Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chủ động ứng phó với hạn hán

Bắc Vũ| 21/05/2023 06:08

(HNM) - Miền Bắc đang trong những ngày nắng nóng kỷ lục. Nhiều nơi ở khu vực Bắc Bộ, trong đó có Hà Nội, có những thời điểm nhiệt độ lên trên 40 độ C. Nhiệt độ tăng cao ngay đầu mùa hè là chỉ dấu cho một năm sẽ xuất hiện nắng nóng kỷ lục, nguy cơ xảy ra hạn hán, thiếu nước nghiêm trọng...

Thực tế, từ đầu năm đến nay, tổng lượng mưa trên toàn quốc phổ biến ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm. Điều đáng lo là hiện nay mực nước tại nhiều hồ chứa lớn ở mức rất thấp. Riêng ở khu vực miền Bắc, dung tích bình quân các hồ thủy lợi chỉ đạt 48%, tương ứng 548/1.142 triệu mét khối; suy giảm tới 25% so với cùng kỳ năm 2022. Trong khi đó, dự báo các hồ chứa ở khu vực Trung Bộ, Tây Nguyên và Đông Nam Bộ cũng sẽ xảy ra tình trạng thiếu hụt nguồn nước nghiêm trọng trong thời gian tới. Nắng nóng, hạn hán sẽ gây ra nhiều tác động tiêu cực đối với đời sống sinh hoạt của người dân cũng như hoạt động sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là sản xuất nông nghiệp, thủy điện…

Trước diễn biến phức tạp của thời tiết, cơ quan khí tượng thủy văn cần tăng giám sát và tần suất bản tin chuyên đề về hiện tượng El Nino, dự báo lượng mưa và nguồn nước trên các lưu vực sông. Cung cấp kịp thời thông tin dự báo, cảnh báo về nguồn nước để phục vụ các bộ, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch ứng phó phù hợp với điều kiện nguồn nước và chủ động thực hiện biện pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn.

Các bộ, ngành, địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân chủ động tích trữ nước ngọt, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm nước, điện, triệt để chống thất thoát, lãng phí nước. Đồng thời, kiểm kê, đánh giá nguồn nước dự trữ tại các hồ chứa, công trình thủy lợi, tính toán cân bằng nước để có kế hoạch vận hành từng hệ thống thủy lợi, hồ chứa thủy lợi, thủy điện, điều chỉnh, bổ sung phương án sử dụng nước. Trong đó, các địa phương cần ưu tiên nguồn nước cấp cho sinh hoạt của người dân, hoạt động chăn nuôi gia súc và các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh trọng yếu.

Cùng với đó, các ngành chức năng, đặc biệt là ngành Nông nghiệp cần tính toán, lập kế hoạch lấy nước cụ thể phục vụ sản xuất nông nghiệp; đồng thời phối hợp với các địa phương rà soát, xác định các vùng có thể chủ động được nguồn nước, vùng có nguy cơ cao bị hạn hán, thiếu nước để hướng dẫn chuyển đổi cây trồng, có hình thức sản xuất phù hợp, hạn chế nguy cơ bị thiệt hại do hạn hán, thiếu nước gây ra. Đồng thời, rà soát phương án sản xuất điện trong bối cảnh xảy ra thiếu nước tại các hồ thủy điện để có giải pháp chủ động bảo đảm cung ứng điện cho sản xuất, sinh hoạt của nhân dân.

Các đơn vị, địa phương cũng cần ưu tiên bố trí kinh phí đầu tư xây dựng, sửa chữa, nâng cấp công trình cấp nước tập trung; đẩy nhanh tiến độ thi công, sớm hoàn thành, đưa vào sử dụng các công trình thủy lợi, cấp nước sinh hoạt cho nhân dân. Đặc biệt, phải dự phòng và chủ động các giải pháp trong trường hợp cấp bách như lắp đặt và vận hành trạm bơm dã chiến; xây dựng phương án vận chuyển nước sinh hoạt cho các khu dân cư, trường học, bệnh viện, cơ sở y tế tại các địa bàn không bảo đảm nguồn nước (nếu có).

Trong điều kiện khó khăn do nắng nóng, hạn hán gây ra, bên cạnh sự hỗ trợ, hướng dẫn của cơ quan chức năng, mỗi người dân cần trang bị cho mình các kỹ năng để bảo vệ sức khỏe, bảo đảm an toàn môi trường, tránh bùng phát dịch bệnh. Đặc biệt, mỗi tổ chức, cá nhân cần nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc sử dụng tiết kiệm điện, nước, chủ động ứng phó với tình trạng hạn hán, thiếu nước có thể xảy ra.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chủ động ứng phó với hạn hán

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.