(HNM) - Theo các bác sĩ, bệnh tâm lý nếu không được phát hiện chữa trị sớm sẽ dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng như trầm cảm, tự tử, mất trí nhớ...
1001 kiểu bệnh tâm lý
TP Hồ Chí Minh có hơn 100 bệnh viện (BV), nhưng chỉ vài BV có phòng khám tâm lý. Trong đó, chủ yếu là phòng khám tâm lý cho trẻ em đặt tại BV Nhi đồng 1, BV Nhi đồng 2. Nhận thấy còn nhiều đối tượng cần phải khám chữa "tâm bệnh", từ tháng 9-2016, BV Quận 2 đã phối hợp với Trường Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh mở phòng khám tâm lý. Tiến sĩ Lê Minh Thuận - Trưởng khoa Tâm lý học lâm sàng - Trường Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh, phụ trách Phòng khám tâm lý cho biết: “Dù chỉ là BV tuyến quận, nhưng phòng khám có đội ngũ gồm 2 tiến sĩ tâm lý, 3 thạc sĩ tâm lý và một điều dưỡng. Chúng tôi khám cho các bệnh nhân điều trị ngoại trú, nội trú và phục vụ cả nhân viên trong BV”.
Ảnh minh họa: Internet |
Bệnh tâm lý là loại bệnh khó đoán định và rất đa dạng. Trường hợp chị N.T.T là một ví dụ. Đầu năm 2017, chị N.T.T chỉ bị đổ mồ hôi, tim đập nhanh, hồi hộp, đi khám nhiều nơi nhưng vẫn không phát hiện ra bệnh. Do bệnh tình không chấm dứt nên người chồng nghi ngờ chị T đang “giả bệnh”. Đến phòng khám tâm lý của BV Quận 2, tâm sự với TS tâm lý Nguyễn Thị Ngọc Diệp, chị T có cơ hội dốc hết tâm tư. Nắm bắt được nguyên nhân, TS Diệp đã mời người chồng cùng dự buổi nói chuyện, chữa trị bệnh cho vợ. Nhờ đó, người chồng đã thay đổi thái độ ứng xử với chị T, vì thế bệnh tình chị tiến triển tốt hơn.
Trường hợp khác là một học sinh học lớp 7 mắc triệu chứng cứ đi học là bị đau bụng, nhưng khi đưa đến BV là hết đau nên các bác sĩ không tìm ra được nguyên nhân. Tại Phòng khám tâm lý BV Quận 2, khi được TS tâm lý Lê Minh Thuận “tâm sự” thì cháu bé mới thú thật là không thích đi học nên giả vờ đau bụng. Sau khi biết “bí mật” này, các chuyên gia tâm lý đã chia sẻ với phụ huynh một số cách giúp trẻ hòa nhập, thích nghi với môi trường học tập.
Hoặc trường hợp bệnh nhân N.N.T.A bị tai nạn giao thông nên nát 2 xương đùi, rách vùng kín. Dù được y, bác sĩ BV Quận 2 cứu sống sau ca phẫu thuật kéo dài nhưng do tổn thương quá lớn, nên T.A mất tự tin vì cơ thể trở nên xấu xí. TS tâm lý Nguyễn Thị Ngọc Diệp đã dành 5 buổi nói chuyện với T.A để xốc lại tinh thần cho bệnh nhân. Sau hơn 2 tháng, cô gái được xuất viện và vui vẻ trở lại.
Hiện tại phòng khám tâm lý tiếp nhận rất nhiều bệnh nhân đang điều trị nội trú tại BV. Đó là những người già mắc bệnh buồn phiền do con cháu bỏ bê chăm sóc khi lâm bệnh. Một số người bị tai nạn giao thông, tai nạn lao động hoặc nạn nhân của tai biến khi phẫu thuật thẩm mĩ, nạn nhân bị bạo hành gia đình...
Còn nhiều khó khăn
Bác sĩ Trần Văn Khanh - Giám đốc BV Quận 2 cho biết, nhu cầu khám tâm lý của người bệnh ngày càng tăng. Phòng khám đã hoạt động được hơn nửa năm, nhưng đến thời điểm này chưa mang lại lợi nhuận. Nguyên nhân là phần lớn người dân chưa đủ điều kiện kinh tế, một số bệnh nhân sau khám thấy bệnh tình biến chuyển ổn định đã tự động ngưng điều trị.
Khám tâm lý vẫn là khám dịch vụ, chưa được bảo hiểm y tế chi trả. Tại một số BV, giá khám dao động từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng/lượt, riêng ở BV Quận 2 dù giá khám chỉ 100.000đồng/lượt nhưng nhiều người vẫn không có tiền để khám. Đến thời điểm này, khoảng 1/2 số lượng bệnh nhân được khám miễn phí vì không có khả năng chi trả. Theo TS tâm lý Lê Minh Thuận, khóa điều trị tâm lý thường kéo dài từ 2 tháng đến 2 năm, mỗi tuần người bệnh cần gặp chuyên gia tâm lý tối thiểu từ 1 đến 2 lần nên chi phí khám bệnh cộng dồn có thể là gánh nặng kinh tế với nhiều người. “Nếu khám tâm lý được BHYT chi trả thì người bệnh sẽ được tiếp cận với dịch vụ chăm sóc sức khỏe tốt hơn; đồng thời việc phát triển, xây dựng các phòng khám tâm lý trong bệnh viện cũng dễ dàng hơn" - TS tâm lý Lê Minh Thuận mong mỏi.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.