Góc nhìn

“Chữa” dứt “bệnh” chậm giải ngân

Gia Khánh 29/11/2023 - 06:21

Ước tính đến hết tháng 11-2023, các bộ, ngành, địa phương đã giải ngân gần 461.000 tỷ đồng vốn đầu tư công, bằng 65% kế hoạch, cao hơn 6,77% và 122.600 nghìn tỷ đồng về số tuyệt đối so với cùng kỳ năm 2022.

Như vậy, trong hơn 1 tháng còn lại của năm 2023, các bộ, ngành, địa phương phải tập trung giải ngân 35% số vốn còn lại, một khối lượng rất lớn.

Ngoài việc tổng vốn đầu tư công năm 2023 tăng khá nhiều so với năm 2022, vốn đầu tư công giải ngân chậm vẫn chủ yếu do những nguyên nhân cũ. Đó là còn dự án lập kế hoạch đầu tư chưa tốt, chưa sát với khả năng thực hiện; còn địa phương lập kế hoạch đầu tư dàn trải, thiếu trọng tâm, trọng điểm. Chuẩn bị dự án hạn chế dẫn đến phê duyệt chủ trương đầu tư và quyết định đầu tư chưa phù hợp, phải điều chỉnh nhiều lần.

Vướng mắc, chậm trễ trong giải phóng mặt bằng và năng lực, chủ đầu tư, nhà thầu hạn chế cũng là nguyên nhân khá phổ biến làm chậm tiến độ dự án đầu tư. Trong khi đó, một số vướng mắc về cơ chế, chính sách như về chuyển đổi mục đích sử dụng đất, quản lý đất đai, vật liệu xây dựng, điều tiết vốn giữa các địa phương, giữa địa phương với trung ương… chậm sửa đổi, ban hành, dẫn đến mâu thuẫn, chồng chéo, áp dụng thiếu thống nhất hoặc làm giảm tính linh hoạt khi triển khai các dự án đầu tư.

Đáng tiếc là, những nguyên nhân cũ này lại thiếu “thuốc chữa” triệt để nên kéo dài từ năm này sang năm khác và có nguy cơ ảnh hưởng đến kế hoạch đầu tư của năm 2024, thậm chí cả những năm tiếp theo. Vì thế, trong thời gian còn lại của năm 2023, các bộ, ngành, địa phương phải nỗ lực rất lớn để khắc phục ngay vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, điều chuyển vốn, bố trí vật liệu xây dựng…, từ đó đẩy nhanh tiến độ dự án, giải ngân 35% khối lượng vốn đầu tư còn lại.

Để thúc tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, ngay từ đầu năm 2023, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều nghị quyết, quyết định, thành lập các tổ công tác đến từng bộ, ngành, địa phương để đôn đốc, tháo gỡ khó khăn,... Tinh thần quyết tâm và quyết liệt này phải tiếp tục lan tỏa ở các địa phương, đến từng dự án, bảo đảm khó khăn, vướng mắc ở đâu phải tháo gỡ ở đó. Bên cạnh đó, việc chuẩn bị, phê duyệt dự án đầu tư cũng phải được thực hiện kỹ lưỡng, bài bản và phải làm sớm. Các dự án nên giao cho đơn vị chuyên môn làm chủ đầu tư. Với đơn vị có năng lực, dự án chắc chắn được chuẩn bị tốt, tránh tình trạng đến khi làm thì không đủ điều kiện hoặc phải điều chỉnh dự án, rất mất thời gian.

Phát biểu kết luận hội nghị trực tuyến của Thường trực Chính phủ với các bộ, ngành, địa phương kiểm điểm, đánh giá tình hình, đôn đốc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã phê bình các bộ, ngành, địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp và chưa phân bổ hết kế hoạch vốn đầu tư công. Thủ tướng yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương này cần nghiêm túc kiểm điểm, làm rõ nguyên nhân, xác định trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan, trên cơ sở đó phải quyết liệt triển khai các giải pháp để cải thiện giải ngân vốn đầu tư công.

Phân cấp, phân quyền gắn với trách nhiệm người đứng đầu trong giải ngân vốn đầu tư công cũng là tinh thần được Đảng, Nhà nước nhiều lần nhấn mạnh. Rõ quyền hạn, trách nhiệm, trong bối cảnh hiện nay, là giải pháp để các bộ, ngành, địa phương phải nỗ lực hơn và cũng là giải pháp triệt tiêu nguyên nhân khiến giải ngân vốn đầu tư còn chậm trễ. Dư luận cũng mong rằng cùng với việc công khai đơn vị có tỷ lệ giải ngân vốn thấp, cần công khai cả trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị đó.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
“Chữa” dứt “bệnh” chậm giải ngân

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.