Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chủ động và thực chất

Minh Thúy| 30/11/2018 06:27

(HNM) - Qua 5 năm thực hiện Quyết định 217-QĐ/TƯ về “Quy chế giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội”, Quyết định 218-QĐ/TƯ “Quy định về việc MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền” ngày 12-12-2013 của Bộ Chính trị (khóa XI) và Kế hoạch 109-KH/TU ngày 4-3-2014 của Thành ủy Hà Nội, hoạt động giám sát, phản biện và góp ý xây dựng Đảng, chính quyền ở Thủ đô đã có dấu ấn riêng.


Có thể thấy, từ chủ trương lớn xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, đến thực hiện các dự án, công trình công cộng trên địa bàn thành phố đều có đóng góp của hoạt động giám sát, phản biện xã hội. Qua đó giúp các cơ quan chức năng điều chỉnh nhiều dự án, đề án, chương trình hành động sát thực; bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp và thể hiện ý chí, nguyện vọng của nhân dân.

MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội TP Hà Nội đã ngày càng có nhiều hoạt động đi vào chiều sâu. Đó là chú trọng phản biện những vấn đề liên quan mật thiết đến đời sống người dân như dự thảo Nghị quyết của HĐND thành phố về “Sửa đổi, bổ sung một số loại phí, lệ phí thuộc thẩm quyền của HĐND thành phố”; “Quy định cơ chế hỗ trợ, đóng góp thực hiện đề án Chương trình sữa học đường cải thiện tình trạng dinh dưỡng góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và học sinh tiểu học trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2018-2020”…; truyền tải tiếng nói của người dân đến cấp ủy, chính quyền thành phố. Tương tự, việc góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền cũng giúp thể chế hóa cơ chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ; tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân.

Rõ ràng những quyết định trên nhằm khẳng định vai trò làm chủ của người dân, tăng cơ chế để giám sát những người nắm giữ vị trí có quyền lực cũng như xác định trách nhiệm của những người đứng đầu. Tuy nhiên vẫn còn những hạn chế như nhiều nơi lúng túng trong lựa chọn nội dung giám sát và phản biện xã hội; còn sự nể nang, né tránh, ngại va chạm trong góp ý xây dựng Đảng, chính quyền…

Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của MTTQ và các đoàn thể để phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện tốt dân chủ, giám sát, phản biện xã hội, tăng cường đồng thuận xã hội, tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước… là công việc không có điểm dừng. Do đó, hoạt động giám sát, phản biện và góp ý cần chủ động và thực chất hơn.

Thực tiễn, những hoạt động này ở Hà Nội luôn được Thành ủy và UBND thành phố quan tâm. Tuy nhiên, chất lượng công việc ở một số địa phương chưa đều do vẫn còn cấp ủy nhận thức chưa đầy đủ. Vì thế, việc tuyên truyền cần thực hiện sâu, rộng hơn. Chỉ khi nhận thức đã “thông” thì việc bố trí cán bộ, đào tạo, bồi dưỡng nhân lực trong lĩnh vực này mới được chú tâm và cấp ủy, chính quyền các cấp sẽ phối hợp tốt hơn với MTTQ các cấp. Cần quan niệm, việc kiểm tra, giám sát, góp ý của MTTQ mang tính xây dựng, ngăn ngừa vi phạm nên các cấp, các đơn vị cần nghiêm túc xem xét, tiếp thu.

Ở chiều ngược lại, MTTQ và các tổ chức thành viên cũng phải chủ động, sáng tạo, có cách làm phù hợp với đơn vị, địa phương. Đồng thời, phải tăng cường lắng nghe, đối thoại với nhân dân. Trong giám sát, phản biện, không ngại khó, không né tránh, chọn những vấn đề thiết thực với đời sống. Và sau đó, MTTQ các cấp cần giám sát đến cùng việc tiếp thu, giải quyết phản ánh, kiến nghị của người dân.

Khi các quy định trên được thực hiện chủ động và thực chất, người dân sẽ thực sự được làm chủ và đó cũng là việc làm thiết thực để chủ đề hành động “Nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị” của Hà Nội đạt kết quả cao. 

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chủ động và thực chất

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.