Kinh tế

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dự khai mạc Lễ hội Cà phê tỉnh Sơn La lần thứ nhất

Theo TTXVN 20/10/2023 - 22:28

Tối 20-10, tại Quảng trường Tây Bắc, thành phố Sơn La, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dự khai mạc Lễ hội Cà phê tỉnh Sơn La lần thứ nhất năm 2023 với chủ đề "Arabica, Cà phê Sơn La - Hương vị núi rừng Tây Bắc".

vna_potal_chu_tich_quoc_hoi_du_khai_mac_le_hoi_ca_phe_tinh_son_la_lan_thu_nhat_stand.jpg
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thăm các gian hàng tại Hội chợ Triển lãm “Cà phê Sơn La - Hội nhập và phát triển". Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN

Nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng; đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương; lãnh đạo Đại sứ quán Lào, Azerbaijan; đông đảo nhân dân các dân tộc tỉnh Sơn La, đại diện doanh nghiệp, du khách... cùng dự.

Phát biểu khai mạc, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sơn La Nguyễn Hữu Đông nhấn mạnh, Lễ hội Cà phê tỉnh Sơn La lần thứ nhất năm 2023 được tổ chức đúng vào dịp kỷ niệm 128 năm Ngày thành lập tỉnh Sơn La (10/10/1895 - 10/10/2023) và 15 năm thành lập thành phố Sơn La (26/10/2008 - 26/10/2023). Đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng, là cơ hội để Sơn La và các tỉnh Tây Bắc giới thiệu, quảng bá sản phẩm cà phê Arabica; tôn vinh người trồng, sản xuất, chế biến, kinh doanh và xuất khẩu cà phê; góp phần phát triển vùng trồng cà phê Arabica chất lượng cao, bền vững, nâng tầm giá trị, khẳng định vị thế cà phê Arabica Sơn La tại thị trường trong và ngoài nước; nhằm thực hiện mục tiêu liên kết các tỉnh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ cà phê; đưa tỉnh Sơn La trở thành Trung tâm chế biến sản phẩm nông nghiệp của vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ theo tinh thần Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 10-2-2022 của Bộ Chính trị đã đề ra; thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 5 khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và đổi mới, phát triển, nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể.

vna_potal_chu_tich_quoc_hoi_du_khai_mac_le_hoi_ca_phe_tinh_son_la_lan_thu_nhat_stand-1-.jpg
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thăm các gian hàng tại Hội chợ Triển lãm “Cà phê Sơn La - Hội nhập và phát triển". Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN

Sơn La là tỉnh miền núi nằm ở phía Tây Bắc của Tổ quốc, có đường biên giới tiếp giáp với các tỉnh Hủa Phăn, tỉnh Luông Pha Băng, nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, có vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng, an ninh, là phên dậu của Tổ quốc. Tỉnh có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp để canh tác cây cà phê chè Arabica. Ngay từ cuối những năm 1980, tỉnh đã triển khai "Chương trình phát triển cây cà phê chè - Arabica".

Diện tích cây cà phê tại Sơn La được phát triển từ 278ha năm 1990 lên trên 20.000ha năm 2023 (chiếm 41,2% diện tích cà phê Arabica của cả nước và là tỉnh có diện tích trồng cà phê Arabica lớn nhất cả nước); trong đó có gần 18.000ha được cấp chứng nhận bền vững và tương đương, sản lượng đạt trên 204.000 tấn quả tươi (giá trị thu từ bán sản phẩm quả tươi ước đạt trên 2.050 tỷ đồng). Sơn La đã hình thành được một số vùng sản xuất tập trung chuyên canh, ứng dụng khoa học công nghệ, liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ cà phê, với sự tham gia của các hộ nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp.

Đã có 2 vùng cà phê được công nhận là vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, 1 chỉ dẫn địa lý cà phê Sơn La. Tỉnh đã thu hút, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư, xây dựng đưa vào hoạt động các nhà máy chế biến cà phê có quy mô lớn, công nghệ hiện đại, đáp ứng nhu cầu sản xuất, chế biến, tiêu thụ và xuất khẩu. Sản phẩm cà phê Sơn La đã được xuất khẩu sang thị trường 20 nước thuộc Liên minh châu Âu (EU), Bắc Mỹ, Trung Đông và các nước ASEAN với giá tiêu thụ ổn định ở mức cao; góp phần nâng cao thu nhập của người trồng, chế biến cà phê, tạo thêm việc làm, góp phần cơ cấu lại sản xuất theo hướng nâng cao chất lượng và giá trị cà phê tại Sơn La.

Ông Nguyễn Hữu Đông cho biết, với nhiều hoạt động đa dạng, phong phú của Lễ hội Cà phê Sơn La lần thứ nhất, tỉnh Sơn La mong muốn giới thiệu, quảng bá, cung cấp các thông tin cụ thể về sản phẩm cà phê Arabica Sơn La tới các doanh nghiệp, người tiêu dùng trong và ngoài nước; thu hút các doanh nghiệp đầu tư các nhà máy chế biến sâu và đa dạng các sản phẩm từ cà phê, nhằm nâng cao giá trị sản phẩm; góp phần thúc đẩy sản xuất, chế biến, tiêu thụ và xuất khẩu sản phẩm nông sản của tỉnh nói chung và sản phẩm cà phê Arabica nói riêng; khai thác tốt tiềm năng, lợi thế về điều kiện tự nhiên, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững trên địa bàn tỉnh...

