Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chủ động tái cơ cấu kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng

Hồng Sơn| 28/09/2020 07:05

(HNM) - Những năm qua, thực hiện Chương trình số 03-CTr/TU, ngày 28-6-2016, của Thành ủy Hà Nội về "Đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh, tích cực hội nhập kinh tế quốc tế, phát triển Thủ đô nhanh, bền vững giai đoạn 2016-2020", Thủ đô nổi lên là địa phương có tốc độ tăng trưởng cao, liên tục. Đặc biệt, tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng hiện đại đã tạo động lực thúc đẩy kinh tế Hà Nội tăng trưởng nhanh và bền vững hơn. Đây là hành trang, nền tảng để Thủ đô tự tin bước vào giai đoạn phát triển mới.

Thu hút đầu tư nước ngoài là một trong những điểm sáng của thành phố Hà Nội với số vốn năm 2019 đạt 8,67 tỷ USD, cao nhất sau hơn 30 năm mở cửa và hội nhập. Trong ảnh: Sản xuất linh kiện điện tử xuất khẩu tại Công ty Canon Việt Nam (Khu công nghiệp Thăng Long). Ảnh: Nhật Nam

Những thành tựu nổi bật

Chương trình số 03-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội được ban hành với những giải pháp cụ thể, cùng sự vào cuộc quyết liệt của các sở, ngành, địa phương trong tổ chức triển khai thực hiện đã đạt nhiều kết quả tích cực.

Trong đó, nổi bật nhất là giai đoạn 2016-2020, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước tăng bình quân 7,39%/năm, đạt mục tiêu đề ra (từ 7,3% đến 7,8%), cao hơn giai đoạn 2011-2015 (bình quân 6,93%/năm). Năm 2020, quy mô GRDP ước đạt 1,06 triệu tỷ đồng, GRDP bình quân tính theo đầu người ước đạt 5.420 USD, tăng 1,5 lần so với năm 2015, gấp 1,8 lần bình quân cả nước.

Mặc dù chỉ chiếm 1% về diện tích, 8,5% về dân số nhưng Hà Nội đang đóng góp trên 16% tổng sản phẩm (GDP), 18,5% thu ngân sách và 8,6% tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu cả nước. Đặc biệt, năng suất các nhân tố tổng hợp đóng góp gần 46% trong tăng trưởng GRDP, cao hơn cả nước (44,3%). Năng suất lao động ước đạt 258,3 triệu đồng/lao động, gấp 1,65 lần bình quân cả nước; 5 năm 2016-2020 tăng 6,15%, vượt mục tiêu đề ra là 5,4-5,9%, cao hơn trung bình giai đoạn 2011-2015 (4,9%).

Cùng với đó, cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, theo hướng hiện đại, tỷ trọng khu vực công nghiệp và dịch vụ tăng; khu vực nông nghiệp giảm còn 2,09% (năm 2015 là 2,54%). Tăng trưởng khu vực dịch vụ bình quân 7,12%/năm trong giai đoạn 2016-2020.

Một điểm nhấn khác nữa là, tổng vốn đầu tư phát triển giai đoạn 2016-2020 ước đạt 1.742,2 nghìn tỷ đồng, gấp 1,65 lần giai đoạn 2011-2015, bằng 39,2% GRDP, đạt mục tiêu Đại hội đại biểu lần thứ XVI Đảng bộ thành phố đề ra (1.700-1.750 nghìn tỷ đồng). Đáng chú ý, thu hút vốn ngoài ngân sách đạt trên 1.400 nghìn tỷ đồng, với 2.775 dự án; trong đó các lĩnh vực cấp nước, bãi đỗ xe, xử lý chất thải, nước thải, hạ tầng công nghệ thông tin… được đẩy mạnh xã hội hóa; cơ cấu đầu tư xã hội chuyển dịch rõ nét từ khu vực nhà nước (tỷ trọng giảm từ 43,44% năm 2015 xuống 33,88% năm 2020) sang khu vực ngoài nhà nước và đầu tư nước ngoài.

