(HNMO) - Chiều 5-6, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh đã trình bày trước Quốc hội tờ trình Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi).
Theo đó, Dự thảo Luật lần này loại bỏ những nội dung chồng chéo liên quan đến hoạt động đấu thầu sử dụng vốn nhà nước trong các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành; quy định các bộ, ngành sẽ ban hành các văn bản hướng dẫn đặc thù để đảm bảo tính thống nhất, minh bạch của chính sách nhà nước đối với công tác đấu thầu.
Đồng thời, hoàn thiện chính sách đấu thầu sử dụng nguồn vốn nhà nước phù hợp với chủ trương tái cấu trúc nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh, trong đó thực hiện tái cơ cấu đầu tư công theo hướng duy trì tỷ trọng đầu tư công truyền thống ở mức hợp lý, khuyến khích và tạo môi trường thuận lợi, minh bạch nhằm thu hút đầu tư tư nhân vào phát triển hạ tầng trên cơ sở cạnh tranh, từng bước nâng cao hiệu quả và đảm bảo tính dẫn dắt của các hoạt động đầu tư có sử dụng vốn nhà nước, góp phần thúc đẩy sự phát triển của các lĩnh vực và của nền kinh tế. Qua đó, từng bước loại bỏ tình trạng lợi dụng sơ hở một số quy định pháp luật để thông thầu, chỉ định thầu bất hợp lý, kéo dài thời gian thực hiện gói thầu… gây lãng phí, thất thoát nguồn vốn nhà nước.
Thẩm tra Dự thảo Luật Đấu thầu sửa đổi, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu cho rằng, việc ban hành Luật đấu thầu (sửa đổi) là cần thiết để thống nhất các nội dung trong các văn bản quy phạm pháp luật khác quy định về hoạt động đấu thầu, góp phần xử lý được mối quan hệ giữa Luật này với các luật khác có liên quan đến việc lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư đối với các gói thầu, dự án sử dụng nguồn vốn nhà nước, kịp thời khắc phục những hạn chế, khó khăn, vướng mắc, đáp ứng yêu cầu quản lý công tác đấu thầu.
Tuy nhiên, có ý kiến trong Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng mặc dù Tờ trình của Chính phủ có nêu quan điểm về việc sửa đổi, bổ sung các quy định nhằm hoàn thiện chính sách đấu thầu sử dụng nguồn vốn nhà nước cho phù hợp với chủ trương tái cơ cấu nền kinh tế, trong đó có nội dung thực hiện tái cơ cấu đầu tư công, đáp ứng yêu cầu chủ động hội nhập quốc tế, đồng thời bảo đảm tính độc lập, tự chủ của Việt Nam. Nhưng trong dự án Luật chưa thể hiện rõ nét các nội dung mới cơ bản, những sửa đổi, bổ sung cụ thể để đáp ứng được mục đích, quan điểm chỉ đạo này.
Đối với các hoạt động đấu thầu, một số ý kiến tán thành với tiêu chí xác định các dự án cho mục tiêu đầu tư phát triển sử dụng vốn nhà nước nhưng đề nghị có quy định kiểm soát chặt chẽ hơn đối với hoạt động lựa chọn nhà thầu trong trường hợp các dự án cho mục tiêu đầu tư phát triển sử dụng vốn nhà nước từ 500 tỷ đồng trở lên. Có ý kiến lại đề nghị không quy định tiêu chí xác định quy mô vốn nhà nước trong các dự án đầu tư có sử dụng vốn nhà nước theo mức tuyệt đối bằng tiền vì không bảo đảm được tính ổn định của Luật, quy định này sẽ lạc hậu sau một thời gian ngắn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.