Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang làm việc với Thành uỷ Hà Nội

Hồng Vân| 04/01/2013 15:22

(HNMO) - Chiều 4-1, Đoàn công tác Đề án Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở, do Chủ tịch nước Trương Tấn Sang - Trưởng Ban chỉ đạo dẫn đầu, đã làm việc với Thành phố Hà Nội về việc thực hiện kế hoạch triển khai xây dựng Đề án.

Bí thư Thành uỷ Hà Nội Phạm Quang Nghị, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thế Thảo, Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ Nguyễn Công Soái, Chủ tịch HĐND thành phố Ngô Thị Doãn Thanh, Trưởng ban Kinh tế Trung ương kiêm Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ và lãnh đạo các ban, ngành liên quan cùng dự.

Báo cáo với đoàn công tác về việc thực hiện Nghị quyết Trung ương IV khoá X và Nghị quyết Trung ương V khoá IX, Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ Nguyễn Công Soái cho biết: Sau khi mở rộng địa giới hành chính, Đảng bộ Hà Nội có 57 đảng bộ trực thuộc, trong đó có 29 đảng bộ quận, huyện, thị xã, 25 đảng bộ cấp trên cơ sở và 3 đảng bộ cơ sở trực thuộc với hơn 34 vạn đảng viên.

Thực hiện các nghị quyết của Đảng, Thường trực, Ban Thường vụ Thành uỷ Hà Nội đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả 2 Nghị quyết trên, sắp xếp kiện toàn, từng bước củng cố tổ chức các cơ quan trong hệ thống chính trị thành phố, quận, huyện, xã, phường, thị trấn; nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động, góp phần quan trọng vào việc tổ chức triển khai thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của thành phố.

Về thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, Ban Thường vụ Thành uỷ Hà Nội đã lãnh đạo, chỉ đạo rà soát lại chức năng, nhiệm vụ, kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy, bố trí phân công cán bộ, hoàn thiện các quy chế, quy định làm việc của các đơn vị, bảo đảm đúng yêu cầu, nguyên tắc, quy định của Trung ương đề ra. Tổ chức và hoạt động của các Ban đảng, Văn phòng Thành uỷ đã tinh gọn, hiệu quả hơn, phục vụ tốt nhiệm vụ lãnh đạo, chỉ đạo của Thành uỷ và phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội của Thủ đô. Chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND Thành phố cũng đã từng bước được xác định lại rõ ràng hơn, giảm được sự chồng chéo; hiệu lực, hiệu quả hoạt động chỉ đạo, quản lý của bộ máy chính quyền từ thành phố đến quận, huyện, thị xã ngày càng được nâng lên.


Qua 5 năm thực hiện Nghị quyết, đã có hơn 3.000 cán bộ, công chức, viên chức được nghỉ chế độ theo Nghị định 122 về tinh giản biên chế; 180 cán bộ, công chức, viên chức được thực hiện chế độ, chính sách về trợ giúp các đối tượng bảo trợ xã hội theo Nghị định 67. Kết quả quy hoạch cán bộ đã được cấp uỷ có thẩm quyền phê duyệt 75/75 đồng chí Thành uỷ viên khoá XV nhiệm kỳ 2010-2015 đều nằm trong diện quy hoạch...

Tuy nhiên, Thành phố cũng nghiêm túc nhìn nhận: Một số đơn vị còn thiếu chủ động trong việc tổ chức thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy; Việc phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn có lúc chưa thường xuyên, đồng bộ; Việc phát triển tổ chức đảng trong các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp tư nhân, còn khó khăn; Việc thực hiện công tác quy hoạch và bố trí cán bộ theo quy hoạch ở một số nơi còn bất cập....

Thời gian tới, Hà Nội sẽ tiếp tục rà soát chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của các cơ quan, đơn vị để điều chỉnh kịp thời những bất cập nảy sinh trong quá trình triển khai thực hiện các nhiệm vụ, chủ động nghiên cứu mô hình chính quyền đô thị; Nâng cao chất lượng công tác quy hoạch cán bộ ở các cấp, chú trọng quy hoạch nguồn cán bộ nữ, cán bộ trẻ, đảm bảo cơ cấu hợp lý giữa các chức danh lãnh đạo, quản lý, các ngạch, bậc công chức, viên chức; Chủ động rà soát, đánh giá, phân loại chất lượng, bố trí đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức cho phù hợp để có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của Thành phố, địa phương, đơn vị cả trước mắt lẫn lâu dài....

