(HNM) - Xuất phát từ yêu cầu thực tiễn, thời gian qua nhiều địa phương, đơn vị của TP Hà Nội đã có nhiều cách làm chủ động, sáng tạo trong công tác quản lý, điều hành.
Tiêu biểu nhất có thể kể đến UBND quận Long Biên với cách xây dựng “Trang thông tin điều hành tác nghiệp”. Trên trang điện tử quận đăng tải các chương trình đề án, kế hoạch theo từng năm hoặc từng mảng lĩnh vực như một thư mục điện tử, khi ai quan tâm đến nội dung nào thì chỉ tra cứu tìm hiểu trên đó. Đây cũng là nơi đăng tải tài liệu các cuộc họp nên đã thành thói quen, trước mỗi cuộc họp, lãnh đạo, cán bộ công chức của quận đều vào mạng nội bộ đọc tài liệu và không còn việc in, phát tài liệu.
Quận Hà Đông đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý điều hành. Ảnh: Thái Hiền |
Theo Chủ tịch UBND quận Long Biên Vũ Thu Hà: “Điều này không chỉ tiết kiệm chi phí in ấn mà còn bảo đảm công khai, minh bạch và sự linh hoạt của cán bộ, công chức trong việc chủ động tìm kiếm thông tin và xử lý công việc”.
Điểm đáng chú ý là “Trang thông tin điều hành tác nghiệp” cũng đăng thông tin nhiệm vụ, quy chế làm việc, lịch làm việc tuần của phòng và lịch làm việc trong tuần của từng cán bộ, công chức. Qua đó, lãnh đạo quận bao quát được toàn diện công việc để đôn đốc giải quyết. Khi đoàn kiểm tra đột xuất của quận đi kiểm tra thì căn cứ theo thực tế và lịch công tác này để đối chiếu. Từ cách làm lô gic, khoa học như vậy, quận Long Biên đã có thêm công cụ để theo dõi, đánh giá xếp loại cán bộ, công chức hằng tháng một cách chính xác, khách quan.
Tương tự, UBND quận Hà Đông cũng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong quản lý, điều hành. Quận đã triển khai mạnh mẽ hệ thống thư điện tử trong công việc đối với các phòng, ban. Hiện, 100% lãnh đạo quận và các phòng, ban, đơn vị trực thuộc, 94% chuyên viên, nhân viên sử dụng thành thạo máy vi tính và các phần mềm ứng dụng.
Để bảo đảm hệ thống internet được vận hành thông suốt, UBND quận Hà Đông đã xây dựng 2 đường truyền đáp ứng tốc độ truy cập phục vụ tác nghiệp của cán bộ, công chức; bố trí 2 chuyên viên về CNTT, trong đó có một chuyên viên có chứng chỉ quốc tế để kịp thời hỗ trợ khi có yêu cầu. Phần mềm quản lý văn bản và điều hành tác nghiệp tại các phòng, ban, đơn vị và 17 phường của quận Hà Đông được cấp tài khoản và ứng dụng hiệu quả, hoàn toàn không xử lý văn bản giấy (trừ văn bản mật theo quy định). Nhờ đó, các văn bản sớm được cung cấp tới cơ sở cũng như các chỉ đạo được thực hiện kịp thời hơn.
Với mong muốn thực hiện cải cách hành chính thông qua việc giảm thời gian chờ đợi, giảm số lần đi lại của công dân, tổ chức cũng như nâng cao chất lượng phục vụ, UBND quận Nam Từ Liêm đã xây dựng mô hình “Chính quyền, công sở thân thiện và trách nhiệm” tại UBND quận và 10 phường.
Một trong những điểm nhấn của mô hình là tập trung thực hiện văn minh, văn hóa công sở và quy tắc ứng xử. Tại UBND quận và UBND các phường đều công khai bảng thể hiện phương châm hành động: “5 biết” (biết nghe dân nói, biết nói dân hiểu, biết làm dân tin, biết xin lỗi và biết cảm ơn); “5 rõ” (rõ người, rõ việc, rõ quy trình, rõ trách nhiệm, rõ hiệu quả); “3 không” (không chậm trễ giải quyết hồ sơ và công việc, không sách nhiễu, phiền hà nhân dân và không để tổ chức, công dân đi lại nhiều lần) và 10 nguyên tắc giao tiếp với công dân... Ngoài ra, các đơn vị còn thực hiện gửi thư cảm ơn, thư xin lỗi, thư chúc mừng, thư chia buồn. Tại bộ phận “một cửa” của các đơn vị đều tổ chức phát phiếu hoặc có bảng điện tử khảo sát mức độ hài lòng của người dân về thái độ phục vụ của cán bộ, công chức.
Kết quả đánh giá đó sẽ là một trong những căn cứ đánh giá cán bộ. Sau một năm triển khai mô hình “Chính quyền, công sở thân thiện và trách nhiệm”, chính quyền quận Nam Từ Liêm đã nhận được sự ủng hộ và đánh giá cao của nhân dân.
Một trong những mục tiêu trong công tác cải cách hành chính mà TP Hà Nội đặt ra trong giai đoạn 2016-2020 là: “Tạo bước chuyển mạnh về kỷ luật, kỷ cương, ý thức, trách nhiệm, chất lượng phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, trước hết là cán bộ, công chức, viên chức, lãnh đạo, quản lý các cấp”. Do đó, việc chủ động đổi mới, sáng tạo trong công tác quản lý, điều hành của các đơn vị là hết sức cần thiết, nhất là khi nhiều đơn vị đã làm, đạt kết quả khả quan và được các tầng lớp nhân dân ghi nhận.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.