Theo dõi Báo Hànộimới trên

Châu Âu nỗ lực ứng phó với hạn hán

Thùy Dương| 14/05/2023 06:31

(HNM) - Mùa đông ấm hơn và lượng mưa thưa thớt khiến phần lớn châu Âu phải đối mặt với hạn hán. Tình trạng khan hiếm nước do biến đổi khí hậu ở Tây Ban Nha, Italia, Pháp… đã ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế, buộc chính phủ các nước châu Âu phải nỗ lực tìm giải pháp ứng phó.

Lac de Montbel, một hồ chứa nước ở dãy núi Pyrenees của Pháp đã cạn hơn 80% dung tích.

Một mùa đông khô, nóng bất thường đã không thể bổ sung lượng nước vốn đã thấp sau đợt hạn hán nghiêm trọng tại châu Âu vào năm 2022. Theo một công bố mới đây của Đại học Công nghệ Graz ở Áo, châu Âu đã rơi vào tình trạng hạn hán kể từ năm 2018 và các quốc gia đã phải “vật lộn” vì thiếu nước ngay cả trong mùa đông. Đáng ngại hơn, đây là năm thứ hai liên tiếp thời tiết cực kỳ khô và nóng ở khu vực Tây Nam châu Âu, do một đợt nắng nóng trước mùa hè đến sớm bất thường. Báo cáo mới nhất của Trung tâm Nghiên cứu chung EU (JRC) về hạn hán ở châu Âu nhận định, miền Bắc Italia, Pháp và Tây Ban Nha, đang gặp những thách thức “về nguồn cung cấp nước cho con người, nông nghiệp và sản xuất năng lượng”.

Trong tháng 2 năm nay, Pháp phá kỷ lục 32 ngày liên tiếp không có mưa. Simon Mitelberger, một nhà khí hậu học, cho biết lượng mưa đã giảm 75% trên khắp nước Pháp trong tháng 2 và xu hướng này có thể tiếp tục kéo dài. Đối mặt với cuộc khủng hoảng nước, Bộ trưởng Chuyển đổi sinh thái Pháp Christophe Béchu cho biết, Chính phủ đang thực hiện một kế hoạch “chống hạn hán”, theo đó chính quyền địa phương ở tất cả bảy lưu vực sông lớn của đất nước đã bắt đầu thực thi các biện pháp tiết kiệm nước. Một giải pháp mà Pháp đang xem xét là tái chế nhiều nước thải hơn. Chỉ có 77 trong tổng số 33 nghìn nhà máy xử lý trong cả nước hiện được trang bị hệ thống xử lý tái chế. Do đó, theo ông C.Béchu bất kỳ kế hoạch nào để cắt giảm lượng tiêu thụ đều cần bao gồm việc tăng cường tái xử lý nước thải.

Trong khi đó, ở phía Đông Bắc Tây Ban Nha, hạn hán đã đạt đến tỷ lệ “bất thường” do nhiệt độ cao và lượng mưa thấp trong 3 năm qua. Tây Ban Nha vừa trải qua tháng 4 nóng nhất và khô nhất. Nguồn cung cấp nước uống cho 6 triệu người sống ở khu vực đô thị của Barcelona đang gặp rủi ro.

Tình hình ở Catalonia cũng rất nguy cấp. Mực nước tại các hồ chứa trong khu vực đều ở mức dưới trung bình khiến chính quyền phải áp đặt một số hạn chế đối với việc sử dụng nước cho nông nghiệp và công nghiệp. Nathalie Hilmi, nhà kinh tế môi trường tại Centre Scientifique de Monaco, cho biết Tây Ban Nha là vựa lúa mì của châu Âu và việc thiếu nước để sản xuất nông nghiệp là vấn đề sống còn. Sản lượng dầu ô liu của Tây Ban Nha - chiếm 45% nguồn cung của thế giới, có thể sẽ giảm hơn một nửa trong mùa này, trong khi các loại ngũ cốc như lúa mì và lúa mạch được dự đoán sẽ giảm tới 60%. Trước thực trạng trên, hôm 11-5, Chính phủ Tây Ban Nha đã công bố kế hoạch chi gần 2,2 tỷ euro để hỗ trợ nền kinh tế ứng phó với hạn hán.

Tại Italia, hồ Garda ở phía Bắc của đất nước đã khô cạn và mực nước thấp ở các con kênh nổi tiếng của Venice khiến tàu thuyền không thể đi qua. Nhưng thiếu mưa và thời tiết nóng không phải là vấn đề duy nhất. Theo Viện Thống kê quốc gia Italia (ISTAT), Rome lấy nguồn nước uống từ các hồ chứa và sông nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào trong Liên minh châu Âu. Các cống dẫn nước của Italia đã mất 42% lượng nước mà chúng mang theo vào năm 2020 - tỷ lệ cao nhất từng được ghi nhận. Thủ tướng Giorgia Meloni đã công bố “kế hoạch nước quốc gia” bao gồm những cải tiến về cơ sở hạ tầng và một chiến dịch nâng cao nhận thức về tiết kiệm tài nguyên nước.

Châu Âu đang phải “vật lộn” để bắt kịp với sự thay đổi nhanh chóng của khí hậu nhằm đối phó với một tương lai khô hạn hơn. Theo Tổ chức Khí tượng thế giới, lục địa này đã nóng lên nhanh gần gấp đôi so với phần còn lại của thế giới trong ba thập kỷ qua và điều này tác động lớn đến nền kinh tế. Mực nước sông thấp kỷ lục đã gây thiệt hại hàng tỷ USD do việc vận chuyển hàng hóa bị tắc nghẽn. Nó cũng ảnh hưởng đến việc sản xuất điện, làm tăng thêm tình trạng thiếu năng lượng, góp phần gây ra cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt tồi tệ nhất mà châu Âu phải đối mặt trong nhiều thập kỷ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Châu Âu nỗ lực ứng phó với hạn hán

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.