(HNMO) - Lao động có kỹ năng nghề không chỉ được các đơn vị, doanh nghiệp ưu tiên tuyển dụng, mà dần trở thành "đơn vị tiền tệ" mới trên thị trường lao động, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội. Vì thế, các bên liên quan đã, đang tập trung, chú trọng đào tạo nhân lực có kỹ năng nghề.
Lao động có kỹ năng được đánh giá như "đơn vị tiền tệ" mới
Là lao động giỏi, anh Vũ Văn Nhật, làm việc tại Công ty cổ phần tự động hóa Tân Phát (huyện Thanh Trì, Hà Nội) luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Riêng năm 2020, anh có 3 ý tưởng sáng tạo được áp dụng vào sản xuất, làm lợi hàng trăm triệu đồng cho doanh nghiệp.
Tương tự, với tinh thần nỗ lực rèn nghề, anh Lê Văn Tính, làm việc tại Công ty TNHH Một thành viên dệt kim Đông Xuân (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) trở thành người thợ có "bàn tay vàng" của đơn vị, được tin tưởng giao nhiệm vụ hỗ trợ kỹ năng nghề cho nhiều công nhân trẻ.
Cũng nhờ vững kỹ năng nghề, anh Phùng Xuân Nguyên, Quản đốc Nhà máy sản xuất 4 và 5, Công ty TNHH Lixil Việt Nam đã có nhiều cải tiến, sáng tạo trong quá trình làm việc. Đáng chú ý, trong năm 2021, anh Nguyên có sáng kiến giúp công ty nơi anh làm việc tiết kiệm gần 1 tỷ đồng. Sáng kiến của anh Nguyên được đánh giá cao trong Chương trình "75.000 sáng kiến, vượt khó, phát triển" do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội phát động.
Theo Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Vinaconex 1 Nguyễn Xuân Thọ, công nhân, người lao động là vốn quý của doanh nghiệp. Họ là những người sản xuất trực tiếp ra sản phẩm có giá trị, chất lượng tốt, góp phần khẳng định thương hiệu và chỗ đứng của doanh nghiệp trên thị trường.
Dưới góc độ đào tạo nghề, Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) Trương Anh Dũng cho biết, kinh nghiệm thành công của nhiều quốc gia phát triển cho thấy, nhân lực có kỹ năng, nhất là những người có tay nghề cao, có vai trò đặc biệt quan trọng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng GDP và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Đáng chú ý, lao động có kỹ năng được đánh giá như "đơn vị tiền tệ" mới trong thị trường lao động. Bởi vì, việc phát triển kỹ năng lấy con người là trung tâm có thể thúc đẩy GDP của các quốc gia tăng trưởng thêm từ 0,5-2%/năm.
Tại Việt Nam, những năm gần đây, theo đánh giá của Diễn đàn Kinh tế thế giới, chất lượng đào tạo nghề của Việt Nam tăng đều hằng năm, qua đó góp phần đưa năng lực cạnh tranh quốc gia năm sau cao hơn năm trước.
Đào tạo nghề theo xu hướng phát triển
Tầm quan trọng của nguồn nhân lực có kỹ năng nghề đã được khẳng định trong thực tế. Tuy nhiên, hiện nay, số lượng lao động có kỹ năng nghề ở nước ta còn thấp. Hiện, cả nước mới có hơn 26% lực lượng lao động qua đào tạo. Nhiều người lao động đã có bằng cấp, chứng chỉ nhưng vẫn còn thiếu và yếu về kỹ năng làm việc theo nhóm, khả năng giao tiếp bằng ngoại ngữ...
Trong khi đó, theo dự báo, khoảng 5 năm tới, tại Việt Nam cũng như nhiều quốc gia trên thế giới, thời gian dành cho các công việc hiện tại của con người và máy móc sẽ gần ngang nhau; hơn 80% người sử dụng lao động sẽ chuyển sang số hóa, sử dụng ít lao động phổ không, không qua đào tạo. Tiếp đó, trong khoảng 10-15 năm tới, hơn 30% vị trí công việc hiện nay sẽ thay đổi do tác động của công nghệ thông tin, robot, tự động hóa và trí tuệ nhân tạo, dẫn đến khoảng 40% người lao động không có kỹ năng phù hợp với công việc của họ.
Để có lực lượng lao động đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong thời kỳ mới, cùng với sự nỗ lực của các ngành, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội vừa xây dựng chương trình đào tạo nghề theo chuẩn đầu ra phù hợp chuẩn kiến thức, kỹ năng, công nghệ đối với hơn 50 nhóm ngành, nghề thường được chọn tổ chức tại các kỳ thi kỹ năng nghề ở khu vực, thế giới. Hệ thống giáo dục nghề nghiệp tiếp nhận chuyển giao 34 chương trình đào tạo chất lượng cao từ nước ngoài, trong đó có các nghề thị trường lao động đang rất cần như cơ điện tử, điện tử công nghiệp, quản trị mạng máy tính, công nghệ sinh học...
Các tỉnh, thành phố cũng có nhiều chính sách quan tâm, hỗ trợ các cơ sở đào tạo nghề, doanh nghiệp và người lao động tham gia vào công tác đào tạo nghề. Việc đào tạo hướng tới và ưu tiên cho những lao động trẻ, lao động chưa qua đào tạo nghề, lao động thất nghiệp hoặc có nguy cơ bị thất nghiệp.
Chẳng hạn tại Hà Nội, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Nguyễn Thanh Nhàn cho biết, Sở đã trình UBND thành phố phê duyệt Kế hoạch đào tạo nghề trình độ sơ cấp và đào tạo nghề dưới 3 tháng trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021-2025; xây dựng 20 bộ chương trình đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng, tạo điều kiện để mọi người lao động có cơ hội nâng cao kỹ năng nghề. Việc phối hợp với doanh nghiệp để tổ chức đào tạo, đào tạo lại cho người lao động cũng được các bên cùng quan tâm. Hiện nay, 380 cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn thành phố đã, đang hợp tác với hàng nghìn doanh nghiệp, bảo đảm cho người học nâng cao năng lực thực hành, chắc chắn có việc làm sau khi tốt nghiệp. Theo hướng này, ước năm 2021, Hà Nội tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp đạt 220.500 người, hoàn thành chỉ tiêu đề ra.
Với nhiều giải pháp triển khai đồng bộ, sự nỗ lực của nhiều ngành, nhiều phía, từ trung ương đến cơ sở, chắc chắn tỷ lệ lao động qua đào tạo ở nước ta ngày càng được nâng lên, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.