Tuyên bố khai mạc lễ hội, Bí thư Tỉnh ủy Sơn La Nguyễn Hữu Đông bày tỏ tin tưởng, tinh thần "Arabica, Cà phê Sơn La - Hương vị núi rừng Tây Bắc" sẽ tỏa ngát, vươn xa.

vna_potal_chu_tich_quoc_hoi_vuong_dinh_hue_du_khai_mac_le_hoi_ca_phe_tinh_son_la_lan_thu_nhat_nam_2023_stand.jpg
Chương trình văn nghệ khai mạc Lễ hội Cà phê tỉnh Sơn La lần thứ nhất - năm 2023. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN

Hợp tác, liên kết giúp ngành hàng cà phê Sơn La tiếp cận “kinh tế trải nghiệm”

Chào mừng Lễ hội Cà phê lần đầu tiên được tổ chức tại Sơn La - miền đất dốc vươn lên từ gian khó, để hôm nay dần trở thành thủ phủ nông nghiệp vùng Tây Bắc, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan nhấn mạnh, sự kiện Lễ hội Cà phê lần này ghi dấu hành trình 70 năm cà phê Sơn La, từ loại cây cải thiện sinh kế, đến thương hiệu đặc sản, vươn ra thế giới, được ưa chuộng ở nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ. Cà phê Sơn La luôn đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của ngành hàng cà phê Việt Nam.

Theo Bộ trưởng, hướng tới dấu mốc tiếp đến, câu chuyện hợp tác, liên kết có vai trò quan trọng trong phát triển chuỗi giá trị bền vững ngành hàng cà phê Sơn La. Đó là sự hợp tác giữa nông dân với nhau, liên kết giữa nông dân với hợp tác xã, với doanh nghiệp, giúp tổ chức lại sản xuất, giảm chi phí đầu vào, đầu tư chế biến sâu, nâng cao chất lượng, gắn kết với nhu cầu đa dạng của thị trường. Hợp tác, liên kết giúp tích hợp đa giá trị trên một đơn vị diện tích, cùng với cà phê, còn là trà cascara từ vỏ cà phê, là sản phẩm thời trang, dược phẩm, mỹ phẩm từ cà phê…

“Hợp tác, liên kết giúp ngành hàng cà phê Sơn La tiếp cận “kinh tế trải nghiệm”, gắn kết tài nguyên bản địa với trải nghiệm văn hóa, lịch sử địa phương. Hợp tác, liên kết giúp ngành hàng cà phê Sơn La chủ động thích ứng tốt hơn với biến đổi khí hậu, biến động thị trường, biến chuyển xu thế tiêu dung”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.

Theo Bộ trưởng, điều đáng quan tâm gần đây có tiêu chuẩn EUDR của châu Âu quy định về các sản phẩm nông sản không gây mất rừng, vừa là thách thức vừa là cơ hội cho cà phê Sơn La nói riêng và ngành hàng cà phê Việt Nam nói chung. “Đáp ứng các yêu cầu về phát triển xanh và bền vững là rất khó, nhưng nếu không thực hiện, lại càng khó khăn hơn - khi người tiêu dùng ngày nay không chỉ tìm mua sản phẩm, mà còn quan tâm nhiều hơn đến cách thức, quy trình, xuất xứ… của sản phẩm được tạo ra”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, liên kết, hợp tác, không dừng lại ở ngày một, ngày hai, vừa cần sự kiên trì, xuyên suốt, vừa cần đến sự sẵn lòng ở mỗi người, như dòng chữ in trên áo của một thanh niên đi xe máy trên đường Mộc Châu: “Together We win” - Kết sức mạnh, nối thành công!

Bộ trưởng cho rằng, Lễ hội Cà phê Sơn La là dịp để gặp gỡ, trao đổi, tiếp tục hiện thực hóa về sự phát triển bền vững ngành hàng cà phê cả nước; là cơ hội gửi gắm thông điệp: “Nghĩ đến cà phê, nghĩ đến Việt Nam. Thưởng thức cà phê Sơn La, cảm nhận “Hương vị núi rừng Tây Bắc”.

Lễ hội Cà phê tỉnh Sơn La diễn ra từ ngày 20-23/10, với chuỗi các hoạt động như: Gala cà phê; Hội chợ triển lãm “Cà phê Sơn La - Hội nhập và phát triển”; Trưng bày ảnh đẹp về cà phê; Hội thảo "Phát triển bền vững, nâng tầm giá trị cà phê Sơn La"; Hội thi nhà nông đua tài; trải nghiệm, khám phá tour du lịch cà phê; khai trương dây chuyền chế biến trà Cascara; khánh thành Nhà máy chế biến cà phê Sơn La; Hội thi kết nối giao thương sản phẩm cà phê...

Bế mạc lễ hội sẽ diễn ra vào tối 23-10-2023 tại Quảng trường Tây Bắc.

* Nhân dịp Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đoàn công tác của Quốc hội lên thăm và làm việc tại tỉnh Sơn La và nhân tháng cao điểm vì người nghèo năm 2023, Đoàn công tác đã vận động kinh phí, quyên góp, ủng hộ của các nhà hảo tâm được 100 căn nhà để hỗ trợ cho hộ nghèo có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh Sơn La. Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường thay mặt Đoàn công tác trao kinh phí hỗ trợ tới Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Sơn La Vi Đức Thọ.

* Chiều cùng ngày, tại thành phố Sơn La, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đoàn công tác Trung ương, lãnh đạo tỉnh Sơn La đã đến dâng hương, dâng hoa tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Đền thờ Bác Hồ trên Quảng trường Tây Bắc./.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dự khai mạc Lễ hội Cà phê tỉnh Sơn La lần thứ nhất

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.