Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chủ động vai trò dẫn dắt

Gia Khánh| 21/03/2023 06:09

(HNM) - Năm 2022, tổng doanh thu của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đạt gần 1,6 triệu tỷ đồng, tăng 17,5%; lợi nhuận trước thuế gần 83.170 tỷ đồng (tương đương hơn 3,5 tỷ USD), tăng 23% so với năm 2021. Tuy nhiên, nếu so với nguồn lực mà 19 tập đoàn, tổng công ty nắm giữ, gồm tổng vốn chủ sở hữu khoảng 1,73 triệu tỷ đồng, tổng tài sản 2,44 triệu tỷ đồng (63% tổng vốn, 65% tổng tài sản của các doanh nghiệp nhà nước) thì đóng góp của các tập đoàn, tổng công ty lớn chưa tương xứng.

Tại hội nghị làm việc với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và 19 tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước về các giải pháp đổi mới hoạt động của Ủy ban và phát huy hiệu quả nguồn lực đầu tư của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, góp phần thực hiện kế hoạch, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, diễn ra ngày 18-3 vừa qua, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá, hiệu quả sản xuất, kinh doanh của các tập đoàn, tổng công ty thấp so với nguồn lực nắm giữ. 3,5 tỷ USD lãi trước thuế chỉ bằng 75,16% so với năm 2018.

Chưa tương xứng với nguồn lực và chưa phát huy vai trò dẫn dắt cũng là nhận xét lâu nay về các tập đoàn, tổng công ty nhà nước lớn. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các tập đoàn, tổng công ty nắm giữ gần 25% tổng vốn đầu tư nhà nước và 10% vốn đầu tư toàn xã hội nhưng dự án đầu tư đơn lẻ, thiếu gắn kết, thiếu vắng dự án ở lĩnh vực có tính dẫn dắt, nâng cao năng lực cạnh tranh cho nền kinh tế. Nguyên nhân là do tình hình kinh tế thế giới biến động phức tạp, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh trong nước. Việc thể chế hóa các chủ trương của Đảng về doanh nghiệp nhà nước còn bất cập, chưa kịp thời thay đổi cơ chế, tháo bỏ rào cản hành chính, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư mở rộng kinh doanh, đổi mới sáng tạo. Doanh nghiệp chưa nỗ lực nắm bắt thời cơ, thu hút nguồn lực, tham gia sâu hơn vào kinh tế quốc tế…

Hội nghị lần thứ năm, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 12-NQ/TƯ về tiếp tục đổi mới, cơ cấu lại và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp nhà nước được xác định giữ vai trò dẫn dắt phát triển các doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế khác, bảo đảm doanh nghiệp Việt Nam thật sự trở thành lực lượng nòng cốt trong phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ…

Để thực hiện mục tiêu đó, trước hết các doanh nghiệp nhà nước phải chủ động đổi mới quản trị theo thông lệ quốc tế, nâng cao hiệu quả hoạt động và năng lực cạnh tranh. Người đứng đầu doanh nghiệp phải nỗ lực nắm bắt thời cơ, chủ động tham gia hội nhập. Doanh nghiệp phải tiên phong trong đổi mới sáng tạo, phát triển khoa học, công nghệ, tăng năng suất lao động, xây dựng văn hóa, đạo đức kinh doanh.

Cùng với đó, cơ chế, mô hình quản trị cũng cần đổi mới để các tập đoàn, tổng công ty hoạt động theo cơ chế thị trường, chủ động và vận hành linh hoạt. Nói như Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chính phủ sẵn sàng tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp nhưng các bộ, ngành và doanh nghiệp phải có trách nhiệm, tinh thần “dám nghĩ, dám làm” khi xử lý vướng mắc. Điều đó có nghĩa là phải chung tay xây dựng hệ sinh thái phát triển doanh nghiệp; xác định rõ lĩnh vực then chốt cần sự hiện diện của doanh nghiệp nhà nước, xác định rõ mục tiêu tái cơ cấu là để nâng chất lượng, hiệu quả, giá trị đầu tư của Nhà nước tại doanh nghiệp. Ngược lại, doanh nghiệp cũng phải góp phần hoàn thiện hệ sinh thái, chủ động phát huy vai trò dẫn dắt, tích cực tham gia phát triển đất nước.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chủ động vai trò dẫn dắt

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.