Chùa Hồng Phúc thường gọi là chùa Hòe Nhai, Hòa Giai, tọa lạc ở số 19 phố Hàng Than, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội. Hòe Nhai có nghĩa là ”phố cây hòe”. Tương truyền, những người thi đỗ đại khoa thường đến vùng này trồng một cây hòe làm kỷ niệm.
Hòe Nhai có nghĩa là ”phố cây hòe”. Tương truyền, những người thi đỗ đại khoa thường đến vùng này trồng một cây hòe làm kỷ niệm. Song cũng có tích rằng khi quy hoạch kinh đô, các đường phố phải ”đông hòe, tây liễu” mới cát vượng, nghĩa là đường phố phía đông kinh thành trồng hòe, đường phố phía tây trồng liễu.
Chùa Hồng Phúc, tương truyền được xây dựng từ thời hậu Lý và qua các đời đều có tu sửa, mở mang. Chùa có khuôn viên rất rộng và thoáng nhưng đến thời Pháp thuộc bị thu hẹp ít nhiều.
Vào thế kỷ XVII, bảo mẫu của vua Lê Hy Tông, người phường Hòe Nhai, không những bỏ tiền công đức xây dựng lại chùa mà còn thỉnh hòa thượng Thủy Nguyệt về trụ trì chùa Hồng Phúc.
Người kế vị Hòa thượng Thủy Nguyệt trụ trì chùa Hồng Phúc là Hòa thượng Tông Diễn Chân Dung, người sau này trở thành sư tổ của dòng Tào Động. Bởi vậy, chùa Hồng Phúc là tổ đình Thiền phái Tào Động của Phật giáo miền Bắc.
Trong thời gian hòa thượng Tông Diễn Chân Dung trụ trì, vua Lê Hy Tông thi hành chính sách chống Phật giáo, hòa thượng Tông Diễn đã dâng vua một cái tráp và tâu: trong tráp có ngọc minh châu. Vua Hy Tông mở tráp, chỉ thấy bài biểu nói về việc nhà Lê lâu bền chính nhờ sự độ trì của đức Phật. Ngay sau đó, vua Hy Tông thay đổi hẳn chính sách đối với Phật giáo, có lẽ, từ tích này chùa Hồng Phúc có thêm pho tượng một vị quốc vương trong tư thế phủ phục để Phật ngồi trên lưng.
Chùa tọa lạc trên một khu đất khá vuông vắn, mỗi chiều chừng 50m, quay mặt ra hướng tây, phố Hàng Than. Tam quan chùa dựng theo kiểu hoa biểu bốn trụ, lối kiến trúc điển hình thời Nguyễn.
Trong sân chùa, có hai tháp lớn cao ba tầng, cạnh đó có hai bia đá lớn cùng một hệ thống bia đá khác, tạo nên một vườn 28 bia đá. Trong đó, bia cổ nhất dựng năm Chính Hòa 24 (1703), văn bia do tiến sĩ Hà Tông Mục soạn, ghi rõ: chùa được xây dựng ở phường Hòe Nhai, Đông Bộ Đầu. Đây là một chứng tích rất quan trọng giúp cho giới nghiên cứu sử học ngày nay xác định địa điểm Đông Bộ Đầu (Bến Đông), nơi diễn ra trận đánh lịch sử ngày 29-1-1258, đuổi quân xâm lược Nguyên Mông ra khỏi kinh thành Thăng Long.
Theo văn bia do Hà Tông Mục soạn: Chùa xây dựng lại năm Chính Hòa thứ 24 (1703). Nhưng trên một xà nhà lại ghi: Tòa nhà này làm năm Chính Hòa thứ 19 (1698). Như vậy, chùa Hồng Phúc được xây dựng thành quy mô rộng lớn từ thế kỷ XVII và qua nhiều lần trùng tu.
Khu thờ chính của chùa gồm 4 tòa nhà: Hai tòa nhà liền mái chảy song song, mỗi tòa 5 gian, là bái đường. Tòa chính diện 3 gian, sau đó là nhà Tổ 7 gian.
Hệ thống tượng thờ còn 68 pho tượng, tất cả đều sơn son thếp vàng lộng lẫy. Tượng chùa làm bằng nhiều chất liệu như đồng hun, gỗ và đất nện; phần lớn được làm từ thế kỷ XVIII, XIX. Riêng tòa Cửu Long cổ hơn cả, làm từ thế kỷ XVII.
Tại thượng điện, hiện còn nhiều bức cốn chạm lộng, chạm nổi hình long, ly, quy, phương và hệ thống cửa võng sơn son thếp vàng thể hiện các đề tài cúc, trúc, mai, điểu...
Khánh đồng chùa cao 1m, rộng 1,5m, được đúc năm Giáp Dần niên hiệu Long Đức thứ 3 (1734) đời Lê Thần Tông. Chuông chùa được đúc năm Tự Đức thứ 17 (1864)
Từ thời Hòa thượng Thủy Nguyệt trụ trì đến nay, chùa Hồng Phúc có 48 vị sư đắc đạo (sư tổ), trong đó, nhiều vị được triều đình ban sắc phong như vị sư Lê Văn Chức (nhận sắc phong năm Cảnh Hưng thứ 11 (1750) của vua Lê Hiển Tông).
Chùa là nơi diễn ra nhiều hoạt động quan trọng của giới tăng ni, phật tử thủ đô như cuộc họp chọn đại biểu gặp Chính quyền cách mạng, thành lập Hội Phật giáo Cứu quốc.
HNNN
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.