(HNM) - Đến nay, Việt Nam đã đi qua một chặng đường dài trong quá trình mở cửa, hội nhập kinh tế quốc tế, trong đó minh chứng rõ nét nhất là việc tham gia các Hiệp định Thương mại tự do (FTA)...
Những lợi ích do hội nhập mang lại là rất lớn, tác động trên diện rộng, giúp Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng xuất khẩu cao qua từng năm.
Tuy vậy, dường như việc đẩy mạnh xuất khẩu của cộng đồng doanh nghiệp vẫn chưa suôn sẻ, hiệu quả như mong muốn. Theo nhận định của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), đến nay mới có 30-40% doanh nghiệp xác định rõ lợi ích, tận dụng được ưu đãi do FTA mang lại. Đó là điều đáng tiếc, bởi đã có nhiều hội thảo, diễn đàn, hội nghị được tổ chức để cơ quan chức năng cung cấp thông tin, phổ biến những vấn đề về quyền lợi được thụ hưởng... cho doanh nghiệp.
Như vậy, nhìn chung vẫn còn một bộ phận không nhỏ doanh nghiệp chưa chủ động vào cuộc, tìm kiếm, làm chủ thông tin, từ đó biến thành hành động cụ thể nhằm thu được nhiều quyền lợi hơn trong hoạt động xuất khẩu. Trong khi đó, Việt Nam lại là quốc gia có chủ trương hướng về xuất khẩu, xác định xuất khẩu là động lực tăng trưởng kinh tế quan trọng hàng đầu.
Thông điệp được các cơ quan quản lý đưa ra là, mỗi đơn vị cần tập trung bố trí nguồn nhân lực, nắm sát các diễn biến trong quan hệ thương mại giữa Việt Nam và các nước; nhất là những quy định, ưu đãi cụ thể đối với từng ngành hàng/sản phẩm xuất khẩu để tận dụng tối đa cơ hội, ưu đãi từ các FTA.
Hy vọng, những khuyến nghị nói trên sẽ sớm được chuyển hóa, trở thành nhận thức và động lực nội tại của cộng đồng doanh nghiệp, tạo nên chuyển biến tích cực... Để được như vậy thì sự vào cuộc chủ động và thường xuyên của từng lãnh đạo đơn vị sản xuất, kinh doanh... là vô cùng quan trọng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.