Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chưa hè đã... khát!

Bảo Nga - Ngọc Thủy| 14/05/2013 06:19

(HNM) - Chưa bao giờ nước sạch lại thiếu trầm trọng trên diện rộng như tại khu vực ngoại thành Hà Nội hiện nay. Thực trạng người dân phải ăn uống, sinh hoạt bằng nước ao tù, nước giếng khoan... bị ô nhiễm ngay giữa Thủ đô đang đặt ra một câu hỏi bức xúc:


Tuyến đường bê tông dẫn vào thôn Ngọc Than, xã Ngọc Mỹ, huyện Quốc Oai, vắng lặng dưới cái nắng như thiêu như đốt của trưa hè. Men theo những con đường nhỏ chạy ngoằn ngoèo khắp thôn xóm, chúng tôi phát hiện những ống nhựa to chừng hơn ngón tay cái đan chằng chịt, "dìu" nhau trải khắp các cột điện, ngọn cây, mái nhà, bờ tường... Tất cả những đường ống đó đều bắt nguồn từ khu vực ao Sen thuộc xóm Giữa, thôn Ngọc Than.

Nước ao tù là nguồn nước sinh hoạt của người dân thôn Ngọc Than, xã Ngọc Mỹ (huyện Quốc Oai).


Đối nghịch với sự yên tĩnh trên các tuyến đường làng, quang cảnh tại ao Sen náo nhiệt khác thường. Trên bậc thềm cầu ao, từng tốp, từng tốp khá đông người đang ai vào việc nấy. Góc này, mấy chị phụ nữ cắm cúi người giặt quần áo, người rửa rau; góc kia một anh thanh niên vừa tắm vừa tranh thủ rửa bình phun thuốc bảo vệ thực vật; xa xa, vài người phụ nữ đang cố khỏa đám rác rưởi lềnh bềnh trên mặt nước, vục vội từng chiếc thùng, quẩy nước về nhà. Thi thoảng, góc ao lại vọng ra tiếng lợn kêu ầm ĩ từ một dãy chuồng trại chăn nuôi… Và gây ồn ã nhất là tiếng động cơ của hàng chục chiếc máy bơm xung quanh ao đang vận hành, nơi khởi nguồn của hàng trăm đường ống dẫn nước chạy khắp ngõ xóm.

Anh Nguyễn Văn Ba - một người dân xóm Giữa cho biết, đã hơn ba năm nay, ao Sen trở thành nguồn cung cấp nước sinh hoạt duy nhất cho gần một nghìn hộ dân thuộc các xóm Giữa, xóm Ngánh và xóm Ô, thôn Ngọc Than. Trước đây, các hộ gia đình ở đây chủ yếu sử dụng nước giếng khoan, giếng khơi nhưng không hiểu vì sao, ba năm trở lại đây hầu hết các giếng đều cạn kiệt, kể cả khoan giếng mới cũng không hề có nước. Nếu trước kia chỉ cần đào xuống sâu khoảng 5-6m là thấy nước, giờ có đào hay khoan đến dăm bảy chục mét vẫn chỉ thấy đất đá. Bà con đành rủ nhau, bốn năm nhà cùng mua một máy bơm để bơm nước ao Sen về nhà. Ăn uống, tắm giặt… tất tật chỉ biết trông chờ vào nước mưa và nước ao Sen. Chính vì vậy, xung quanh ao Sen suốt ngày đêm ầm ì tiếng máy bơm, lần lượt dẫn nước vào từng nhà. Có gia đình mua đường ống dài đến 500m mới dẫn được nước ao Sen về nhà mình. Xa nguồn, nước chảy yếu, phải 3-4 giờ đồng hồ mới chảy được một mét khối, có nhà phải trả đến 400-500.000 đồng tiền điện mỗi tháng.

