Chiều 2-11, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tiếp đoàn 50 đại biểu gồm nhiều giáo sư, tiến sĩ, nhà khoa học, chuyên gia tim mạch hàng đầu đến từ nhiều nền y học tiên tiến trên thế giới cũng như khu vực ASEAN tham dự Đại hội khoa học Tim mạch Đông Nam Á (AFCC2023) lần thứ 27, tại Hà Nội.
Kể từ năm 2008, trải qua 15 năm, Hội Tim mạch học Việt Nam một lần nữa có vinh dự được Liên đoàn Tim mạch Đông Nam Á giao nhiệm vụ đăng cai tổ chức Đại hội khoa học Tim mạch Đông Nam Á (AFCC2023) lần thứ 27. Với chủ đề: "Giao thoa tim mạch: Thách thức và Cơ hội", đại hội lần này đón tiếp hơn 2.000 đại biểu trong và ngoài nước, trong đó có 300 chuyên gia tim mạch hàng đầu khu vực và thế giới.
Đây là một sự kiện quan trọng, mang tầm quốc tế của chuyên ngành tim mạch nước nhà, là cơ hội để các thầy thuốc Việt Nam và trong khu vực có thể trao đổi, cập nhật, bổ sung các kiến thức, kỹ năng chuyên môn. Bên cạnh đó, đại hội lan tỏa những thông điệp sức khỏe đến người dân trong công cuộc phòng, chống lại bệnh lý tim mạch đang gia tăng ở nước ta, với mục tiêu cuối cùng là nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe tim mạch cho người dân Việt Nam.
Đáng chú ý, Chương trình Hội nghị khoa học được tổ chức với hơn 80 phiên khoa học, bao gồm 750 bài báo cáo, diễn ra liên tục cùng lúc ở 10 hội trường trong 3 ngày. Ngoài những chủ đề khoa học thường quy như Can thiệp Tim mạch, Siêu âm Tim, Điều trị Rối loạn Nhịp tim…, năm nay, chương trình đại hội sẽ có thêm những phiên khoa học đặc biệt, với sự tham gia của các chuyên gia nước ngoài như phiên đào tạo của SCAI (Hội Tim mạch Can thiệp Hoa Kỳ), các phiên cập nhật khuyến cáo từ ESC Congress (Hội Tim mạch châu Âu)…
Ngành Tim mạch Việt Nam trong những năm qua đã có nhiều bước tiến đáng kể, hội nhập sâu rộng thế giới, đã triển khai ứng dụng được nhiều kỹ thuật tiên tiến có thể sánh ngang các nước trong khu vực và trên thế giới. Hiện nay, hầu hết các bệnh lý tim mạch đã có thể được chẩn đoán và điều trị trong nước một cách kịp thời, hiệu quả. Người bệnh tim mạch trong nước đã có cơ hội tiếp cận các thành tựu khoa học trong lĩnh vực tim mạch tiên tiến ngay tại chỗ mà không còn phải ra nước ngoài... Tuy vậy, ngành vẫn luôn trau dồi học tập không ngừng, từ kinh nghiệm của các nước phát triển và trong khu vực, áp dụng, phát triển các thành tựu khoa học mới nhất trong chăm sóc sức khỏe tim mạch cho người dân.
Ngành Tim mạch Việt Nam gia nhập cộng đồng tim mạch ASEAN từ năm 2004, từ đó đến nay luôn có những đóng góp tích cực cho sự phát triển chung của khu vực.
Tại buổi gặp mặt, các đại biểu, các nhà khoa học, các bác sĩ chuyên ngành tim mạch khẳng định những tiến bộ vượt bậc của ngành Tim mạch Việt Nam với những kỹ thuật tiên tiến, hiện đại trên thế giới đều đã được cập nhật, áp dụng thành công tại Việt Nam. Để có được thành công đó, ngành tim mạch đã nhận được sự quan tâm, đầu tư, hỗ trợ thiết thực của Đảng, Nhà nước; đội ngũ y, bác sĩ, các nhà khoa học chuyên ngành xuất sắc, chịu khó học hỏi… Tuy nhiên, ngành tim mạch Việt Nam cũng đối diện với những thách thức, khó khăn khách quan và chủ quan không nhỏ từ thực tế mà đòi hỏi ngành Tim mạch cần phải nỗ lực hơn nữa để có thể hoàn thành nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe tim mạch cho nhân dân.
Có đại biểu nêu rõ, nhiều người bệnh tim mạch trong nước đã không còn phải ra nước ngoài để chữa bệnh lý về tim mạch vì Việt Nam đã có nhiều bác sĩ tim mạch có vị trí và uy tín trong ngành Tim mạch khu vực và thế giới. Các ý kiến cho rằng, thời gian tới, các bác sĩ, chuyên gia ngành Tim mạch Việt Nam cần tiếp tục nỗ lực hơn nữa để ngày càng nâng cao chất lượng hoạt động, khám chữa bệnh tim mạch cho người dân.
