(HNMO) - Chiều 5-12, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã phát biểu bế mạc “Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021: Phục hồi và phát triển bền vững”.
Cơ cấu lại nền kinh tế để hướng tới phát triển xanh và bền vững
Phát biểu bế mạc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, sau một ngày làm việc trách nhiệm, khẩn trương, diễn đàn đã hoàn thành toàn bộ chương trình với sự thành công tốt đẹp… Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhận định, một trong những luận điểm được nhấn mạnh tại diễn đàn, tuy không phải là mới nhưng ít khi nêu là khủng hoảng kinh tế - xã hội lần này xuất phát từ dịch bệnh Covid-19, không phải xuất phát từ khủng hoảng kinh tế - tài chính.
Chủ tịch Quốc hội cho biết, hiện nay, có một số nước đưa ra các gói kích thích siêu nới lỏng về tài khóa, tiền tệ, một mặt là để đối phó với thiệt hại do dịch bệnh gây ra nhưng cũng để đề phòng, giảm thiểu tiêu cực của suy giảm kinh tế theo chu kỳ.
“Cái hay là chúng ta thống nhất quan điểm không chỉ khắc phục hậu quả do y tế mà phải tính toán đến lâu dài, tức cơ cấu lại nền kinh tế để hướng tới phát triển xanh và bền vững. Đây là điểm tôi thấy tâm đắc qua diễn đàn”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng nhìn nhận, tác động của dịch Covid-19 là bất ngờ, chưa có tiền lệ, không lường trước được và chưa biết bao giờ mới chấm dứt, đặc biệt trong thực tiễn đã gây ra hậu quả nặng nề và sâu rộng cho tất cả quốc gia trên thế giới, trong đó Việt Nam không phải ngoại lệ. Do đó, trong bối cảnh đặc biệt cần có giải pháp đột phá cơ chế khác với điều kiện bình thường.
Theo đó, cần tập trung tăng tổng cung và tổng cầu, ưu tiên hơn cho tổng cung; phối hợp linh hoạt, chặt chẽ, hài hòa chính sách tài khóa - tiền tệ và các chính sách khác với quy mô đủ lớn, diện bao phủ rộng hơn, liều lượng hợp lý, thời điểm phù hợp, có lộ trình cụ thể.
Đồng thời, cần có mục tiêu cụ thể, dễ dàng trong tổ chức thực hiện, bảo đảm tính khả thi, nhanh chóng, kịp thời, vừa đáp ứng yêu cầu hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn, phục hồi kinh tế, vừa giữ ổn định kinh tế vĩ mô và nền tảng cho giai đoạn phát triển mới.
Bên cạnh đó, cần thiết phải có chính sách hỗ trợ và sớm thực hiện Chương trình tổng thể phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, điều này thể hiện cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong hỗ trợ cải cách, tăng cường niềm tin của người dân, doanh nghiệp và tín nhiệm của quốc gia với các tổ chức và cộng đồng quốc tế, nhất là cộng đồng các doanh nghiệp.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định, Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021 đã toát lên một số thông điệp, đó là chúng ta cần tự cường, có ý thức đứng trên đôi chân của mình, không ngừng cải thiện năng lực quản trị quốc gia cũng như năng lực quản trị doanh nghiệp. Bên cạnh đó cần tự tin vào chính mình, vào dân tộc mình, vào khả năng biến nguy thành cơ, trong việc tìm kiếm cơ hội trong những khó khăn thách thức, đồng thời cần đồng hành cùng với nhau trong phục hồi và phát triển.
“Có thể khẳng định rằng, thông tin của diễn đàn với những giải pháp, kiến nghị rõ ràng, cụ thể sẽ là tư liệu hết sức quan trọng cho Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan hữu quan xây dựng, hoàn thiện Chương trình tổng thể phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và đề xuất các gói chính sách tài khóa và tiền tệ, hỗ trợ cho phòng, chống dịch và phục hồi, phát triển... Tôi tin rằng, sau cơn mưa trời lại sáng và sẽ rực rỡ hơn. Hãy biến Covid-19 thành cơ hội của chúng ta”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tin tưởng.
