(HNMO) - Phát biểu giải trình cuối phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ mười một, HĐND thành phố Hà Nội, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung khẳng định, thành phố kiên trì nâng cao chất lượng sống cho người dân với quyết tâm hoàn thành và vượt các mục tiêu, chỉ tiêu HĐND thành phố đã thông qua.
Tiếp tục phát huy danh hiệu “Thành phố Vì hòa bình”
Nêu vắn tắt về tình hình kinh tế - xã hội của Thủ đô trong năm 2019, Chủ tịch UBND thành phố cho biết, dự kiến Hà Nội sẽ đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế 7,62%, cao nhất trong vòng 9 năm qua. Thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) đạt trên 8 tỷ USD. Tổng vốn FDI lũy kế 4 năm từ 2016 đến nay đạt 22,4 tỷ USD, vượt 125% so với giai đoạn 30 năm từ 1985 đến 2015.
Tình hình an ninh chính trị được bảo đảm, thành phố tiếp tục phát huy danh hiệu "Thành phố Vì hòa bình". Khoảng 2.000 sự kiện chính trị, văn hóa, xã hội diễn ra trên địa bàn đã được bảo đảm an toàn tuyệt đối. Các nhà ngoại giao, nhà đầu tư và du khách đều đánh giá Hà Nội là một điểm đến an toàn. Năm 2019, thành phố đón trên 29,7 triệu lượt khách du lịch.
Về văn hóa, thành phố đã tổ chức 216 sự kiện, bao gồm các sự kiện văn hóa của Hà Nội, các tỉnh, thành phố và các nước. Các sự kiện này đều lồng ghép với việc quảng bá nông, lâm, thủy sản nổi tiếng của các vùng miền, quảng bá hình ảnh và con người Hà Nội, Việt Nam ra thế giới.
Hà Nội đã xây dựng và hình thành các sự kiện văn hóa, thể thao mang tính thường niên, mang đậm dấu ấn Hà Nội như lễ hội đua thuyền Hồ Tây, lễ hội văn hóa dân gian, Giải chạy Báo Hànộimới vì hòa bình, ngày văn hóa các dân tộc... Năm 2020, Hà Nội sẽ tổ chức chặng đua thứ ba trong giải đua F1, tham gia vào bản đồ tổ chức giải thể thao danh giá của thế giới.
Thời gian vừa qua, thành phố tiếp tục kiên trì xây dựng văn hóa và nếp sống người Hà Nội thanh lịch, văn minh, tích cực thực hiện 2 quy tắc ứng xử, tiếp tục xây dựng văn hóa gia đình, tổ dân phố và làng văn hóa.
Về an sinh xã hội, Hà Nội đã hoàn thành xây dựng, sửa chữa nhà cho người có công, người nghèo... và phấn đấu đến hết năm 2020, trên địa bàn thành phố không còn người nghèo.
Đẩy nhanh việc cấp nước sạch cho người dân ngoại thành
Phát biểu làm rõ gần 20 nội dung nhóm vấn đề được nhân dân, cử tri và đại biểu HĐND thành phố quân tâm, đồng chí Nguyễn Đức Chung dành thời gian nêu vắn tắt về nước sạch.
Theo đó, để bảo đảm cung cấp nước sạch cho người dân, thời gian qua, thành phố đã đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho phép thu gọn từ 2 đầu mối quản lý nước thành một đầu mối, quy về Sở Xây dựng; điều chỉnh quy hoạch nước năm 2013 đã phê duyệt thành dạng kết cấu cung cấp nước theo mạch vòng, bảo đảm nguồn cung cấp nước thông suốt và kêu gọi đơn vị tư nhân đầu tư vào lĩnh vực này.
Cho đến nay, toàn thành phố có 23 nhà đầu tư với 38 dự án, cung cấp nước sạch và mạng cung cấp nước. Với sự vào cuộc quyết liệt của thành phố, đồng hành của các nhà đầu tư, vào thời điểm này, người dân Thủ đô đã không còn thiếu nước như những năm trước.
Ngoài ra, cũng hết năm 2019, 75% người dân nông thôn được cấp nước đô thị. Quá trình làm thí điểm tại Thạch Thất và Quốc Oai cho thấy, nếu có sự vào cuộc mạnh mẽ của các cấp ủy, chính quyền địa phương và sự đồng thuận của người dân thì tất cả những nơi nào nối được mạng sẽ có đủ nước.