Thu hút đầu tư nước ngoài cũng là một trong những điểm sáng, với số vốn năm 2019 đạt 8,67 tỷ USD, cao nhất sau hơn 30 năm mở cửa và hội nhập, là năm thứ hai liên tiếp thành phố dẫn đầu cả nước. Lũy kế giai đoạn 2016-2020, thu hút vốn đầu tư nước ngoài dự kiến đạt 25 tỷ USD, cao gấp 3,9 lần giai đoạn 2011-2015. Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đóng góp khoảng 12,8% vốn đầu tư phát triển, 10,4% tổng thu ngân sách và góp phần chuyển giao công nghệ, tạo việc làm, đào tạo kỹ năng cho người lao động, tham gia vào mạng sản xuất, chuỗi giá trị toàn cầu.

Tái cơ cấu ngành, lĩnh vực bảo đảm mục tiêu phát triển nhanh, bền vững

Hằng năm, thành phố Hà Nội đều xây dựng, ban hành kế hoạch đẩy mạnh xuất khẩu trên địa bàn. Nhờ đó, kim ngạch xuất khẩu tăng khá, bình quân giai đoạn 2016-2020 ước tăng 9%/năm (giai đoạn 2011-2015 tăng 5,5%/năm). Năm 2019, kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn đạt 16,74 tỷ USD, gấp 1,6 lần năm 2015.

Du lịch dần trở thành ngành kinh tế mũi nhọn có mức tăng doanh thu bình quân 12,1%/năm và Hà Nội trong nhóm 10 thành phố có tăng trưởng du lịch nhanh nhất thế giới; xếp thứ 15 trong danh sách các điểm đến châu Á - Thái Bình Dương năm 2019. Từ đầu năm 2020, ngành Du lịch bị tác động mạnh bởi dịch Covid-19, song nhờ tăng trưởng mạnh những năm trước nên trung bình 5 năm, tỷ lệ khách du lịch đến Hà Nội vẫn ở mức cao, đạt trung bình 23 triệu khách/năm.

Ở lĩnh vực công nghiệp, thành phố đã có định hướng, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, đổi mới công nghệ, tìm kiếm thị trường… Do vậy, sản xuất công nghiệp chuyển dịch theo hướng tích cực và đạt mức tăng trưởng khá, dự kiến 5 năm 2016-2020 giá trị tăng thêm ngành Công nghiệp đạt bình quân 8,3%/năm; trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tỷ trọng chủ yếu (khoảng 91%). Một số lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao có bước phát triển khá như: Điều khiển kỹ thuật số, tự động hóa, nano, plasma, laser, công nghệ sinh học. Hà Nội luôn là địa phương dẫn đầu cả nước về doanh thu công nghiệp công nghệ thông tin - truyền thông (năm 2019 đạt gần 300 nghìn tỷ đồng), với 16.000 doanh nghiệp công nghệ thông tin trên địa bàn...

Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng bình quân 2,54%/năm; giá trị sản xuất đạt 280 triệu đồng/ha, tăng 1,21 lần so với năm 2015. Cơ cấu nội ngành chuyển dịch tích cực theo hướng kinh tế hàng hóa, tạo việc làm và thu nhập tại chỗ cho nông dân. Đã có 164 mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, chiếm trên 30% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp.

Bên cạnh đó, khu vực kinh tế tư nhân nổi lên, đóng góp nhiều nhất vào GRDP, tăng từ mức 37,5% năm 2015 lên hơn 40% của GRDP năm 2019. Xu hướng này còn tiếp tục diễn ra, thể hiện rõ vai trò là động lực tăng trưởng kinh tế của khu vực tư nhân. Từ năm 2016 đến hết năm 2020, số doanh nghiệp đăng ký trên địa bàn ước đạt 306.240 đơn vị, gấp 3,8 lần giai đoạn 2011-2015.

Đánh giá chung, các chỉ tiêu của Chương trình số 03-CTr/TU được triển khai tích cực, cơ bản đạt và vượt kế hoạch. Trong đó, kết quả phát triển kinh tế Thủ đô thời gian qua thể hiện sự quyết tâm, bước đi phù hợp để hiện thực hóa mục tiêu tái cơ cấu kinh tế, tăng trưởng nhanh, bền vững, cũng như tiếp cận và tận dụng cơ hội từ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Nhờ đó, hiệu quả các nguồn lực, hiệu quả sản xuất, kinh doanh được nâng lên một bước rõ nét. Đây là điều kiện thuận lợi để Hà Nội tiếp tục phát triển nhanh, bền vững trong giai đoạn tiếp theo.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chủ động tái cơ cấu kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.