Dư địa thực hiện chính sách tài khóa vẫn còn nhưng không quá lớn
Trước đó, “Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021: Phục hồi và phát triển bền vững” tiếp tục với các phiên thảo luận về chuyên đề “Phối hợp các chính sách tài khóa, tiền tệ linh hoạt, hiệu quả, tạo nguồn lực ổn định kinh tế vĩ mô, phục hồi kinh tế” và “Bảo đảm an sinh xã hội và nguồn cung lao động trong quá trình phục hồi kinh tế”.
Tại phiên thảo luận về chuyên đề “Phối hợp các chính sách tài khóa, tiền tệ linh hoạt, hiệu quả, tạo nguồn lực ổn định kinh tế vĩ mô, phục hồi kinh tế”, từ những phân tích của các chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước về tình hình thực trạng ngân sách giai đoạn vừa qua, có thể nhận định về dư địa thực hiện chính sách tài khóa của Việt Nam vẫn còn nhưng không quá lớn.
Giai đoạn 2022-2025 cần tiếp tục thực hiện nguyên tắc điều hành chính sách tài khóa là chủ động, linh hoạt trong ứng biến về ngắn hạn nhưng tuân thủ các nguyên tắc cân đối ngân sách và kỷ luật tài chính về dài hạn. Cần có sự kết hợp tốt giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ trong hỗ trợ và phát triển các hoạt động kinh tế.
Các chuyên gia cũng khuyến cáo, do suy giảm tăng trưởng trong năm 2021 có nguyên nhân chính từ dịch Covid-19, do đó, một yêu cầu quan trọng khác là chính sách tài khóa, tiền tệ phải kết hợp chặt chẽ với chính sách y tế. Đưa ra các kịch bản y tế, tài khóa và tiền tệ cụ thể để doanh nghiệp thấy chắc chắn hơn trong đầu tư kinh doanh thời gian tới.
Thảo luận về chuyên đề “Bảo đảm an sinh xã hội và nguồn cung lao động trong quá trình phục hồi kinh tế”, các chuyên gia trong và ngoài nước cho rằng, để bảo đảm hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, cần thực hiện các giải pháp điều tiết, cung ứng lao động qua đào tạo nghề nghiệp từ học sinh, sinh viên trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Về dài hạn, để chuẩn bị lực lượng lao động có kỹ năng nghề, không chỉ góp phần phục hồi thị trường lao động trước mắt mà còn đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, cần đặt mục tiêu phát triển nhanh giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở, linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, hội nhập nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường lao động, của người dân và yêu cầu ngày càng cao về số lượng, cơ cấu, chất lượng nhân lực có kỹ năng nghề cho phát triển đất nước trong từng giai đoạn.
Song hành với các chính sách về nguồn cung lao động, các chính sách an sinh xã hội cho người lao động nói riêng và người dân nói chung cũng cần được thực hiện đồng bộ. Trong đó, cần xem xét tiếp tục hỗ trợ các nhóm đối tượng như hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng bảo trợ xã hội vì đây là những nhóm yếu thế nhất trong xã hội.
Bên cạnh đó, các chuyên gia nhận định, lao động phi chính thức vẫn là nhóm dễ tổn thương nhất về việc làm, sinh kế nên xem xét hỗ trợ là hết sức đúng đắn. Tuy nhiên, đây là đối tượng rất khó xác định hoặc thiếu căn cứ để xác định nên nhiều người không tiếp cận được với chính sách, dẫn đến xác định nhầm hoặc bỏ sót.
Các chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động đã được mở rộng là rất thiết thực trong việc hỗ trợ doanh nghiệp đang phải chịu nhiều chi phí cho việc vừa chống dịch, vừa duy trì sản xuất cũng như chống nguy cơ thiếu hụt lao động sau khi đại dịch được kiểm soát. Đồng thời, tăng cường việc chăm lo sức khỏe tinh thần và theo dõi sức khỏe thể chất cho người lao động.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.