Tiếp tục chuyến thăm và làm việc tại tỉnh Gia Lai, chiều 26-1, tại thành phố Pleiku, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đoàn công tác Trung ương làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai.
Cùng tham dự có các Ủy viên Trung ương Đảng: Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường; Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm; Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới; Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang; lãnh đạo Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các cơ quan hữu quan…
Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Gia Lai Hồ Văn Niên báo cáo với Chủ tịch Quốc hội về công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, những kết quả kinh tế, xã hội… của tỉnh trong năm 2023 và những nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới.
Sau khi nghe các ý kiến phát biểu, Chủ tịch Quốc hội biểu dương tỉnh đã chi gần 46 tỷ đồng để tổ chức các hoạt động thăm, chúc Tết Giáp Thìn. Hơn 48 nghìn đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng đã được nhận hỗ trợ với tổng kinh phí 14,4 tỷ đồng. Đây là những hoạt động chăm lo thiết thực trong bối cảnh còn khó khăn.
Chủ tịch Quốc hội bày tỏ vui mừng khi Quy hoạch tỉnh Gia Lai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được phê duyệt, với quan điểm phát triển Gia Lai theo hướng trở thành hình mẫu của một nền kinh tế phát triển bền vững, lấy sinh thái làm nền tảng cho tăng trưởng, lấy ứng dụng số, chuyển đổi số để rút ngắn khoảng cách và gia tăng chất lượng tăng trưởng.
Nhiều mặt công tác nổi bật của Gia Lai đã đạt nhiều kết quả đáng khích lệ. Cụ thể, văn hóa, thể thao được quan tâm chú trọng, phát huy. Nhiều vận động viên của tỉnh đã giành nhiều Huy chương trong các giải thi đấu thể thao. Văn hóa bản địa với những nét đặc thù được chú trọng gìn giữ phát huy, từ đó đã kéo theo các hoạt động du lịch phát triển. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị được thực hiện tốt.
Chủ tịch Quốc hội lưu ý, ngay từ những tháng đầu năm 2024, tỉnh cần thực hiện quyết liệt cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kêu gọi công nghiệp chế biến sản phẩm nông nghiệp, quan tâm giáo dục - đào tạo, an sinh vùng kháng chiến cũ, phát huy duy trì trường dân tộc nội trú, chuẩn bị tốt công tác cán bộ, nhất là cán bộ nữ, cán bộ đồng bào dân tộc thiểu số cho nhiệm kỳ tới.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, với diện tích đất lớn thứ hai cả nước (thứ nhất Tây Nguyên), dân số lớn thứ hai khu vực Tây Nguyên, nằm ở trung tâm Tam giác phát triển (Việt Nam - Lào - Campuchia) có ý nghĩa chiến lược; có 46% đồng bào dân tộc thiểu số, năm 2023, các chỉ số của tỉnh đều nằm trong top giữa của cả nước. Điều này cho thấy sự nỗ lực bền bỉ, phấn đấu, đoàn kết của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Gia Lai.
Với những kết quả đạt được khá toàn diện, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, Đảng bộ, chính quyền tỉnh Gia Lai tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, dân chủ, đổi mới, sáng tạo, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của tỉnh. Gia Lai tăng cường công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Tỉnh chủ động triển khai kế hoạch thực hiện các nghị quyết của Hội nghị Trung ương 8; nghiên cứu bổ sung, cụ thể hóa các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ vào nhiệm vụ, mục tiêu phát triển của địa phương. Tập trung chỉ đạo công tác chuẩn bị tổ chức Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025-2030, tiến tới Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII. Quan tâm đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, HĐND, UBND các cấp; tiếp tục đóng góp có hiệu quả đối với các hoạt động của Quốc hội.
Tỉnh khẩn trương xây dựng và triển khai hiệu quả kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh đã được phê duyệt; góp phần thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 23 ngày 6-10-2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Cùng với đó là đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng kết nối trong tỉnh, kết nối vùng; tăng cường cải cách hành chính, cải hiện môi trường đầu tư. Phát triển kinh tế bảo đảm hài hòa, đồng bộ với phát triển văn hóa - xã hội và khai thác bền vững tài nguyên, nhất là tài nguyên rừng.
Triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, cũng như các chính sách đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số tại Luật Đất đai (sửa đổi) và quy định trong các luật, nghị quyết khác đã được Quốc hội thông qua tại các kỳ họp vừa qua.
Tỉnh quan tâm phát triển toàn diện và nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ; “đánh thức” các tiềm năng, thế mạnh về du lịch, phát triển sản phẩm du lịch sinh thái, du lịch canh nông; bảo tồn, phát huy các sắc màu đa dạng, độc đáo từ văn hóa truyền thống của tỉnh Gia Lai. Làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, chủ động kiểm soát tốt các loại dịch bệnh. Thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững; tiếp tục đảm bảo quốc phòng, giữ gìn an ninh trật tự, cuộc sống bình yên cho nhân dân.
Với vị trí chiến lược quan trọng, tỉnh Gia Lai cần tập trung quán triệt sâu sắc, triển khai hiệu quả Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Nhấn mạnh, Gia Lai cần tiếp tục phát huy vai trò của cơ quan dân cử ở địa phương, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Chủ tịch Quốc hội lưu ý, HĐND và UBND tỉnh Gia Lai có sự phối hợp tốt trong việc rà soát văn bản quy phạm pháp luật, thủ tục hành chính, từ đó trình cấp có thẩm quyền ban hành Nghị quyết cho chương trình xây dựng thể chế, chính sách cho nhiệm kỳ tới. Từ đó, góp phần thực hiện hiệu quả các Nghị quyết của Trung ương, của Đảng bộ tỉnh.
Với tiềm năng, lợi thế của tỉnh, cùng những kết quả quan trọng đã đạt được, Chủ tịch Quốc hội tin tưởng rằng, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Gia Lai sẽ tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, đổi mới, sáng tạo, vượt qua khó khăn, thách thức để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, hiện thực hóa mục tiêu đến năm 2030, đưa Gia Lai trở thành tỉnh phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững; là trung tâm khu vực Bắc Tây Nguyên và vùng động lực trong tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia; đến năm 2050, trở thành "Cao nguyên Sinh thái, Thể thao và Sức khỏe", điểm đến sinh thái, khác biệt và độc đáo, là vùng đất xanh, giàu bản sắc văn hóa.
Gia Lai phấn đấu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân thời kỳ 2021-2030 đạt 9,57%/năm. Chủ tịch Quốc hội cho rằng, tỉnh cần nỗ lực, quyết tâm rất lớn. Về giao thông, hiện tỉnh có giao thông đường bộ và hàng không nên còn khó khăn trong thu hút đầu tư, nhất là đầu tư chế biến sản phẩm nông nghiệp.
Ghi nhận các kiến nghị của tỉnh về phát triển đường cao tốc, Chủ tịch Quốc hội cho biết, tỉnh cần phối hợp với các bộ, ngành hữu quan trong chuẩn bị đầu tư. Trong sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, tỉnh không nóng vội, mà phải trên cơ sở khoa học và thực tiễn, căn cứ theo các tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên, quy mô dân số và các tiêu chí, điều kiện theo quy định của pháp luật, đồng thời, chú trọng cân nhắc kỹ các yếu tố đặc thù về lịch sử, truyền thống, văn hóa, dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục, tập quán, điều kiện địa lý - tự nhiên, cộng đồng dân cư...
Nhân dịp này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã chứng kiến Ngân hàng Thương mại cổ phần Công Thương Việt Nam (Vietinbank) trao 10 tỷ đồng tặng tỉnh Gia Lai để hỗ trợ xây dựng trụ sở Công an xã biên giới, góp phần nâng cao chất lượng công tác bảo đảm an ninh, trật tự và bảo vệ chủ quyền biên giới trên địa bàn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.