Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chủ tịch Quốc hội dự hội nghị 10 năm thực hiện quyết tâm thư của Già làng

Theo TTXVN| 19/03/2019 14:28

Sáng 19-3, tại thành phố Pleiku (tỉnh Gia Lai), Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Ủy ban Dân tộc và tỉnh Gia Lai tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Quyết tâm thư của Già làng các dân tộc Tây Nguyên.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân với các đại biểu. Ảnh: Trọng Đức - TTXVN

Cách đây 10 năm, vào tháng 3-2009 đã diễn ra Hội nghị biểu dương Già làng tiêu biểu khu vực Tây Nguyên. Tại hội nghị, 241 Già làng đã thay mặt đồng bào các dân tộc Tây Nguyên ký Quyết tâm thư khẳng định tư tưởng, tình cảm thủy chung của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên đối với Bác Hồ, với Đảng, với Tổ quốc và bày tỏ lòng quyết tâm đồng sức đồng lòng xây dựng Tây Nguyên phát triển toàn diện, góp phần vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhiệt liệt chào mừng 224 Già làng tiêu biểu cùng toàn thể đại biểu đã về dự hội nghị.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, Tây Nguyên là địa bàn có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội và quốc phòng - an ninh. Đồng bào các dân tộc Tây Nguyên có truyền thống yêu nước nồng nàn, trung dũng, kiên cường đi theo con đường mà Đảng và Bác Hồ đã lựa chọn.

Đảng, Nhà nước luôn quan tâm và đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách đặc thù nhằm hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và cải thiện đời sống nhân dân các dân tộc Tây Nguyên.

Cùng với sự quan tâm đầu tư của Đảng, Nhà nước, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc các tỉnh Tây Nguyên đã nỗ lực phấn đấu, cần cù trong lao động, đoàn kết từng bước khắc phục hậu quả chiến tranh, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội và đạt được những thành tựu to lớn trên nhiều lĩnh vực.

Chủ tịch Quốc hội đánh giá, báo cáo tổng kết đã khẳng định những kết quả to lớn trong 10 năm thực hiện Quyết tâm thư của Già làng các dân tộc Tây Nguyên, trong đó các Già làng đều có chung nhận thức sâu sắc về lời dạy của Bác Hồ: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết; Thành công, thành công, đại thành công”, đồng thời cũng tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, luôn học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, góp phần xây dựng Tây Nguyên ngày càng ổn định, phát triển.

Các Già làng đã tích cực tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc Tây Nguyên bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc, bảo tồn được văn hóa cồng chiêng, tránh tình trạng buôn bán làm thất thoát di sản văn hóa đặc sắc này; tích cực tham gia dạy tiếng Kinh cho con em người dân tộc và giữ đất, bảo vệ rừng; bảo đảm quốc phòng, an ninh, xây dựng được khối đại đoàn kết toàn dân tộc, nâng cao ý thức chấp hành chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là chính sách Mặt trận, chính sách dân tộc.

Các Già làng đã phát huy truyền thống đoàn kết, yêu nước, cách mạng, bất khuất của nhân dân các dân tộc khu vực Tây Nguyên, kiên quyết làm thất bại mọi âm mưu, hành động trực tiếp và gián tiếp của các thế lực thù địch; phát huy vai trò của người cao tuổi Việt Nam hưởng ứng phong trào thi đua “Tuổi cao - Gương sáng”.

Chủ tịch Quốc hội đánh giá, 10 năm qua, với 5 nội dung quyết tâm thư của các Già làng Tây Nguyên, đó là: Xây dựng, củng cố niềm tin với Đảng, với Bác Hồ và Nhà nước; nêu cao tinh thần đoàn kết, tích cực vận động bà con xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; tuyên truyền, vận động ứng dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; nâng cao ý thức cảnh giác, đấu tranh với các thế lực thù địch; phát huy vai trò của người cao tuổi… đã trở thành hơi thở cuộc sống, gắn bó với hành động và suy nghĩ của mỗi người con Tây Nguyên, trở thành mục tiêu, động lực trong lao động, học tập và xây dựng Tây Nguyên ngày một giàu mạnh.

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch Quốc hội ghi nhận và đánh giá cao những đóng góp to lớn của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, trong đó có vai trò đặc biệt quan trọng của các Già làng trong việc phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh Tây Nguyên nói riêng và cả nước nói chung.