Nước ao Sen quý giá với người dân thôn Ngọc Than là thế nhưng quan sát tận mắt mới thấy ao bị ô nhiễm trầm trọng. Nước trong ao không được lưu thông, nước thải sinh hoạt từ một dãy nhà trọ xả thẳng xuống, bên cạnh là chuồng lợn của một gia đình đang đấu thầu ao để thả cá mà theo người dân khu vực thì hiện trong chuồng nuôi lợn nái và đàn lợn cả chục con. Nước thải của khu chuồng trại chăn nuôi này được xả thẳng xuống ao để… làm thức ăn cho cá. Các góc ao, đủ thứ rác thải nổi tràn lan. Chưa kể mọi sinh hoạt của người dân như tắm giặt, rửa ráy đều đến ao Sen. Để ngăn rác, một số người có sáng kiến xây bể ngay tại ao rồi mới đưa ống xuống hút nước. Việc trang bị máy bơm, mua đường ống dẫn nước, xây bể... mỗi gia đình cũng tốn cả triệu đồng. Nhà nào không có điều kiện thì hằng ngày kéo xe chở thùng hoặc kẽo kẹt gánh nước về. Qua mấy lần lắng lọc, thứ nước thu được cuối cùng vẫn có màu vàng xanh, lờ nhờ và bốc mùi tanh. Chỉ nhìn bằng mắt thường cũng đã thấy nước không sạch, nhưng không dùng thì biết lấy nước ở đâu!?

Khi được hỏi tại sao chính quyền thôn không nhắc nhở, ngăn chặn những việc làm của người dân gây ô nhiễm nguồn nước ao, ông Nguyễn Bá Hưng - Trưởng thôn Ngọc Than cho biết, ao Sen rộng 1,7 mẫu, tương đương 6.120m2, nằm trong quần thể di tích đình Ngọc Than, hiện do xã quản lý, thôn không có thẩm quyền. Vả lại, hiện một gia đình đang đấu thầu ao thả cá, người ta có quyền quản lý, sử dụng ao. Khổ nhất là cuối năm thu hoạch cá, ao cạn khô, hàng nghìn người khốn khổ vì thiếu nước. Thôn cũng chỉ biết vận động người dân thu hoạch cá nhanh trong một tuần để lại trữ nước vào ao.

Trao đổi với phóng viên Hànộimới, ông Nguyễn Quý Thuận - Phó Chủ tịch UBND xã Ngọc Mỹ cho biết, bức xúc của cả nghìn người dân thôn Ngọc Than chính quyền xã đã nắm rõ vì nó diễn ra nhiều năm nay. Trong các cuộc họp, lãnh đạo xã nhiều lần báo cáo, kiến nghị huyện có giải pháp cấp nước sạch cho dân. Cách đây hai năm, một đoàn công tác của thành phố đã về đây khảo sát nhưng cho đến nay chưa có dự án cấp nước nào được triển khai. Trong khi đó, đường ống nước sạch từ sông Đà cấp cho nội thành chạy qua địa bàn xã dài đến mấy kilômét, nhiều nhà dân ở cách họng nước sạch sông Đà chỉ vài trăm mét mà vẫn ngậm ngùi dùng nước ao tù...

