Sáng 4-11, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã tới dự Lễ kỷ niệm 190 năm Ngày thành lập tỉnh Lạng Sơn (4/11/1831 - 4/11/2021), kỷ niệm 112 năm Ngày sinh đồng chí Hoàng Văn Thụ (4/11/1909 - 4/11/2021) và đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhất. Cùng dự buổi lễ có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình; lãnh đạo các ban, bộ, ngành trung ương, địa phương; các lão thành cách mạng, Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; đại biểu các tôn giáo, nhân sĩ, trí thức và nhân dân các dân tộc tỉnh Lạng Sơn.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ gửi lẵng hoa chúc mừng.
Trong diễn văn tại buổi lễ, Bí thư Tỉnh ủy Lạng Sơn Nguyễn Quốc Đoàn nêu rõ, trong suốt chặng đường lịch sử, nhân dân các dân tộc tỉnh Lạng Sơn luôn phát huy truyền thống yêu nước cách mạng, kiên cường bất khuất trong đấu tranh chống giặc ngoại xâm; cần cù, chịu khó, năng động, sáng tạo trong lao động, sản xuất, góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước. Những địa danh nổi tiếng như: Ải Chi Lăng, Bắc Sơn, đường số 4…, những bậc hiền tài như: Thân Công Tài, Đại Huề, Ngô Thì Sỹ…, những người con ưu tú của nhân dân các dân tộc tỉnh Lạng Sơn như Hoàng Văn Thụ, Lương Văn Tri… đã đi vào trang sử vẻ vang của dân tộc; Lạng Sơn nơi có nền Văn hóa Bắc Sơn, Văn hóa Mai Pha lưu giữ các dấu tích của người Việt cổ và những danh thắng nổi tiếng như: Phố Kỳ Lừa, nàng Tô Thị, chùa Tam Thanh… đã đi vào thi ca dân tộc, góp phần vun đắp, hình thành nên truyền thống yêu nước, tinh thần cách mạng, bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam và quê hương Xứ Lạng, mãi mãi là niềm tự hào của nhân dân các dân tộc tỉnh Lạng Sơn.
Tại buổi lễ, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã trân trọng trao Huân chương Độc lập hạng Nhất tặng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Lạng Sơn vì những thành tích đặc biệt xuất sắc trong công tác; góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, trong điều kiện còn nhiều hạn chế của một tỉnh miền núi, biên giới, xuất phát điểm thấp, cơ sở vật chất nghèo nàn, hạ tầng đô thị lạc hậu, đời sống của nhân dân gặp nhiều khó khăn, song với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Lạng Sơn tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, đã nêu cao tinh thần đoàn kết, lao động cần cù, đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, huy động các nguồn lực, khai thác tiềm năng, lợi thế, xây dựng tỉnh nhà ngày càng phát triển trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, văn hóa, quốc phòng, an ninh, đối ngoại.
Chủ tịch nước cho rằng, dù đã đạt được những thành tựu to lớn, toàn diện, nhưng đến nay, Lạng Sơn vẫn phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức; tăng trưởng kinh tế của Lạng Sơn vẫn chưa thực sự bền vững, chuyển dịch cơ cấu kinh tế còn chậm, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội chưa đáp ứng yêu cầu, thu nhập của người dân còn thấp, tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn cao, môi trường kinh doanh còn khó khăn.
Trong những năm tới, Chủ tịch nước đề nghị, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân các dân tộc tỉnh Lạng Sơn triển khai hiệu quả các giải pháp thực hiện mục tiêu kép “vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ sức khỏe nhân dân, đồng thời, phải đảm bảo quốc kế dân sinh, không đứt gãy chuỗi cung ứng sản xuất, kinh doanh để có sức chống chịu lâu dài, thích ứng an toàn với dịch bệnh. Muốn vậy, lãnh đạo tỉnh cần chủ động đi trước một bước trong công tác chuẩn bị nguồn lực và tổ chức hệ thống điều trị, chăm sóc người bệnh từ sớm, từ xa, từ cơ sở; tiêm vắc xin “thông minh, hiệu quả". Mặt khác, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, xây dựng nền hành chính hiện đại, năng động, hiệu lực, hiệu quả; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, giảm chi phí kinh doanh, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.
Phát huy sức mạnh tổng hợp, huy động tối đa mọi nguồn lực nhằm khai thác và sử dụng hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, đặc biệt là lợi thế vị trí địa lý thuận lợi trong việc hợp tác, giao thương kinh tế với các nước trong khu vực và quốc tế. Tập trung phát triển kinh tế cửa khẩu, thương mại, dịch vụ logistics, tận dụng lợi thế chống dịch tốt, không phải giãn cách xã hội để đẩy nhanh, khai thác tối đa gói kích thích trong chương trình phục hồi kinh tế, đặc biệt là chương trình đầu tư công để nhanh chóng hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, đô thị, hạ tầng khu, cụm công nghiệp, tạo động lực thu hút đầu tư, phát triển mạnh thương mại - dịch vụ, logistics. Thúc đẩy đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, chuyển đổi số.
Cùng với đó quan tâm phát triển văn hóa, xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, chú trọng phát triển giáo dục - đào tạo, khoa học công nghệ, y tế, nâng cao sức khỏe nhân dân. Tập trung giải quyết việc làm; triển khai các mô hình giảm nghèo bền vững. Thực hiện tốt công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em và chính sách bình đẳng giới. Chăm lo gia đình chính sách, gia đình có công với cách mạng và nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp, nâng cao đạo đức xã hội, ý thức pháp luật, xây dựng văn hóa, con người Lạng Sơn phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, có khát vọng vươn lên, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước trong thời kỳ mới.
Chủ tịch nước lưu ý, tỉnh Lạng Sơn cần kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với củng cố quốc phòng, an ninh, giữ vững ổn định, chính trị, trật tự an toàn xã hội; xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, xây dựng lực lượng vũ trang địa phương vững mạnh. Nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng làm thất bại âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch; bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia, an ninh biên giới, góp phần xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển. Duy trì và phát triển quan hệ truyền thống tốt đẹp, đề cao hợp tác thương mại xuyên biên giới với Khu tự trị dân tộc Choang (Quảng Tây, Trung Quốc) và các địa phương khác của Trung Quốc, tạo môi trường hòa bình, ổn định, thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội.
Đi liền với đó, tỉnh cần tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh, củng cố năng lực, uy tín các cấp, đặc biệt là cấp cơ sở. Ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu, tiêu cực, buôn lậu và gian lận. Đổi mới công tác giáo dục chính trị tư tưởng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống, phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của mỗi cán bộ, đảng viên. Tiếp tục làm tốt công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh trong thời kỳ đổi mới; củng cố, tăng cường khối đoàn kết thống nhất trong Đảng bộ và sự đồng thuận trong toàn xã hội.
Chủ tịch nước tin tưởng sâu sắc rằng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Lạng Sơn sẽ chung sức, đồng lòng, năng động, đổi mới, sáng tạo xây dựng tỉnh Lạng Sơn ngày càng giàu đẹp, văn minh, người dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, góp phần cùng cả nước thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Trước đó, trong sáng nay, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã thăm, tặng quà, chúc mừng và động viên một số hộ gia đình chính sách trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn: Bà mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Kim, sinh năm 1932, có hai con liệt sĩ; ông Nguyễn Xuân Khoát, sinh năm 1929, cán bộ lão thành cách mạng; thăm tặng quà Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nông Văn Định, nguyên Giám đốc Công an tỉnh Lạng Sơn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.