Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chưa được nhìn nhận thỏa đáng

An Nhi| 22/12/2015 07:25

(HNM) - Trong Triển lãm Mỹ thuật Việt Nam 2015, có nhiều nhận định rằng những người xuất sắc nhất vẫn chưa xuất hiện.


Giám tuyển Nguyễn Như Huy trong một hội thảo về không gian nghệ thuật tại Nhật Bản.


Nghệ sĩ Nguyễn Như Huy - nhà bình luận nghệ thuật, giám tuyển độc lập đã có buổi tọa đàm vào sáng ngày 21-12, lý giải phần nào khúc mắc trên, đồng thời phân tích về vai trò của giám tuyển trong phát triển thị trường mỹ thuật Việt Nam.

Cuộc tọa đàm có chủ đề: "Thị trường mỹ thuật và sự phát triển các mô hình giám tuyển của Việt Nam từ đầu thập niên 90 đến nay". Trước tiên, phải khẳng định, trong đời sống nghệ thuật tạo hình chuyên nghiệp hay một thị trường mỹ thuật hoàn chỉnh, để đưa được tác phẩm nghệ thuật đến với người mua - người tiêu dùng thì có các cầu nối rất phức tạp như: Người giám tuyển, nhà nghiên cứu lịch sử mỹ thuật, nhà phê bình, luật sư, nhà môi giới, chuyên gia kỹ thuật…

Trong đó, giám tuyển (curator) là người có vai trò quan trọng bậc nhất. Họ không chỉ là người tư vấn chuyên môn nghệ thuật cho việc mua và quản lý tác phẩm của các bảo tàng, bộ sưu tập nghệ thuật mà còn chọn tác phẩm, phối chúng vào trong bộ tác phẩm tương thích, đưa vào triển lãm thích hợp, trong một thời điểm hợp lý. Thậm chí, họ có khả năng khởi xướng và hoạch định các dự án nghệ thuật để nghệ sĩ tham gia sáng tác theo nhu cầu của thị trường.

Tại Việt Nam, nghề giám tuyển xuất hiện tường minh vào khoảng đầu thập kỷ 90 của thế kỷ trước, nhưng phải đến những năm 2005-2006, vai trò của họ mới có dấu ấn và ảnh hưởng. Nguyên nhân được nghệ sĩ Nguyễn Như Huy chỉ ra, là do nước ta đã hội nhập toàn cầu, các thực hành nghệ thuật, triển lãm và nghệ thuật kiểu mới xuất hiện, sự vận hành thị trường nghệ thuật cũng bắt kịp xu thế thế giới. Những người làm giám tuyển thường ở trong giới sáng tác, có ngoại ngữ, có mối quan hệ và uy tín nhất định trong ngành. Như Nguyễn Như Huy vốn là nghệ sĩ thị giác, nhưng khi anh có cơ hội tham gia nhiều cuộc triển lãm tư nhân, tiếp xúc với giới sưu tập và cảm thấy họ "đọc" không đúng giá trị của tác phẩm, dẫn đến nhiều sai lệch trong thị trường nên anh dấn thân.

Tuy nhiên, những người làm giám tuyển chuyên nghiệp và uy tín ở Việt Nam mới chỉ đếm trên đầu ngón tay, phần lớn họ tự học hỏi và vận dụng bằng hiểu biết bản thân. Nổi bật có giám tuyển Trần Lương, Như Huy, còn Dương Tường, Phan Cẩm Thượng lại chỉ nhận mình là nhà phê bình hay người chọn tranh. Nếu Trần Lương mở ra nhiều triển lãm và tổ chức những dự án nghệ thuật cộng đồng dài hơi cho nghệ sĩ trong nước khá dày thì Như Huy có dấu ấn đến từ các triển lãm của Trung tâm nghệ thuật độc lập ZeroStation tại TP Hồ Chí Minh, hay được các dự án quốc tế mời làm giám tuyển.

Một số dự án, chương trình tại Việt Nam có quy mô và sức ảnh hưởng tốt, mang đậm vai trò của giám tuyển có thể thấy như "Art for you" của Manzi và Work Room Four thực hiện gần đây. Họ tìm nghệ sĩ tại các địa phương, tuyển chọn tác phẩm tốt và đem triển lãm, đưa đến người mua với mức giá hợp lý. Đó không đơn thuần là hoạt động kinh tế mà là tìm đường ra cho nghệ sĩ, kết nối nghệ sĩ với đời sống và thúc đẩy vòng quay sáng tạo. Tuy nhiên, phải nhìn nhận thẳng thắn, dấu ấn của giám tuyển tại Việt Nam chỉ mới ở khu vực ngoài công lập, với vai trò của cá nhân. Điều này là đáng tiếc với một thị trường mỹ thuật chuyên nghiệp.

Trở lại với Triển lãm Mỹ thuật Việt Nam cùng các triển lãm nghệ thuật do tổ chức công lập thực hiện, đến nay, ít thấy vai trò của giám tuyển thật sự. Trả lời về việc "Tại sao cuộc quy tụ 5 năm một lần của giới mỹ thuật toàn quốc không sử dụng vai trò của giám tuyển?", Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ VH,TT&DL) Vi Kiến Thành nói: "Để mọi nghệ sĩ từ kỳ cựu đến mới, trẻ được tự do gửi tác phẩm đến, không cần sự "bảo kê" nào". Tuy nhiên, nhà phê bình Phan Cẩm Thượng có ý khác: "Với uy tín, "con mắt xanh" của mình, các giám tuyển có thể kêu gọi và giới thiệu những tác phẩm chất lượng hơn nhiều, nên dành một phần cho họ".

Phát triển thị trường mỹ thuật không thể thiếu hệ thống giám tuyển. Nhưng ở Việt Nam, nhất là trong khu vực công lập, những nhân vật này vẫn chưa được tận dụng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chưa được nhìn nhận thỏa đáng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.