Nhiều vùng quê khát nước

Hè đến, thiếu nước sạch là nỗi niềm chung của nhiều vùng quê ngoại thành, kéo theo nỗi lo về ô nhiễm môi trường, dịch bệnh. Tại xã Chàng Sơn, huyện Thạch Thất, trong tổng số 2.163 hộ dân thì có đến 2/3 số hộ phải mua nước theo mùa hoặc mua quanh năm. Vì vậy, nơi đây hình thành cả một đội quân chuyên chở nước sạch ở nơi khác về bán. Đầu mùa hè năm nay, đi trên các trục đường làng ngõ xóm của Chàng Sơn, đâu đâu cũng thấy cảnh người dân chở nước đi bán hoặc mua nước về nhà. Đây là xã có nghề mộc truyền thống với hơn 80% số hộ làm nghề, thiếu nước sạch không chỉ bị ảnh hưởng đến sinh hoạt hằng ngày mà còn kìm hãm sự phát triển sản xuất, khiến môi trường sống của làng nghề bị ô nhiễm nghiêm trọng. Trước đây, mỗi năm xã chỉ bị thiếu nước mấy tháng mùa khô, nhưng đến nay thì các nguồn nước giếng khoan, giếng khơi đều cạn kiệt, thời gian thiếu nước trong năm kéo dài đến 7-8 tháng. Nước vo gạo xong phải dùng để rửa rau, tiết kiệm từng giọt mà hằng tháng nhà nào cũng phải dành ra một khoản tiền đáng kể để lo chuyện nước. Mỗi mét khối nước "không biết có đạt tiêu chuẩn" hay không mà người dân khu vực này phải mua có giá từ 80.000 đến 100.000 đồng. "Chúng tôi không lo thiếu tiền, thiếu gạo. Tiền thiếu có thể vay tạm, gạo thiếu có thể đi xin. Nhưng thiếu nước thì chịu chết, không ai giúp ai được..." - Một người dân than thở.

Tương tự, thiếu nước đến nửa số ngày trong năm là tình trạng của 40% số hộ dân xã Trường Yên, huyện Chương Mỹ. Xã có tổng số 2.370 hộ với 11.000 nhân khẩu, tính ra mỗi năm có đến hơn 4.000 người "khát" nước sạch. Trong đó tình trạng khan hiếm nước nghiêm trọng nhất là thôn Yên Trường, thôn có đến 90% số dân sống trong cảnh thiếu nước triền miên. Tình trạng thiếu nước đã diễn ra từ năm 2002 và ngày càng lan rộng. Hay ở các xã vùng cao như Phú Sơn, Thái Hòa, huyện Ba Vì nước sạch cũng trở thành gánh nặng. Để có nước, nhiều hộ dân đã phải đầu tư cả chục triệu đồng xây giếng, bể chứa rồi thuê máy bơm nước từ sông Đà về dùng dần, cuộc sống người dân đã khó lại càng thêm khó…

Tình trạng thiếu nước sạch tại các vùng nông thôn, khu vực ngoại thành Hà Nội, đặc biệt các vùng thuộc tỉnh Hà Tây cũ, đã diễn ra từ nhiều năm nay, không còn là chuyện mới. Nhận thức rõ điều này, ngay sau khi hợp nhất, lãnh đạo UBND TP đã rất quan tâm đến vấn đề xây dựng các trạm cấp nước sạch tại khu vực nông thôn. Tuy nhiên, dự án lập ra khá nhiều, song khâu thực hiện lại chẳng được bao nhiêu, bởi nước sạch nông thôn không phải là một môi trường đầu tư hấp dẫn! Đã vậy có không ít các trạm khai thác, xử lý nước sạch sinh hoạt được đầu tư tiền tỷ lại "đắp chiếu" để xuống cấp, hư hỏng không phát huy tác dụng. Theo ông Trần Quốc Hùng - Phó Tổng Giám đốc Công ty Nước sạch Hà Nội, hiện công ty đang trong quá trình xây dựng dự án để vay vốn nhằm xây dựng đường ống, mạng lưới cấp nước để sử dụng nguồn nước mặt sông Đà, cung cấp nước sạch cho 4 huyện dọc Đại lộ Thăng Long. Theo tính toán, tổng chi phí đầu tư cho dự án dự kiến lên tới 5.000 tỷ đồng. Sau khi hoàn thành, dự án sẽ cung cấp nước sạch cho khoảng 100.000 hộ dân".

Trong lúc các dự án, kế hoạch... vẫn đang nằm trên giấy, thì hằng ngày, hằng giờ, người dân sống tại các khu vực nông thôn, ngoại thành Hà Nội vẫn phải sống trong cảnh khát nước ngay khi chưa đến mùa hè!

(Còn nữa)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chưa hè đã... khát!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.