(HNMO) - Ngày 7-5, hai đoàn giám sát của Thường trực HĐND thành phố Hà Nội tiếp tục giám sát về kết quả thực hiện “Năm kỷ cương hành chính 2017” tại 2 huyện Phúc Thọ, Gia Lâm và Sở Giáo dục và Đào tạo.
Làm việc tại huyện Phúc Thọ, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn, Trưởng đoàn giám sát số 1 của Thường trực HĐND thành phố đánh giá cao những nỗ lực của huyện trong việc sắp xếp các phòng ban chuyên môn, quản lý biên chế chặt chẽ. Đặc biệt, kỷ luật, kỷ cương hành chính được UBND huyện tăng cường, qua đó tỷ lệ giải quyết hồ sơ của công dân đúng hạn, trước hạn đạt trên 95%.
Đồng chí Nguyễn Ngọc Tuấn đề nghị, thời gian tới, huyện Phúc Thọ tiếp tục tập trung rà soát tổ chức bộ máy, thực hiện cải cách hành chính hiệu quả hơn nữa. Trong đó, huyện chú trọng đánh giá năng lực, trình độ của đội ngũ công chức, viên chức để sắp xếp bố trí, sử dụng phù hợp với vị trí việc làm và yêu cầu nhiệm vụ. Đây là cơ sở cho việc thực hiện tinh giản biên chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý sử dụng công chức, viên chức.
Bên cạnh đó, huyện cần tăng cường công tác kiểm tra, siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, xác định rõ trách nhiệm cá nhân người đứng đầu nếu phát hiện có sai phạm.
* Làm việc với huyện Gia Lâm, Sở Giáo dục và Đào tạo, Phó Chủ tịch HĐND thành phố Phùng Thị Hồng Hà, Trưởng đoàn giám sát số 2 của Thường trực HĐND thành phố nhận định, hai đơn vị đã bám sát các nghị quyết, kế hoạch của Trung ương, thành phố, triển khai có hiệu quả “Năm kỷ cương hành chính 2017”, gắn với sắp xếp tổ chức, bộ máy các đơn vị.
Đặc biệt, huyện Gia Lâm đã xác định cải cách hành chính là khâu đột phá, nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt nhiệm kỳ; đã xây dựng các chương trình, kế hoạch, đề án đồng bộ và tổ chức quán triệt, tuyên truyền sâu rộng đến cán bộ, đảng viên, công chức, nhân dân trên địa bàn.
Cùng với tuyên truyền, huyện cũng đã tổ chức 95 cuộc kiểm tra công vụ, trong đó có 17 cuộc kiểm tra đột xuất, từ đó nâng cao kỷ cương, kỷ luật hành chính, ý thức trách nhiệm, thái độ phục vụ nhân dân của cán bộ, công chức, viên chức. Từ năm 2016 đến nay, huyện luôn đứng đầu khối huyện của thành phố về công tác cải cách hành chính.
Với Sở Giáo dục và Đào tạo, đồng chí Phùng Thị Hồng Hà ghi nhận một số công việc như: Sở đang tập trung tổ chức rà soát sắp xếp quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục công lập, chuyển đổi một số đơn vị sự nghiệp công lập sang mô hình tự chủ...
Trưởng đoàn giám sát số 2 đề nghị, huyện Gia Lâm, Sở Giáo dục và Đào tạo tiếp tục quán triệt các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương và kế hoạch của thành phố về tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; xây dựng lộ trình các năm tiếp theo trong thực hiện Nghị quyết 39-NQ/TƯ, kiên quyết đưa ra khỏi bộ máy những cán bộ, công chức, viên chức không đáp ứng được yêu cầu công việc.
Trong đó, Sở Giáo dục và Đào tạo cần tăng cường trách nhiệm, chủ động hơn nữa trong việc chuyển đổi các đơn vị sự nghiệp công lập sang mô hình tự chủ; giám sát việc chi thường xuyên của các trường công lập chất lượng cao đã áp dụng cơ chế tự chủ, tiến tới hoàn thành phương án tự chủ tài chính đối với 22 trường công lập theo kế hoạch...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.