Các đại biểu quốc tế nhấn mạnh tầm quan trọng của Liên đoàn Tim mạch với việc tập hợp Hội Tim mạch các quốc gia tham gia hoạt động chuyên môn chăm sóc sức khỏe tim mạch cho người dân; trong đó, Hội Tim mạch học Việt Nam luôn có những đóng góp tích cực và quan trọng. Theo các đại biểu, các quốc gia cần tiếp tục hợp tác chặt chẽ hơn nữa để có thể ngăn chặn và xử lý các bệnh lý tim mạch cho người dân, trong đó, các bác sĩ tim mạch tiếp tục chú trọng nâng cao chất lượng, dịch vụ chăm sóc sức khỏe tim mạch cho người bệnh, phòng bệnh tim mạch cho những người đang khỏe mạnh, qua đó khẳng định những thành tựu đã đạt được những năm qua.
Tại buổi gặp mặt, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng nhấn mạnh: Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn coi “sức khỏe là vốn quý nhất của mỗi người dân và của xã hội”. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Dân cường thì nước thịnh”, “Mỗi người dân khỏe mạnh là cả nước khỏe mạnh”. Nhận thức rõ điều đó, Việt Nam luôn coi bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân là “nghĩa vụ, trách nhiệm của mỗi người dân, của cả hệ thống chính trị và xã hội”. “Đầu tư cho bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân là đầu tư cho phát triển”.
Nêu rõ, Việt Nam là một đất nước có nhiều năm tháng đi qua chiến tranh, mất mát với nhiều tổn thương cần được chữa lành, Chủ tịch nước khẳng định: Đến nay, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trên nhiều lĩnh vực. Vị thế, uy tín và các mối quan hệ hợp tác quốc tế ngày càng mở rộng, nâng cao, đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững, vào hòa bình, hợp tác và phát triển của khu vực, trên thế giới. Trong những nỗ lực chung có sự đóng góp của ngành Y tế Việt Nam với những tiến bộ, thành tựu to lớn trong bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Theo Chủ tịch nước, các thành tựu phát triển trong lĩnh vực y tế nói chung, tim mạch học nói riêng đã góp phần đưa nền khoa học y học Việt Nam tiệm cận với thế giới, góp phần quan trọng trong phát triển nền y tế Việt Nam.
Bày tỏ niềm vui và tự hào vì Việt Nam đã có nhiều bác sĩ tim mạch có trình độ cao, chuyên môn giỏi, thực hiện được nhiều kỹ thuật khó, hầu hết các bệnh lý tim mạch đã được chẩn đoán và điều trị hiệu quả, kịp thời tại chỗ, giúp bệnh nhân tim mạch hạn chế tối đa ra nước ngoài điều trị, Chủ tịch nước đánh giá cao sự đóng góp, cống hiến của các giáo sư, bác sĩ, thầy thuốc tim mạch là những người thầm lặng tạo nên những bước tiến mạnh mẽ và ấn tượng của ngành Tim mạch học Việt Nam nhiều năm qua.
Cho rằng, thế giới ngày càng phải đối mặt với nhiều thách thức, nhiều dịch bệnh mới nổi, biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường..., Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng lưu ý, Việt Nam cũng như các nước đang phải đối diện với mô hình bệnh tật thay đổi, các bệnh không lây nhiễm ngày càng gia tăng, trong đó có bệnh lý tim mạch.
Vì vậy, ngành Tim mạch Việt Nam cần nỗ lực sàng lọc, phát hiện sớm bệnh tật để can thiệp kịp thời. Các thầy thuốc, chuyên gia là lực lượng nêu gương, đi đầu trong giáo dục sức khỏe, nâng cao nhận thức cho người dân về tự chăm sóc sức khỏe, phòng bệnh hơn chữa bệnh, thay đổi lối sống, tăng cường luyện tập thể lực, ăn uống lành mạnh.
Chủ tịch nước cho rằng, tim mạch là lĩnh vực của kỹ thuật cao. Để làm chủ kỹ thuật cao, tiếp cận được kỹ thuật mới tiên tiến, đòi hỏi nguồn nhân lực của ngành Tim mạch cũng phải ở trình độ cao, đội ngũ có tinh thần tìm tòi, nghiên cứu, sáng tạo, tiếp nhận cái mới.
Chủ tịch nước đề nghị, Hội Tim mạch Việt Nam tiếp tục là nơi tập hợp lực lượng chuyên y gia đầu ngành, trí thức tiêu biểu, tiếp tục phát huy vai trò của tổ chức xã hội nghề nghiệp trong chăm sóc sức khỏe nhân dân; phát huy vai trò tư vấn chính sách hiệu quả. Bên cạnh đó, cần tiếp tục phải phát triển vững chắc hệ thống y tế cơ sở, xây dựng mạng lưới y tế rộng khắp, gần dân.
Chủ tịch nước nêu rõ: Ban Bí thư Trung ương Đảng vừa ban hành Chỉ thị số 25-CT/TƯ ngày 25-10-2023 về tiếp tục củng cố, hoàn thiện, nâng cao chất lượng hoạt động của y tế cơ sở trong tình hình mới. Theo đó, y tế cơ sở là nền tảng, là tuyến đầu trong phòng bệnh, khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe nhân dân. Vì vậy, phải phát triển vững chắc hệ thống y tế cơ sở, xây dựng mạng lưới y tế rộng khắp, gần dân. Mỗi cán bộ ngành Y cần quan tâm, thực hiện gắn với lĩnh vực của mình, vừa triển khai các kỹ thuật mới, đồng thời, chú trọng đào tạo, chuyển giao kỹ thuật cho các tuyến dưới; nỗ lực đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân, đặc biệt là nhân dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.