Thời gian tới, thời cơ, cơ hội đối với cả nước nói chung và Tây Nguyên nói riêng là rất lớn, nhưng thách thức, khó khăn cũng còn nhiều. Để tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, phấn đấu đạt kết quả cao hơn trong sự nghiệp đoàn kết và phát triển Tây Nguyên, Chủ tịch Quốc hội mong muốn các Già làng và người cao tuổi các tỉnh Tây Nguyên tiếp tục giáo dục con cháu, vận động đồng bào các dân tộc trên địa bàn thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là những lời dạy trong Thư của Bác Hồ gửi Đại hội các dân tộc thiểu số miền Nam tổ chức tại Pleiku năm 1946, gắn với nội dung học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh theo tinh thần Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị.

Các Già làng tích cực vận động con cháu giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của từng dân tộc; xóa bỏ một số tập tục lạc hậu, mê tín, dị đoan hiện còn tồn tại làm ảnh hưởng đến sự phát triển của từng dân tộc và sự phát triển chung của cộng đồng; không thách cưới, không tảo hôn, không hôn nhân cận huyết thống; không để tang ma kéo dài, ăn uống linh đình...

Tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, xây dựng buôn làng bình yên và ngày càng phát triển; tham gia các phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội; luôn đề cao cảnh giác phòng, chống âm mưu “Diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch trong và ngoài nước chống phá công cuộc đổi mới của đất nước, chia rẽ khối đại đoàn kết các dân tộc; thực hiện "bốn không" (không nghe, không tin, không làm theo và không sợ) kẻ xấu xúi giục, kích động; gương mẫu đi đầu trong các phong trào thi đua, các cuộc vận động tại địa phương, cơ sở và các phong trào thi đua, các cuộc vận động do Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam và Hội Người cao tuổi Việt Nam phát động...

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tặng hoa và Kỷ niệm chương cho các Già làng Tây Nguyên tiêu biểu. Ảnh: Trọng Đức – TTXVN

Chủ tịch Quốc hội đề nghị cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp cần tiếp tục nâng cao nhận thức đúng đắn về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của các Già làng trong đồng bào dân tộc thiểu số; quan tâm, động viên, biểu dương kịp thời những đóng góp của các Già làng có uy tín, tạo điều kiện thuận lợi hơn để các Già làng phát huy tốt vai trò nòng cốt của mình trong các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Cấp ủy, chính quyền địa phương có tiếng nói, ý kiến đóng góp quý báu trong việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, đại diện ý chí làm chủ của nhân dân, và là cầu nối chuyển tải tâm tư nguyện vọng của đồng bào các dân tộc thiểu số đến với các cấp ủy Đảng, chính quyền, đồng thời tham gia đóng góp thiết thực vào các chương trình phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, xây dựng lòng tin của đồng bào các dân tộc đối với Đảng, Nhà nước.

Bên cạnh đó, cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp cần quan tâm công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ người dân tộc thiểu số ở các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội, đặc biệt là các sinh viên mới tốt nghiệp ra trường chưa có việc làm; quan tâm thu hút đầu tư phát triển kinh tế, trong đó nghiên cứu để có cơ chế phù hợp khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào vùng dân tộc thiểu số, tăng cường dạy nghề, giải quyết việc làm, thu hút lao động người dân tộc thiểu số vào làm việc tại các doanh nghiệp; động viên, khuyến khích người dân tộc thiểu số tham gia xuất khẩu lao động để tăng thu nhập, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào;

Đồng thời, cấp ủy, chính quyền địa phương có giải pháp thiết thực để bảo tồn, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp, xóa bỏ một số tập tục lạc hậu, mê tín, dị đoan hiện còn tồn tại làm ảnh hưởng đến sự phát triển của các dân tộc; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.


Với tinh thần trên, Chủ tịch Quốc hội tin tưởng rằng khối đại đoàn kết các dân tộc Tây Nguyên sẽ luôn được bồi đắp, bền vững, góp phần xây dựng khu vực Tây Nguyên giàu về kinh tế, đẹp về văn hóa - xã hội, vững về chính trị, mạnh về quốc phòng - an ninh.

Đồng bào các dân tộc Tây Nguyên có ý chí vững vàng, có cuộc sống ấm no và hạnh phúc, dân tộc nào cũng có cán bộ đại diện. Tây Nguyên tiếp tục phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp, sớm thu hẹp khoảng cách chênh lệch, thực hiện bình đẳng và đoàn kết thực sự giữa các dân tộc trong đại gia đình dân tộc Việt Nam đúng với tâm niệm của các Già làng Tây Nguyên đã ghi trong Quyết tâm thư đó là: “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một, đất Tây Nguyên là đất của đất Việt Nam, người Tây Nguyên là người của người Việt Nam, Tây Nguyên vì cả nước, cả nước vì Tây Nguyên”.

Nhân dịp này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã trao quà tặng các Già làng các tỉnh Tây Nguyên.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chủ tịch Quốc hội dự hội nghị 10 năm thực hiện quyết tâm thư của Già làng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.