Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chú trọng năng lực chuyên môn, hiệu quả công việc

Ngũ Hiệp| 30/01/2015 07:16

(HNM) - Luật Khoa học và Công nghệ (KH&CN) năm 2013 đề cập nhiều tới vấn đề nhân lực cho ngành, đặc biệt là việc bồi dưỡng, tạo điều kiện tốt nhất cho các nhà khoa học trẻ. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với TS Nguyễn Thanh Thịnh - nguyên Trưởng ban Đào tạo sau đại học thuộc Bộ KH&CN -

Việc bồi dưỡng, tạo điều kiện tốt nhất cho các nhà khoa học trẻ là việc làm hết sức cần thiết.
Ảnh: Sơn Hà



- Ông nhận xét gì về những hạn chế trong việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ khoa học trẻ trong thời gian qua và những giải pháp khắc phục?

- Tôi cho rằng, việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ khoa học đang ngày càng được chú trọng hơn, song, do còn rất nhiều khó khăn, như hạn chế về nguồn tài chính, hạ tầng, cơ sở vật chất nên nhân lực KH&CN trình độ cao bị phân tán. Ngoài ra, việc đào tạo và thu hút những nhà khoa học trẻ có năng lực sáng tạo gặp nhiều khó khăn do phụ thuộc vào chế độ đãi ngộ, tiền lương, điều kiện làm việc, trong khi nguồn kinh phí từ các đề tài nghiên cứu rất hạn chế. Chẳng hạn, để đào tạo một chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ cao, chúng ta cần ít nhất 2 năm và hàng vạn USD. Vậy thì các viện, các trường lấy kinh phí ở đâu? Trong khi đó, việc thực hiện đề tài nghiên cứu thường kéo dài 2-3 năm, những người vừa được đào tạo và trưởng thành sau 2-3 năm đó sẽ buộc phải ra đi nếu không có đề tài kế tiếp và viện, trường không có kinh phí để giữ chân họ.

Để khắc phục tình trạng nói trên, Nhà nước cần có chính sách đầu tư thỏa đáng để đào tạo, bồi dưỡng nhân tài, cán bộ KH&CN trình độ cao, kỹ thuật viên lành nghề phục vụ cho các ngành kinh tế trọng điểm và các lĩnh vực công nghệ cao, đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và thu hút đầu tư nước ngoài. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh đào tạo cán bộ KH&CN tại các cơ sở đào tạo nước ngoài có trình độ KH&CN tiên tiến, đồng thời có cơ chế đãi ngộ xứng đáng để thu hút họ về làm việc, nghiên cứu khoa học và triển khai công nghệ ở Việt Nam. Đặc biệt, chúng ta cần đẩy mạnh liên kết với các trường đại học, viện nghiên cứu quốc tế, khu vực hoặc tổ chức các chương trình đào tạo nhân lực KH&CN tại Việt Nam, đồng thời có chính sách thu hút chuyên gia giỏi là người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài tới Việt Nam tham gia công tác nghiên cứu và đào tạo cán bộ nghiên cứu, giảng dạy, tư vấn và giữ các chức vụ quản lý nghiên cứu KH&CN.

- Tuy nhiên, dường như hiện nay, việc thu hút các nhà khoa học ở nước ngoài về Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn, thưa ông?


- Đúng là hiện nay, nhiều nhà khoa học trẻ sau khi học tập ở nước ngoài không muốn về nước làm việc bởi một số nguyên nhân, đơn cử như thiếu điều kiện làm việc theo chuẩn quốc tế, phương tiện, trang thiết bị làm việc cũng như cơ chế vận hành tập thể khoa học chưa được như mong muốn, nguồn lực (tài chính và phi tài chính) cho triển khai dự án KH&CN còn thấp so với khu vực và quốc tế. Xét về khía cạnh thu nhập thì theo chế độ hiện hành, nhà khoa học trẻ thường có thu nhập rất thấp (3-4 triệu đồng/tháng). Trong khi đó, đãi ngộ ở khu vực FDI, liên doanh, doanh nghiệp tư nhân dao động có thể ở mức 40-100 triệu đồng/tháng.

Nhiều nhà khoa học cho rằng, chính sách mà chúng ta đang áp dụng cho những người làm công tác nghiên cứu khoa học ở đơn vị hành chính sự nghiệp chưa phù hợp với hoạt động nghiên cứu sáng tạo. Hoạt động KH&CN là loại hình đặc thù, chế độ đãi ngộ cán bộ khoa học hiện nay thông qua tiền lương theo ngạch bậc hành chính, chủ yếu căn cứ vào thâm niên công tác, chưa chú trọng đến yếu tố trình độ năng lực chuyên môn, hiệu quả công việc.

- Có ý kiến cho rằng, chúng ta khó thu hút được các nhà khoa học trẻ tham gia các hoạt động KH&CN một phần là bởi còn chưa có sự đánh giá, sử dụng đúng năng lực sáng tạo của họ?

- Chúng ta đã có hệ thống giải thưởng quốc gia và quốc tế dành cho các nhà khoa học như Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước, Giải thưởng Vifotec... Tuy nhiên, tất cả chỉ để ghi nhận, khen thưởng nhà khoa học theo công trình nghiên cứu chứ chưa thể hiện được sự đánh giá của xã hội, cộng đồng về sự nghiệp hoạt động khoa học của họ. Tôi cho rằng, ngoài việc vinh danh, cần khuyến khích, bổ nhiệm các nhà khoa học trẻ theo chức danh khoa học; được xếp lương và phụ cấp phù hợp với trình độ, được ưu đãi về thuế thu nhập; được ưu tiên giao chủ trì các nhiệm vụ KH&CN, thành lập các nhóm, tập thể nghiên cứu xuất sắc, được tài trợ kinh phí hoạt động KH&CN.

- Theo ông, Luật KH&CN năm 2013 đã thực sự tạo được hành lang pháp lý cần thiết hay chưa?

- Luật KH&CN năm 2013 đã cụ thể hóa hàng loạt chính sách đãi ngộ về lương, phụ cấp trách nhiệm, kinh phí dự hội nghị quốc tế… cho các nhà khoa học. Không chỉ đưa ra các quy định nhằm tạo điều kiện cho các nhà khoa học đầu ngành, trình độ cao, đang chủ trì các đề tài, đề án quốc gia, Điều 24 của Luật khuyến khích các nhà khoa học trẻ tài năng có thể được bổ nhiệm vị trí cao mà không cần đủ thâm niên như trước đây. Nhà khoa học được ưu đãi về thuế thu nhập cá nhân từ các khoản thu có từ hoạt động KH&CN. Luật cũng cụ thể hóa nhiều chế độ ưu đãi với nhà khoa học là Việt kiều, chuyên gia quốc tế tham gia trong các chương trình, đề án nghiên cứu với Việt Nam.

Tôi cho rằng, những điểm đột phá trong Luật KH&CN cùng với việc đổi mới cơ chế, chính sách, các điều ưu đãi, ưu tiên, vinh danh những nhà khoa học trẻ có nhiều công trình sáng tạo KH&CN… sẽ là động lực thúc đẩy phát triển ngành KH&CN, tạo tiền đề hình thành những đóng góp quan trọng vào sự nghiệp CNH và HĐH đất nước.

- Xin cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chú trọng năng lực chuyên môn, hiệu quả công việc

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.