Trước diễn biến phức tạp của mưa lũ, ngày 11-9, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội Hoàng Trọng Quyết đi kiểm tra các tuyến đê sông Hồng, sông Đuống trên địa bàn huyện Gia Lâm.
Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Gia Lâm, tính đến 11h30 ngày 11-9, bão số 3 và lũ trên sông Hồng, sông Đuống đã gây ngập úng, ảnh hưởng đến 127ha lúa, 313ha rau màu, 272ha hoa, cây cảnh, 946ha cây ăn quả, 5.274 cây bóng mát, 25ha thủy sản và khoảng 40ha nhà màng, nhà lưới; có 58 cột điện, cột điện chiếu sáng bị đổ, gãy; 1.300m dây điện bị đứt hỏng; 284 công trình nhà bị tốc mái; 20 thuyền bè bị sóng đánh chìm tại xã Văn Đức...
Để khắc phục hậu quả bão lũ, huyện đã huy động hơn 1.600 người, 22 xe ô tô các loại, 22 cưa máy, 50 bộ áo mưa, 59 áo phao, 30 phao tròn...; di dời các hộ dân làng chài xã Văn Đức và khu vực thôn 4 xã Kim Lan bảo đảm an toàn...
Đối với công tác ứng phó với lũ lớn trên sông Hồng, sông Đuống, huyện yêu cầu UBND các xã, thị trấn có các hộ dân sinh sống ngoài bãi phải di dời khi có báo động lũ cấp 2, 3.
Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Đặng Thị Huyền cho biết, hiện tại, số hộ đã di dời theo báo động lũ cấp II là 24 hộ, với 114 nhân khẩu, thuộc địa bàn các xã Kim Lan, Trung Mầu, Văn Đức. Khi có báo động lũ cấp 3, số hộ sẽ tiếp tục phải di dời là 1.584 hộ, với 5.729 nhân khẩu tại 8 xã, thị trấn: Đông Dư, Lệ Chi, Bát Tràng, Dương Hà, Phù Đổng, Trung Mầu, Kim Sơn và thị trấn Yên Viên. Người dân được di dời đến nhà văn hóa các thôn, Trạm y tế, trường học... và tại các cơ sở tôn giáo trên địa bàn. Các xã cũng đã hoàn thiện phương án di dời, bảo đảm đời sống nhân dân khi mực nước dâng cao.
Lực lượng công an, quân sự và các lực lượng khác đã hỗ trợ hai xã Kim Lan, Văn Đức đắp hoành triệt 2 cửa cống ngăn nước từ sông Hồng, không để nước vào đồng ruộng và khu dân cư. Lực lượng quân đội bố trí người, phương tiện cho các xã Văn Đức, Bát Tràng, Đa Tốn, Kim Lan hỗ trợ giao thông đi lại, cung cấp nhu yếu phẩm, kê kích tài sản lên cao cho nhân dân...
Đồng chí Hoàng Trọng Quyết đề nghị, huyện Gia Lâm tiếp tục triển khai các nhiệm vụ tiếp theo, chỉ đạo các xã, thị trấn tổ chức trực ban 24/24 giờ, thường xuyên theo dõi diễn biến mực nước trên các sông Hồng, sông Đuống, diễn biến dòng chảy và tình hình tại các kè Yên Viên, Dương Hà, Thịnh Liên, Đổng Viên, Sen Hồ; khẩn trương triển khai phương án di chuyển các hộ dân sinh sống tại vùng bãi đối với các xã, thị trấn có diện tích đất bãi khi mực nước sông Hồng, sông Đuống ở mức báo động 3; đồng thời, xử lý, thu dọn các cây xanh bị đổ, gãy, đảm bảo an toàn giao thông, mỹ quan đô thị...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.