Theo dõi Báo Hànộimới trên

"Chúa Chổm" thời hiện đại

Bài, ảnh: Bảo Nga| 25/08/2015 06:57

(HNM) - Sau những bê bối tại dự án Usilk City, lần theo những dự án Công ty cổ phần Sông Đà Thăng Long (SĐTL) từng thực hiện và những con số


Lợi dụng danh nghĩa là chủ đầu tư "đại dự án" Usilk City, SĐTL đã huy động hàng nghìn tỷ đồng thông qua hình thức phát hành trái phiếu, vay nợ hàng loạt tổ chức tín dụng và cầm tiền của hàng nghìn khách hàng thông qua việc ký kết hợp đồng mua bán. Thế nhưng, phần lớn dòng tiền khổng lồ này không đổ vào dự án, khiến toàn bộ 13 tòa nhà của đại dự án Usilk City "đắp chiếu" nhiều năm, còn SĐTL đang nợ như "chúa Chổm" và hoàn toàn mất khả năng thanh toán!

Biểu đồ tài chính "tụt dốc" của Sông Đà Thăng Long qua các năm.



Chân dung "đại gia" bất động sản

SĐTL được thành lập tháng 6-2005 từ một chi nhánh của Công ty cổ phần Đầu tư - Phát triển Sông Đà, hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực đầu tư, kinh doanh khai thác các dịch vụ về nhà ở, khu đô thị... Năm 2008, Công ty SĐTL chính thức "lên sàn" giao dịch chứng khoán Hà Nội theo Quyết định số 39/2008/GCNCP-TTLK của Trung tâm Giao dịch chứng khoán Hà Nội với mã chứng khoán là STL và nhanh chóng trở thành mã chứng khoán được giới đầu cơ săn đón. Một năm sau, quy mô vốn chủ sở hữu (VCSH) của doanh nghiệp này đã tăng từ 100 tỷ đồng lên 150 tỷ đồng và cho đến nay cơ cấu VCSH không thay đổi. Giai đoạn đầu thành lập, cái tên SĐTL nổi lên như một "hiện tượng" trong giới kinh doanh bất động sản (BĐS). Dù "sinh sau đẻ muộn" với VCSH rất khiêm tốn, nhưng SĐTL lại nhanh chóng được "ưu ái" giao làm chủ đầu tư hàng loạt dự án BĐS lớn nhỏ trên khắp cả nước, trải dài từ Hà Nội, Hòa Bình, Lâm Đồng, Nha Trang... tới tận Phú Yên và TP Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp này dường như không tỷ lệ thuận với số những dự án được giao. Báo cáo tài chính doanh nghiệp (đã được kiểm toán) cho thấy, doanh thu của SĐTL sụt giảm nghiêm trọng trong suốt 5 năm qua, từ 2.115 tỷ đồng năm 2010 xuống còn 293 tỷ đồng năm 2014 khiến lợi nhuận sau thuế năm 2014 âm tới 969 tỷ đồng. Từ năm 2010 đến 2014, chỉ số khả năng sinh lời trên tổng tài sản liên tục ở mức âm, điều đó cho thấy SĐTL sử dụng tài sản không hiệu quả và bắt đầu lỗ ngay từ 2011 với con số thua lỗ càng trầm trọng.

Doanh thu sụt giảm, lợi nhuận liên tục ở mức âm, song các khoản vay của SĐTL lại tăng với tốc độ phi mã, đặc biệt là các khoản vay ngắn hạn. Cuối năm 2014, nợ ngắn hạn của đơn vị này đã gấp hơn 34 lần VCSH. Trong năm 2013-2014, đơn vị kiểm toán độc lập cho SĐTL đều từ chối đưa ra ý kiến kiểm toán. Đặc biệt, báo cáo kiểm toán năm 2014 nêu cơ sở của việc từ chối đưa ra ý kiến với lý do: Tính đến ngày 31-12-2014, tổng công nợ ngắn hạn của SĐTL đã vượt tổng tài sản ngắn hạn với số tiền lên đến 1.759 tỷ đồng, lỗ lũy kế của công ty là 1.484 tỷ đồng và VCSH bị âm với số tiền 1.305 tỷ đồng. Nếu nhìn từ góc độ tài chính, SĐTL đã rơi vào tình trạng phá sản từ năm 2013!

Từ khi bước chân vào thị trường chứng khoán, duy nhất năm 2010 SĐTL trả cổ tức bằng tiền mặt với giá trị 20% mệnh giá. Các năm sau SĐTL không chia cổ tức do kinh doanh thua lỗ kéo dài. Trước tình hình tài chính "bê bết" của doanh nghiệp này, ngày 3-7-2013, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội đã ra thông báo hủy niêm yết bắt buộc đối với SĐTL trên thị trường chứng khoán. Tính đến cuối năm 2014, trung bình mỗi cổ phiếu trị giá 10.000 đồng của SĐTL phải "cõng" trên vai khoản nợ lên tới 64.500 đồng. Điều này lý giải cho việc vì sao suốt từ năm 2009 đến nay, các cổ đông công ty không "mặn mà" với việc góp thêm vốn vào SĐTL, để mặc công ty trong tình cảnh "đói vốn".

