính ở trong và ngoài nước.

VAMC là doanh nghiệp đặc thù, được thành lập nhằm góp phần xử lý nhanh nợ xấu, lành mạnh hóa tài chính. Công ty này có vốn điều lệ ban đầu là 500 tỷ đồng, được thực hiện các hoạt động: mua nợ xấu của các tổ chức tín dụng; thu hồi nợ, đòi nợ và xử lý, bán nợ, tài sản đảm bảo; đầu tư tài chính, góp vốn, mua cổ phần; bảo lãnh cho các tổ chức, doanh nghiệp, các nhân vay vốn của tổ chức tín dụng... TCTD có tỷ lệ nợ xấu từ 3% so tổng dư nợ tín dụng trở lên phải bán nợ cho VAMC. VAMC đã được khai trương hoạt động vào ngày 26-7-2013.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chưa khoản nợ nào được chuyển nhượng cho VAMC

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.