(HNM) - Mới đây, một khách du lịch quốc tịch Nhật Bản đã bị tài xế xe taxi
Ảnh hưởng nghiêm trọng tới văn minh đô thị
Ghi nhận của PV tại các điểm khách du lịch hay tới như chợ Bến Thành, đường Phạm Ngũ Lão, bến Bạch Đằng, trung tâm quận 1, quận 3… là xe taxi "dù", "nhái" hoạt động thường xuyên. Điểm chung của các taxi này là sử dụng logo, nhãn hiệu, màu sơn, hộp đèn báo hay số điện thoại… như thật của taxi chính hãng khiến HK dù đã đề phòng cũng dễ bị lừa. Điều đáng nói, các xe này còn lập "lãnh địa" riêng tại các điểm du lịch, nơi có đông khách nước ngoài để hoạt động. Anh Nguyễn Tiến Nhật, tài xế taxi Vinasun phản ánh, những xe này chủ yếu "chặt chém" khách du lịch nước ngoài. Khi tài xế xe taxi chính hãng vào đón khách thì ngay lập tức bị dằn mặt.
Thanh tra Sở GTVT TP Hồ Chí Minh xử phạt một taxi "nhái". |
Không chỉ ngoài đường, ông Đỗ Xuân Toản, Phó Giám đốc Trung tâm An ninh hàng không sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất (TSN) cho biết, đây được xem là điểm có an ninh nghiêm ngặt nhất nhưng tình trạng taxi đậu sai quy định, chen lấn nhau đón khách… vẫn xảy ra. Ngoài khu vực sân bay, trên tuyến đường Trường Sơn, Hồng Hà, taxi "dù" "nhái…" còn lộng hành hơn. Có nhiều trường hợp tài xế từ chối HK, chạy không bấm đồng hồ, thậm chí đánh HK. Có nhiều vụ tài xế lấy tài sản của HK ở ngoài sân bay, sau đó, chạy về vùng ven vứt giấy tờ tùy thân của khách. Khách là nước ngoài nên khi báo được cho an ninh sân bay thì đã chậm, khó xác định được số tài, số xe.
Ông Dương Hồng Thanh, Phó Giám đốc Sở GTVT thành phố cũng thừa nhận, hoạt động taxi trên địa bàn hết sức phức tạp. Hiện tượng "chặt chém", lấy tài sản, hành hung khách… vẫn phổ biến.
Phải giải quyết từ gốc
Đại diện UBND quận 1 cho hay, đã phân công lực lượng trực chốt từ 6h đến 18h tại khu vực chợ Bến Thành, bến Bạch Đằng, đường Phạm Ngũ Lão, Đề Thám… nhưng vẫn không kiểm soát hết. Bởi lực lượng chức năng chỉ có trên 20, trong khi những taxi này hoạt động theo kiểu "du kích". Đáng nói là lực lượng trên không có quyền xử phạt, do đó, càng khó khăn cho việc dẹp nạn taxi trá hình.
Theo ông Tạ Long Hỷ, Phó Tổng giám đốc Công ty Vinasun, hằng năm, có hàng chục vụ xe taxi "nhái" thương hiệu Vinasun được hãng theo dõi, chụp hình và nắm địa bàn taxi vi phạm cung cấp cho cơ quan chức năng. Sau đó, Vinasun kiện ra tòa và yêu cầu lái xe phải bồi thường một ngày công với số tiền 1-2 triệu đồng. Trong năm 2012, công ty kiện ra tòa hơn 20 trường hợp nhái thương hiệu Vinasun, hơn 20 trường hợp khác bị công ty cung cấp thông tin cho thanh tra giao thông xử phạt hành chính nhưng tình hình vẫn không được cải thiện.
Trước tình trạng trên, một số đơn vị đã phải tự cứu mình. Như sân bay quốc tế TSN vừa quy định đối với 10 hãng taxi đang hoạt động ở đây, nội dung, nếu hãng nào có 2 trường hợp tài xế vi phạm/ngày và 5 trường hợp vi phạm/tháng, sẽ đình chỉ khai thác. UBND quận 1 đề xuất, thành phố cần tăng cường lực lượng, tăng thẩm quyền cho lực lượng chức năng trong việc xử phạt tại chỗ. Đặc biệt cần có hình thức tước giấy phép lái xe dài hạn. Tại các khách sạn lớn, cần đưa ra thông báo, hướng dẫn HK phân biệt taxi chính hãng và trá hình.
Ông Phan Thái Bình, Tổng thư ký Hiệp hội Taxi thành phố cho rằng, trong lúc chờ cơ quan chức năng, trước hết các hãng taxi phải tự giải quyết từ "gốc", mở các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ và đạo đức cho tài xế. Sau đó phân loại lái xe, để loại dần tài xế đạo đức kém. Hiệp hội Taxi thành phố cũng đã ban hành quy chế quản lý lái xe bằng các biện pháp như đưa ra mức xử lý đối với từng vi phạm của tài xế; phát hành lo go riêng để gắn trên từng hãng taxi thành viên; niêm yết cách tính cước theo quy định; phát phiếu theo dõi cho HK để đánh giá thái độ phục vụ của tài xế…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.