(HNMO) - Chiều 13-7, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 46, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về việc ban hành Nghị định quy định về bảo hiểm vi mô của các tổ chức chính trị - xã hội.
Trình bày Tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, từ năm 2008, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam đã triển khai Dự án thí điểm bảo hiểm vi mô với tên gọi “Dự án Quỹ tương trợ để cung cấp sản phẩm bảo hiểm vi mô cho thành viên của Hội thông qua mạng lưới hoạt động của Tổ chức tài chính vi mô TNHH một thành viên Tình Thương (TYM)”.
Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam cung cấp bảo hiểm vi mô tại 10 tỉnh, thành phố với 18 chi nhánh và 40 phòng giao dịch, cung cấp sản phẩm bảo hiểm tương trợ vốn vay đến 100% thành viên vay vốn của TYM.
Tuy nhiên, hiện chưa có cơ sở pháp lý để hướng dẫn hoạt động bảo hiểm vi mô không vì mục tiêu lợi nhuận. Do đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho rằng, việc ban hành Nghị định quy định về bảo hiểm vi mô của các tổ chức chính trị - xã hội sẽ tạo tiền đề xây dựng khung khổ pháp lý bền vững, mở rộng việc triển khai bảo hiểm vi mô của các tổ chức chính trị - xã hội sau thời gian thực hiện thí điểm.
Đồng thời, Nghị định tạo điều kiện tham gia bảo hiểm cho người dân có thu nhập thấp, ít có điều kiện tiếp xúc với sản phẩm bảo hiểm thương mại của các doanh nghiệp bảo hiểm, góp phần thực hiện chính sách bảo đảm an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước.
Thảo luận về vấn đề này, hầu hết thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng tình với quan điểm chưa nên ban hành Nghị định quy định về bảo hiểm vi mô như Chính phủ đề xuất.
Cho rằng sáng kiến thành lập bảo hiểm vi mô mang tính chất nhân văn, nhưng Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu nhận định, gói bảo hiểm của Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam áp dụng ở 10 tỉnh, thành phố vẫn chưa mang tính chất thí điểm, chưa tạo được sự hấp dẫn người dân tham gia để có thể tổng kết, rút kinh nghiệm cho việc ban hành Nghị định.
Khẳng định việc ban hành chính sách tài chính vi mô rất cần thiết cho các đối tượng còn khó khăn, song Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng cho rằng, chưa nên ban hành Nghị định riêng. Bởi bảo hiểm vi mô ở nước ta hiện chưa mang lại hiệu quả; các tổ chức chính trị - xã hội làm bảo hiểm vi mô còn thiếu cơ sở pháp lý, không khả thi, chưa cần thiết, bên cạnh tiềm ẩn nhiều rủi ro khi đối tượng dự kiến tham gia bảo hiểm rất rộng lớn (khoảng 44 triệu người)...
Kết luận về nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất chưa ban hành Nghị định quy định về bảo hiểm vi mô của các tổ chức chính trị - xã hội. Bên cạnh đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ cần rà soát các cơ sở pháp lý của Dự án bảo hiểm vi mô của Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, nếu không hiệu quả thì nên thu gọn và chấm dứt thí điểm...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.