Kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, sáng 16-7, tại thành phố Vinh (Nghệ An), Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội đã dự Lễ trao bằng Tổ quốc ghi công năm 2022 do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cùng tỉnh Nghệ An phối hợp tổ chức.
Trong không khí trang trọng, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ; Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến; Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân; Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung; Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường và các đồng chí lãnh đạo bộ, ngành, địa phương đã trao Bằng Tổ quốc ghi công cho 75 thân nhân gia đình liệt sĩ, đại diện cho 387 liệt sĩ thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và 30 tỉnh, thành phố trong cả nước năm 2022.
Đại diện thân nhân liệt sĩ Đinh Công Gấm ở Bến Tre, ông Nguyễn Văn Nhân (là cháu liệt sĩ) phát biểu trân trọng cảm ơn sự hỗ trợ của các vị lão thành cách mạng, chính quyền các cấp ở Bến Tre… trong việc lập hồ sơ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trình xác nhận cho liệt sĩ hy sinh trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp. Bày tỏ niềm xúc động, vinh dự khi thay mặt thân nhân liệt sĩ nhận Bằng Tổ quốc ghi công, ông Nguyễn Văn Nhân cho biết, đây là niềm tự hào của gia đình, khẳng định sẽ tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, chấp hành, thực hiện tốt đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nỗ lực vươn lên, góp phần phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương.
Các chế độ ưu đãi từng bước được hoàn thiện và nâng lên
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, đây là một trong những hoạt động và sự kiện quan trọng, rất có ý nghĩa của cả nước kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2022).
Trong không khí trang nghiêm, xúc động và thiêng liêng, thành kính tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh và các Anh hùng liệt sĩ đã anh dũng hy sinh vì Tổ quốc, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thân ái gửi đến các Bà mẹ Việt Nam anh hùng, các Anh hùng Lực lượng vũ trang, các thương binh, bệnh binh, gia đình thân nhân liệt sĩ và những người có công với nước lời thăm hỏi ân cần, những tình cảm sâu nặng và lòng biết ơn sâu sắc nhất.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, trong suốt chiều dài lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam ta, có biết bao nhiêu cán bộ, chiến sĩ và đồng bào đã ngã xuống, nằm lại trong lòng đất quê hương, trong đó, vô số người mới chỉ mười chín đôi mươi, nhiều người trở về không còn lành lặn hoặc bị di chứng nặng nề của chất độc hóa học. Sự hy sinh vô bờ bến đó của đồng chí, đồng bào đã đem lại niềm vui, hạnh phúc cho dân tộc, làm cho đất nước ta được “nở hoa độc lập kết quả tự do”, “máu đào của các thương binh, liệt sĩ đã làm cho lá cờ cách mạng thêm đỏ thắm”.
Từ năm 1947, ngày 27-7, theo Chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc đầu được lựa chọn gọi là Ngày Thương binh toàn quốc, sau này gọi là Ngày Thương binh - Liệt sĩ. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn đồng bào cả nước ngày 27-7 là dịp để đồng bào ta tỏ lòng hiếu nghĩa, bác ái, tỏ lòng yêu mến thương binh. Người từng căn dặn, họ là những người đã hy sinh gia đình, hy sinh xương máu để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ đồng bào. Vì vậy, Tổ quốc và đồng bào phải biết ơn, phải giúp đỡ những người con anh dũng ấy.
Thực hiện chính sách đền ơn đáp nghĩa, thể hiện đạo lý "uống nước nhớ nguồn", "ăn quả nhớ người trồng cây" của dân tộc Việt Nam, trong suốt 75 năm qua, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta luôn quan tâm chăm lo làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng. Các chủ trương, chính sách, pháp luật về ưu đãi đối với liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng đã được ban hành, sửa đổi và liên tục bổ sung phù hợp với từng giai đoạn lịch sử, phù hợp với sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước, nhất là từ khi Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 14-CT/TƯ ngày 19-7-2017 về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người có công với cách mạng. Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Pháp lệnh về ưu đãi người có công với cách mạng năm 2020 với nhiều điểm mới nâng cao chế độ ưu đãi và mở rộng số người được hưởng ưu đãi cho người có công với cách mạng.
Đối tượng hưởng chính sách ưu đãi cũng ngày càng được mở rộng; các chế độ ưu đãi từng bước được hoàn thiện và nâng lên, không chỉ chế độ trợ cấp, phụ cấp mà cả các chế độ chăm sóc, phục hồi sức khỏe, hỗ trợ nhà ở, ưu đãi trong giáo dục - đào tạo, việc làm... Các phong trào toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng, ủng hộ Quỹ đền ơn đáp nghĩa ngày càng phát triển sâu rộng, được xã hội đồng tình hưởng ứng, thể hiện sự trân trọng biết ơn chăm lo của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đối với người có công và thân nhân những người có công với cách mạng.