"Chúa Chổm" và những chủ nợ "dễ dãi"

Trong số hàng chục dự án đã và đang đầu tư dang dở, đại dự án Usilk City có quy mô lớn nhất, đồng thời cũng là dự án có số nợ "khủng" nhất của SĐTL. Tính đến hết tháng 12-2014, chỉ tính riêng khoản nợ của hàng nghìn khách hàng tại dự án cũng như khoản vay hàng chục tổ chức tín dụng, huy động vốn bằng phát hành trái phiếu doanh nghiệp... đã lên tới hơn 6.400 tỷ đồng, gấp 42 lần vốn chủ sở hữu (!?). Sở dĩ dự án Usilk City bị đình trệ nhiều năm với nhiều lần dừng thi công kéo dài một phần là nhờ sự "dễ dãi" của các chủ nợ. Đơn cử, trong số các chủ nợ của SĐTL, Công ty Tài chính cổ phần Sông Đà (TCSĐ) đứng đầu danh sách với số nợ khủng. Ngoài 450 tỷ đồng cho vay dài hạn, liên tiếp trong hai năm 2009-2010 TCSĐ còn 2 lần nhiệt tình tư vấn và bảo lãnh phát hành trái phiếu cho SĐTL với số tiền lên tới 1.300 tỷ đồng. Đến nay, tất cả các khoản vay trên đã quá hạn do SĐTL mất khả năng thanh toán. Một chủ nợ khác là Ngân hàng BIDV chi nhánh Thanh Xuân, mặc dù biết rõ tình hình tài chính "bết bát" của SĐTL nhưng BIDV Thanh Xuân vẫn tiến hành đáo nợ từ ngắn hạn sang dài hạn và tăng hạn mức tín dụng từ 48 tỷ đồng lên 88 tỷ đồng trong năm 2014. Hàng loạt tổ chức tín dụng khác như: NHTMCP An Bình, NHTMCP Đại Á, NH Quân đội chi nhánh Mỹ Đình, CTTC CP Điện lực... cũng đổ tiền vào dự án rồi "khoanh tay" đứng nhìn khoản nợ xấu không thể thu hồi. Các khoản trái phiếu khổng lồ đã đến hạn không thể thanh toán theo cam kết nhưng cơ quan có trách nhiệm cũng vẫn im tiếng. Về phía khách hàng mua nhà của dự án Usilk City, sau khi đặt bút ký vào hợp đồng mua bán với quy định "kỳ quặc" về tiến độ thanh toán theo thời gian mà không gắn với tiến độ thi công, vẫn "nhắm mắt" nộp tiền vào tài khoản của chủ đầu tư trong khi nhiều tòa nhà ngừng thi công, thậm chí có những tòa nhà hiện vẫn "nằm" dưới lòng đất.

Huy động vốn khủng dễ dàng, nhưng SĐTL lại chây ỳ trong việc thực hiện nghĩa vụ nộp thuế với Nhà nước. Theo thống kê của Cục Thuế Hà Nội, hiện SĐTL đang dẫn đầu các doanh nghiệp nợ đọng nghĩa vụ thuế, với số tiền lên tới 375 tỷ đồng. Câu hỏi đặt ra: Khoản tiền khổng lồ mang danh nghĩa huy động cho dự án Usilk City đã được SĐTL sử dụng như thế nào? Chỉ điểm qua những hoạt động chính của đơn vị này đã có ngay câu trả lời xác đáng. Căn cứ báo cáo tài chính đã được kiểm toán các năm qua cho thấy, dù VCSH của SĐTL chỉ vẻn vẹn 150 tỷ đồng nhưng tính đến thời điểm đầu năm 2015, SĐTL có 5 chi nhánh trực thuộc, 4 công ty con với giá trị đầu tư vốn 220 tỷ đồng, 13 công ty liên doanh liên kết với giá trị vốn góp 431 tỷ đồng, đầu tư cổ phiếu và đầu tư dài hạn khác 201 tỷ đồng. Đặc biệt, hàng loạt dự án đầu tư dàn trải từ Bắc chí Nam đã ngốn của SĐTL số tiền khổng lồ. Tính đến năm 2014, đơn vị này có tới 17 dự án đầu tư, hầu hết trong tình trạng thi công dang dở (!?). Tính riêng các khoản mục nêu trên, số tiền chi sai mục đích huy động vốn của SĐTL đã lên tới hơn 2.000 tỷ đồng. Điều này phần nào lý giải vì sao đại dự án Usilk City huy động được số tiền rất lớn nhưng dự án vẫn trong tình trạng đóng băng, đình trệ do thiếu vốn.

Rõ ràng, sự yếu kém trong quản lý tài chính và hoạt động kinh doanh, đầu tư dàn trải hàng loạt dự án dang dở cùng lúc... đã khiến SĐTL "tuột dốc không phanh", lâm vào tình cảnh mất khả năng thanh toán. Đặc biệt, việc sử dụng sai mục đích các khoản vay, huy động vốn cho dự án Usilk City khiến hàng nghìn khách hàng và các tổ chức tín dụng có nguy cơ mất trắng toàn bộ khoản tiền đầu tư đã cho thấy SĐTL có dấu hiệu cố ý làm trái các quy định về quản lý kinh tế, gây hậu quả nghiêm trọng. Do đó, đã đến lúc các cơ quan chức năng cần nhanh chóng vào cuộc, làm rõ những sai phạm tại SĐTL để có hình thức xử lý thích đáng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
"Chúa Chổm" thời hiện đại

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.