Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chủ động ứng phó trước thiên tai

Kim Nhuệ| 13/06/2022 07:49

(HNM) - Dự báo từ nay đến cuối năm 2022, thời tiết, thiên tai tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Để giảm tổn thất do thiên tai gây ra, theo Giám đốc Sở NN&PTNT, Phó Trưởng ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Hà Nội Chu Phú Mỹ, giải pháp quan trọng là phòng ngừa chủ động, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả.

Lãnh đạo Sở NN&PTNT Hà Nội kiểm tra, đôn đốc các đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ thi công, phấn đấu thông dòng sông Tích trong năm 2022.

- Dù mới đầu mùa mưa nhưng Hà Nội đã xảy ra úng ngập trong khu vực nội đô cũng như nhiều diện tích sản xuất nông nghiệp. Thực tế này cho thấy, cơ sở hạ tầng của Hà Nội chưa đáp ứng yêu cầu khi xảy ra tình huống thiên tai cực đoan, thưa đồng chí?

- Những năm vừa qua, thành phố Hà Nội đã quan tâm đầu tư nâng cao năng lực hệ thống công trình phòng, chống úng ngập, lũ lụt cho khu vực nội thành, ngoại thành. Tuy nhiên, theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, khu vực nội thành còn thiếu các công trình như: Trạm bơm Liên Mạc công suất 170m3/s, Trạm bơm Yên Thái 40m3/s, Trạm bơm Đông Mỹ 30m3/s... Bên cạnh đó, do biến đổi khí hậu và nhiều công trình tiêu úng xây dựng đã lâu nên chưa đáp ứng yêu cầu khi xảy ra mưa lớn. Cụ thể hơn, nếu Hà Nội xuất hiện những trận mưa có cường độ 100mm trong 2 giờ thì 11 điểm ở khu vực nội thành có nguy cơ cao xảy ra úng ngập. Thực tế trận mưa xảy ra ngày 29-5 vừa qua, Hà Nội ghi nhận lượng mưa trong 2 giờ phổ biến ở mức hơn 100mm. Đặc biệt, tại quận Cầu Giấy lượng mưa đạt 181,5mm, vượt xa năng lực thiết kế của hệ thống tiêu thoát nước khu vực nội thành...

Đối với khu vực ngoại thành, các công trình thủy lợi hiện nay chỉ đáp ứng yêu cầu tiêu úng khi lượng mưa trong 3 ngày ở mức 200-300mm. Các tuyến đê từ cấp III đến cấp đặc biệt của Hà Nội cơ bản đáp ứng yêu cầu về mặt cắt và cao trình chống lũ với mực nước thiết kế. Nhưng các tuyến đê cấp IV, cấp V và tuyến chưa được phân cấp thì mặt cắt còn nhỏ, hẹp, thiếu cao trình chống lũ từ 0,5 đến 2,1m so với quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đơn cử, tuyến đê tả Bùi hiện còn thiếu từ 0,5 đến 1,2m, tuyến đê hữu Bùi và các tuyến đê bao khác thiếu từ 1,2 đến 2,1m...

- Ngoài những hạn chế vừa nêu, xin đồng chí cho biết, công tác phòng, chống thiên tai của Hà Nội còn những thách thức nào?

- Cơ quan khí tượng thủy văn dự báo, từ nay đến cuối năm, Hà Nội có khả năng ảnh hưởng 2-3 cơn bão, áp thấp nhiệt đới, 5-7 đợt mưa vừa, mưa to diện rộng, tổng lượng mưa cao hơn trung bình nhiều năm. Trên hệ thống sông Hồng, sông Đáy có khả năng xuất hiện 2-4 trận lũ với biên độ lũ lên từ 1 đến 4,5m... Ngoài những thách thức trên, còn một số tồn tại, như: Chưa xây dựng phương án phòng, chống thiên tai chi tiết hoặc thực hiện hiệu quả phương châm “bốn tại chỗ”. Một bộ phận người dân chưa có ý thức, trách nhiệm bảo vệ hệ thống đê điều, công trình thủy lợi, thoát nước...

- Trước những thách thức nêu trên, các đơn vị, địa phương, người dân Hà Nội cần làm gì để giảm tổn thất do thiên tai gây ra trong thời gian tới?

- Các đơn vị, địa phương cần quán triệt chỉ đạo của thành phố là: “Phòng ngừa chủ động, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả”; nghiêm túc triển khai công tác chuẩn bị, sẵn sàng ứng phó thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ”, tuyệt đối không để bị động, bất ngờ... Cụ thể hơn, các quận phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp thoát nước tiếp tục nạo vét, duy tu, bảo đảm dòng chảy thông thoáng, đưa nước nhanh nhất về các trạm bơm tiêu. Đối với 11 điểm có nguy cơ úng ngập, các đơn vị, địa phương bố trí nhân lực, trạm bơm di động để tiêu thoát nhanh, giảm thời gian và độ sâu úng ngập...

Các huyện, thị xã phối hợp với doanh nghiệp thủy lợi nạo vét kênh mương, tu sửa trạm bơm, chủ động vận hành máy bơm tiêu nước đệm ngay khi có dự báo mưa lớn... Các địa phương có vị trí đê trọng điểm, xung yếu, thiếu cao trình chống lũ cần tăng cường tuần tra canh gác, chuẩn bị phương tiện, vật tư, nhân lực để kịp thời phát hiện và xử lý sự cố ngay từ giờ đầu... Bên cạnh đó, cần tăng cường tuyên truyền, vận động người dân tự giác giải tỏa công trình vi phạm, có trách nhiệm trong việc bảo vệ hệ thống đê điều, công trình thủy lợi, thoát nước; đồng thời hướng dẫn kỹ năng phòng, tránh một số loại hình thiên tai thường gặp trên địa bàn để người dân chủ động giải pháp phòng ngừa, ứng phó...

- Về giải pháp công trình, Hà Nội sẽ đầu tư cơ sở hạ tầng phòng, chống thiên tai như thế nào, thưa đồng chí?

- Sở NN&PTNT và các sở, ngành liên quan đang tham mưu UBND thành phố thực hiện Chiến lược quốc gia phòng, chống thiên tai trên địa bàn Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trước mắt, chúng tôi đề xuất thành phố chỉ đạo các địa phương đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng để xây dựng công trình, khai thác hiệu quả Trạm bơm tiêu Yên Nghĩa, thông dòng sông Tích trong năm 2022; đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng công trình làm nhiệm vụ tiêu úng và nâng cấp các tuyến đê theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt...

- Trân trọng cảm ơn đồng chí!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chủ động ứng phó trước thiên tai

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.