Chỉ tính trong 5 năm gần đây, giai đoạn 2016-2021, Quỹ đền ơn đáp nghĩa của Trung ương và địa phương đã vận động được hơn 6.000 tỷ đồng. Phong trào tặng sổ tiết kiệm của cả nước đạt hơn 70.000 sổ với tổng kinh phí hơn 120,5 tỷ đồng; xây dựng mới gần 43.700 nhà tình nghĩa, sửa chữa gần 28.500 nhà tình nghĩa trị giá hơn 2.553 tỷ đồng. Đến nay, đã có 9,2 triệu người có công, bao gồm cán bộ lão thành cách mạng, cán bộ tiền khởi nghĩa, các Bà mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động, thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ được hưởng các chế độ, chính sách ưu đãi; hơn 4 triệu người có công được tặng Huân chương, Huy chương và các phần thưởng, danh hiệu cao quý khác.
Đẩy mạnh công tác xác nhận người có công
Chủ tịch Quốc hội cho biết, nhất quán chủ trương không để người có công nào không được hưởng chính sách của Đảng và Nhà nước, việc xem xét, xác nhận người có công với cách mạng, đặc biệt đối với các hồ sơ không còn giấy tờ gốc, những nhân chứng lịch sử không còn đã và đang tiếp tục được đẩy mạnh. Đây là một công việc rất khó khăn, phức tạp, đòi hỏi sự cố gắng tập trung của toàn thể các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương, nhất là các tổ chức chính quyền cơ sở, các chứng nhân lịch sử, các bậc lão thành cách mạng, sự tận tụy và trách nhiệm cao của đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác thương binh - xã hội các cấp.
Theo báo cáo, trong 5 năm (từ năm 2017-2022) triển khai theo quy trình giải quyết hồ sơ tồn đọng, xác nhận người có công với rất nhiều nỗ lực cùng cách làm sáng tạo, thận trọng, chặt chẽ, công khai, minh bạch, đến nay, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, các ban, bộ, ngành trung ương và địa phương đã xem xét, giải quyết trên 7.000 hồ sơ người có công còn tồn đọng; trình Thủ tướng Chính phủ công nhận và cấp Bằng Tổ quốc ghi công đối với trên 2.200 liệt sĩ, trên 2.500 thương binh, những người được hưởng chính sách như thương binh.
Trong dịp kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ năm nay, Thủ tướng Chính phủ đã công nhận và cấp Bằng Tổ quốc ghi công đối với 387 liệt sĩ trong phạm vi cả nước, trong đó có 105 liệt sĩ thời kỳ chiến tranh giải phóng dân tộc và chống thực dân Pháp. Rất nhiều người trong số đó đã hy sinh cách đây từ rất lâu, từ thời kỳ chiến tranh giải phóng dân tộc. Người lâu nhất như hôm nay, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung và thân nhân liệt sĩ Phạm Khánh cũng đã nêu, cụ Phạm Khánh sinh năm 1869, là Tự vệ đỏ tại Nghệ An. Đến nay, sau 91 năm, chúng ta mới có đủ điều kiện để công nhận liệt sĩ và cấp Bằng Tổ quốc ghi công.
Cũng có nhiều người đã hy sinh cách đây hơn 80 năm, từ thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Họ là những đội viên du kích chống càn hoặc những trường hợp bị tra tấn đến chết trong tù từ những năm 40, 50 của thế kỷ trước hoặc là những người chiến sĩ thuộc các dân tộc anh em, tín đồ tôn giáo đã ngã xuống vì độc lập - tự do của Tổ quốc.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, kết quả đó khẳng định trách nhiệm cao cả, nghĩa tình sâu nặng, là sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội đối với những người đã cống hiến, đóng góp, hy sinh vì sự nghiệp cách mạng quang vinh của Tổ quốc, của dân tộc.
“Chúng ta, những thế hệ đi sau, xin hứa với anh linh, hương hồn những người đã mất rằng: Tổ quốc và nhân dân không bao giờ quên ơn những thế hệ người Việt Nam đã ngã xuống vì sự nghiệp đấu tranh cách mạng giải phóng dân tộc; xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, Chủ tịch Quốc hội nói.
Nhân dịp này, Chủ tịch Quốc hội gửi lời chia sẻ, động viên tới thân nhân liệt sĩ được đón nhận Bằng Tổ quốc ghi công; mong rằng, bằng việc xác nhận liệt sĩ và nhận Bằng Tổ quốc ghi công, các gia đình và thân nhân liệt sĩ sẽ được bù đắp phần nào những đau thương, mất mát không có gì có thể bù đắp được.
Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phát huy các kết quả đạt được trong công tác người có công; tiếp tục tập trung triển khai đồng bộ và toàn diện Chỉ thị 14 của Ban Bí thư về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người có công với cách mạng và Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng năm 2020; tăng cường phối hợp chặt chẽ với các cơ quan hữu quan nâng cao năng lực, hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước đối với công tác người có công với cách mạng.