Về nghị quyết Trung ương 5, Phó Bí thư thường trực Nguyễn Công Soái cho biết, sau 10 năm thực hiện, Hà Nội đã tạo được sự chuyển biến mới về chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị ở cơ sở, xã, phường, thị trấn. Mối quan hệ phối hợp giữa các tổ chức ngày càng chặt chẽ, được thực hiện bài bản, khoa học, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị ở địa phương, đơn vị. Nội dung và phương thức hoạt động của các tổ chức cũng có nhiều đổi mới, công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành hướng mạnh về cơ sở, sát địa bàn, sát dân hơn. Hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền cơ sở ngày càng được nâng cao, MTTQ và các tổ chức đoàn thể đã thực sự là nòng cốt trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, mô hình tổ chức chi bộ ở địa bàn dân cư của Hà Nội còn thiếu thống nhất, một số nơi chưa đồng bộ với hệ thống chính trị; Năng lực lãnh đạo, điều hành hoạt động chính quyền ở thôn, xóm, khu dân cư, tổ dân phố chưa đáp ứng được yêu cầu; Công tác kiểm tra, giám sát ở một số cấp uỷ cơ sở có mặt còn biểu hiện lúng túng trước những vấn đề phát sinh; Tính chiến đấu trong sinh hoạt chi bộ có nơi, có lúc chưa hiệu quả; Hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của chính quyền cơ sở trên một số lĩnh vực về đất đai, đô thị, trật tự xây dựng, vệ sinh môi trường, an toàn giao thông... còn hạn chế, một số cán bộ có biểu hiện đùn đẩy, né tránh trách nhiệm hoặc buông lỏng quản lý, vi phạm kỷ luật phải xử lý, gây bức xúc trong dư luận xã hội, giảm sút niềm tin của nhân dân...

Để khắc phục những hạn chế này, Hà Nội sẽ tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của các cấp uỷ đảng, thực hiện tốt công tác phê bình và tự phê bình, đấu tranh chống các biểu hiện sai trái; Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của HĐND và UBND; thực hiện tốt quy chế dân chủ; tăng kinh phí đào tạo cán bộ nguồn, chủ chốt cấp xã, phường, thị trấn...

Kết luận buổi làm việc, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã biểu dương những kết quả mà Hà Nội đã đạt được trong việc triển khai thực hiện đề án và nhận xét, sự đánh giá của Thành phố là rất nghiêm túc.


Theo Chủ tịch nước, Đề án án "Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở" liên quan mật thiết đến đề án cải cách tiền lương mà chúng ta đang tiến hành, nên nếu chuẩn bị không tốt thì sẽ ảnh hưởng đến việc cải cách tiền lương.

Chủ tịch nước đề nghị, các kế hoạch thực hiện Đề án của Thủ đô cần phải đảm bảo hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, phù hợp với thực tiễn; cụ thể hoá cơ chế vận hành ở từng cấp sao cho sát với thực tế và đảm bảo sự giám sát, trong đó quan tâm tới vai trò của MTTQ và các đoàn thể.

Nhấn mạnh đến việc tổ chức biên chế, Chủ tịch nước nhất trí, do Hà Nội được mở rộng địa giới hành chính nên cần có quá trình quá độ để thu hẹp dần biên chế. Tuy nhiên, Hà Nội cần nghiên cứu, đề xuất quy mô tổ chức bộ máy cho phù hợp. Đồng thời, Thành phố phải gắn vấn đề biên chế với trình độ, chế độ chính sách.

Chủ tịch nước cũng đề nghị, Thành phố cần làm rõ mô hình chính quyền đô thị và nông thôn, tổ chức lại đội ngũ cán bộ xã, phường, thị trấn để đáp ứng yêu cầu.

“Biên chế xã, phường, thị trấn hiện khá đông nhưng các địa phương vẫn kêu thiếu thì chúng ta phải làm rõ vị trí, chức năng của đội ngũ này, làm sao đảm bảo không được chồng chéo, trùng lắp”, Chủ tịch nước nói.

Thay mặt Hà Nội, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị đã tiếp thu những ý kiến của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang.

* Trước đó, trong buổi sáng cùng ngày, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng đoàn công tác đã khảo sát việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa IX) về “Đổi mới nâng cao chất lượng hệ thống chính trị ở cơ sở xã, phường, thị trấn” tại phường Quảng An, quận Tây Hồ, Hà Nội.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang làm việc với Thành uỷ Hà Nội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.