“Nếu chúng ta không đẩy nhanh tiến trình cấp nước, chương trình xây dựng nông thôn mới sẽ bê tông hóa toàn bộ đường thôn, khi lắp mạng đường ống nước sẽ lại gây hư hại đường. Ngoài ra, nếu chất lượng nước không bảo đảm tiêu chuẩn sẽ ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe người dân ngoại thành”, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung nêu.
Về giá nước sạch, Chủ tịch UBND thành phố khẳng định, Hà Nội vẫn đang thực hiện nghiêm túc đúng theo các quyết định đã ban hành từ năm 2013 đến nay và không có gì thay đổi.
Về giá nước thỏa thuận với Nhà máy Nước mặt sông Đuống là 10.246 đồng, Chủ tịch UBND thành phố lý giải đây là mức giá cơ sở phục vụ cho việc lập dự án. Thành phố sẽ kiên trì với mục tiêu đẩy nhanh cấp nước sạch cho người dân, nâng cao chất lượng sống cho người dân Hà Nội.
Liên quan đến xử lý ô nhiễm các dòng sông, trong đó có sông Tô Lịch, Chủ tịch UBND thành phố khẳng định, Hà Nội đã tích cực mời các nhà khoa học, chuyên gia nghiên cứu, thí điểm những công nghệ mới trên tinh thần tiết kiệm nhất, xử lý bền vững nhất. “Hiện có nhiều ý tưởng, phương pháp xử lý đưa ra nhưng thành phố chưa thông qua bất cứ phương án nào”, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung khẳng định.
Chủ tịch UBND thành phố cũng nêu Hà Nội đang triển khai dự án nước thải Yên Xá với công suất 270.000m2/ngày-đêm, phấn đấu hoàn thành trong quý II-2022. Khi đó, toàn bộ nước thải của quận Đống Đa, một phần nước thải của các quận Ba Đình, Cầu Giấy, Thanh Xuân, Hai Bà Trưng, Thanh Trì và Hà Đông sẽ được thu gom, xử lý và quay trở lại sông Tô Lịch.
Hoàn thành kỳ họp thứ mười một, HĐND thành phố Hà Nội khóa XV
Phát biểu bế mạc kỳ họp, Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, sau 3 ngày làm việc tích cực và thực sự đổi mới, kỳ họp đã hoàn thành chương trình đề ra.
Với mục tiêu tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động, kỳ họp HĐND đã thực hiện một số điểm mới như gửi tài liệu sớm tới các đại biểu, các nội dung trình bày tại hội trường theo nhóm vấn đề, tổ chức thảo luận tại các tổ...
Tại các phiên thảo luận, các đại biểu đã đánh giá cao kết quả kinh tế, xã hội mà thành phố đã đạt được, đánh giá cao sự điều hành của Thành ủy, HĐND và UBND và đánh giá cao việc ra nghị quyết của thành phố để giải quyết các vấn đề cấp bách.
Tại kỳ họp, HĐND thành phố đã xem xét, thảo luận, thông qua 20 báo cáo, 17 nghị quyết với tỷ lệ thống nhất cao. Đây là những cơ sở pháp lý quan trọng để kịp thời giải quyết các vấn đề dân sinh, nâng cao đời sống của người dân.
HĐND thành phố cũng dành 1 ngày để chất vấn và trả lời chất vấn. Nội dung chất vấn tập trung vào 3 nhóm vấn đề về quản lý đô thị, quy hoạch; quản lý trường ngoài công lập và phòng, chống tội phạm. Phiên chất vấn diễn ra dân chủ, sôi nổi, đổi mới, mang tinh thần cầu thị.
Chủ tịch HĐND thành phố đánh giá cao sự tham gia nghiêm túc của UBND thành phố, các đại diện sở, ngành, địa phương và hoan nghênh các vị đại biểu đã tham gia phiên chất vấn với tinh thần thẳng thắn. Đây là phiên chất vấn có số lượng đại biểu tranh luận cao nhất từ trước đến nay. Đồng chí Nguyễn Thị Bích Ngọc đề nghị, các cấp, các ngành cần tiếp thu ý kiến đại biểu và khắc phục ngay những tồn tại, hạn chế đại biểu đã nêu.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.