Cùng với đó, Bộ tiếp tục rà soát, đề xuất, bổ sung, sửa đổi, hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật ưu đãi người có công phù hợp với sự phát triển của đất nước; tiếp tục phát huy các kết quả đã đạt được trong việc xác nhận hồ sơ tồn đọng trong thời gian vừa qua, đảm bảo chặt chẽ, thấu lý, đạt tình để những người có công và gia đình được thụ hưởng đầy đủ các chính sách ưu đãi của Đảng và Nhà nước, hướng tới mục tiêu bảo đảm mức sống của người có công với cách mạng bằng hoặc cao hơn mức trung bình của cộng đồng dân cư tại nơi cư trú. Đặc biệt, chú trọng các biện pháp nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cũng như ý thức trách nhiệm của những người làm công tác này.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan, địa phương, tổ chức tiếp tục phối hợp chặt chẽ, chủ động nắm bắt thông tin từ người dân, nhân chứng; ứng dụng công nghệ và khoa học phục vụ việc tìm kiếm, quy tập, xác minh thông tin hài cốt liệt sĩ; đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chính sách tìm kiếm quy tập hài cốt liệt sĩ và xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin để huy động mọi nguồn lực cùng chung sức thực hiện công tác đền ơn đáp nghĩa.
Các cơ quan của Quốc hội, các đoàn đại biểu Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp tiếp tục tăng cường hơn nữa hoạt động giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật, góp phần thực hiện đúng, đầy đủ và hiệu quả, kịp thời các chính sách ưu đãi người có công - những người đã có nhiều đóng góp, hy sinh vì cách mạng, vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, trong dịp kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ năm nay, Bộ đã trình xác nhận 387 liệt sĩ, trong đó có những trường hợp hết sức cảm động như: Cụ Phạm Khánh, sinh năm 1869, tham gia lực lượng Tự vệ đỏ tại Nghệ An khi đã 61 tuổi. Tài liệu tiếng Pháp còn lưu giữ tại Cục Hồ sơ nghiệp vụ cho thấy cụ bị địch bắt giam, số tù 749 khi tham gia hoạt động cộng sản cùng đồng đội, bị địch tra tấn dã man, cụ đã hy sinh trong nhà lao vào ngày 27-9-1931 (đến nay đã trên 91 năm). Liệt sĩ Đinh Công Gấm, sinh năm 1921, là Tiểu đội trưởng Đội Cảm tử quân xã Đại Điền, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre, là người đã dùng súng tự chế xông ra giữa lộ bắn vào đội hình, chặn đánh địch để yểm trợ cho đồng đội.
Đó là các quân nhân tham gia kháng chiến chống Pháp như Hoàng Hoa, Phạm Văn Trịnh, Nguyễn Văn Năm, những người lính Bộ đội Cụ Hồ chiến đấu, anh dũng hy sinh trong trận đánh Điện Biên Phủ chấn động địa cầu; các đồng chí Võ Văn Xê, Trần Hoàng Nha, Thạch Huỳnh, Triệu Thương… dũng cảm truy quét tàn quân Pôn Pốt giúp bảo vệ chế độ mới và Chính phủ Campuchia…
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, chúng ta vẫn còn rất nhiều việc phải làm, với quyết tâm hơn nữa trong công tác "Đền ơn đáp nghĩa", đặc biệt đối với việc giải quyết hồ sơ tồn đọng đã được giải quyết căn bản song vẫn còn một bộ phận nhỏ đang chờ mong việc xác nhận liệt sĩ do thời gian, các hồ sơ, tài liệu, thông tin ngày càng ít ỏi, quá trình giải quyết ngày càng khó khăn và phức tạp hơn.
Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An Thái Thanh Quý phát biểu chia sẻ, cùng với nỗ lực phát triển kinh tế - xã hội, Nghệ An luôn quan tâm và xác định việc thực hiện các chế độ, chính sách đối với người có công là tình cảm, vinh dự và nhiệm vụ chính trị hết sức quan trọng. Ngoài việc triển khai thực hiện đúng, đủ, kịp thời các chế độ, chính sách, các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội đã tích cực, chủ động phối hợp chặt chẽ trong tổ chức thực hiện công tác chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng.
Tại buổi lễ, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã trao kinh phí xây dựng 20 căn nhà (70 triệu đồng/căn), tặng các gia đình có công với cách mạng có khó khăn về nhà ở; tổng trị giá là 1,4 tỷ đồng từ nguồn Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ.
* Trưa cùng ngày, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đoàn công tác Trung ương, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Thái Thanh Quý đã tới dâng hoa, dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Khu Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Kim Liên, xã Kim Liên, huyện Nam Đàn.
* Sáng cùng ngày, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đoàn công tác Trung ương, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Thái Thanh Quý đã đến thăm, tặng quà Anh hùng Lực lượng vũ trang Đoàn Minh Nguyệt, 90 tuổi, là thương binh 3/4, tại xóm 9, xã Nghi Phong, huyện Nghi Lộc; thăm Bà mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Kim Oanh, 89 tuổi, có hai con là liệt sĩ, tại phường Hồng Sơn, thành phố Vinh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.