Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chữ ký số: Các ứng dụng và giải pháp cho các tổ chức tài chính

L.H| 25/03/2011 09:43

(HNMO) – Chữ ký số là hạ tầng cho giao dịch điện tử phát triển, tất cả các ngành có giao dịch trực tuyến đều có thể sử dụng chữ ký số. Trong ngành tài chính ngân hàng, doanh nghiệp và cá nhân có thể sử dụng chữ ký số để giao dịch chứng khoán trực tuyến, thanh toán và chuyển tiền trực tuyến, giao dịch và ký hợp đồng trực tuyến….


Sử dụng chữ ký số sẽ giúp cá nhân và doanh nghiệp tiết kiệm chi phí in ấn, đi lại, nâng cao hiệu quả quản lý công văn giấy tờ, đồng thời vẫn đảm bảo tính pháp lý như chữ ký tay và con dấu.

Tuy nhiên, để tích hợp chữ ký số vào các ứng dụng sẵn có (Internet Banking, chứng khoán online…) hoàn toàn không đơn giản. Ngoài nền tảng công nghệ vững chắc, tổ chức cung cấp dịch vụ phải nắm rất rõ quy trình hoạt động, đặc thù công nghệ, các giới hạn kỹ thuật… của ứng dụng. 

Để giải đáp những khó khăn trên, ngày 24/3, tại Hà Nội, Công ty Điện toán và truyền số liệu (VDC) đã tổ chức hội thảo “VNPT-CA với các tổ chức tài chính” dành cho các doanh nghiệp khối ngân hàng chứng khoán. Tham dự hội thảo, các doanh nghiệp có cơ hội hiểu biết thêm về chữ ký số và các ứng dụng, giải pháp của chữ ký số trong kinh doanh nhằm tiết kiệm chi phí và nâng cao hiệu quả hoạt động.

“Công nghệ về chữ ký số ra đời cách đây khá lâu, tuy nhiên trước năm 2009, việc chữ ký số tại Việt Nam chỉ bó hẹp trong phạm vi dùng riêng nội bộ một tổ chức, doanh nghiệp hoặc thí điểm cung cấp dịch vụ giao dịch trực tuyến ở quy mô nhỏ, do các chữ ký chưa có tính pháp lý đầy đủ,” ông Lê Ngọc Đức, Giám đốc Công ty VDC cho biết.

“Ngày 15 tháng 9 năm 2009, VNPT/VDC là doanh nghiệp đầu tiên được bộ Thông tin và Truyền thông cấp giấy phép cung cấp dịch vụ chữ ký số công cộng. Cũng từ đó, lần đầu tiên người dùng cá nhân và doanh nghiệp đã có thể đăng ký sử dụng dịch vụ chữ ký số được pháp luật thừa nhận để giao dịch trực tuyến trên mạng với nhiều ứng dụng đa dạng trong các lĩnh vực hành chính công, chính phủ điện tử, thương mại diện tử, ngân hàng điện tử, thanh toán trực tuyến, giao dịch trực tuyến…. bảo vệ bản quyền tài sản số hóa,” ông Lê Ngọc Đức nói.

Chia sẻ kinh nghiệm triển khai dịch vụ CA tại một số doanh nghiệp chứng khoán ngân hàng, ông Lê Ngọc Đức cho biết thêm: “Doanh nghiệp cần xác định chiến lược ứng dụng tổng thể, chia thành các giai đoạn, xác định rõ phạm vi ứng dụng, quy mô triển khai, ngân sách đầu tư và các chiến lược cho ứng dụng nói chung. Các tư vấn về kỹ thuật, công nghệ, các vấn đề về pháp lý, kinh nghiệm triển khai là rất quan trọng. Ban đầu có thể triển khai thí điểm ở quy mô nhỏ để rút kinh nghiệm và dự kiến trước các khó khăn khi triển khai trên quy mô rộng.”

Theo đó, để sử dụng được chữ ký số, các doanh nghiệp cần chuẩn bị cơ sở hạ tầng phù hợp như đầu tư máy chủ chức năng chữ ký số chuyên dụng (nếu sử dụng tại quy mô lớn), các thiết bị người dùng đầu cuối, và thuê bao chữ ký số hàng năm. Thủ tục đăng ký chữ ký số rất đơn giản, người dùng chỉ cần liên hệ với nhà cung cấp dịch vụ VDC, điền vào form và cung cấp các giấy tờ như bản sao đăng ký kinh doanh (với doanh nghiệp) hoặc chứng minh thư nhân dân (với cá nhân). Khi đăng ký xong, chứng thư số và khóa bí mật để tạo chữ ký số sẽ được lưu trong thiết bị ký số chuyên dụng là USB Token hoặc Smartcard. Trong trường hợp cá nhân doanh nghiệp làm mất thiết bị trên thì phải nhanh chóng báo lại cho nhà cung cấp để hủy bỏ chữ ký số đó và cung cấp lại chữ ký số mới.

Hiện nay, VDC đã triển khai nhiều dự án lớn trong lĩnh vực này như dự án tích hợp chữ ký số vào giao dịch khai thuế điện tử cho hơn 10.000 doanh nghiệp, dự án tích hợp chữ ký số vào giao dịch hải quan điện tử cho hơn 300 doanh nghiệp và đang là đối tác tin cậy của nhiều tổ chức chứng khoán, ngân hàng lớn như Ủy ban chứng khoán Nhà nước, Sàn giao dịch chứng khoán Hà Nội, Sàn giao dịch chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh, ngân hàng IVB, ngân hàng Việt Nga...

Với vị thế tiên phong trong thị trường chữ ký số, bề dày kinh nghiệm, bài học thực tiễn phong phú, hạ tầng cơ sở công nghệ thông tin tối ưu, dịch vụ khách hàng chuẩn mực, dịch vụ chữ ký số VNPT-CA sẽ là giải pháp hàng đầu cho các doanh nghiệp mong muốn tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chữ ký số: Các ứng dụng và giải pháp cho các tổ chức tài chính

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.