Bước vào kỷ nguyên số, công tác quản lý đất đai đứng trước yêu cầu cấp thiết phải đổi mới để tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.
Tuy vậy, để chuyển đổi số thực sự trở thành động lực thúc đẩy phát triển rất cần sự kết nối chặt chẽ giữa chính sách và giải pháp công nghệ, từ xây dựng hạ tầng dữ liệu đồng bộ đến hoàn thiện khung pháp lý, từ đó, giúp công tác quản lý đất đai ngày càng minh bạch, hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.
"Chìa khóa" nâng cao hiệu quả quản lý đất đai
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, hiện nay nước ta có hơn một triệu héc ta đất chưa được sử dụng hoặc chưa khai thác hiệu quả, gây lãng phí nguồn lực. Tình trạng chồng chéo thông tin giữa các cơ quan quản lý và thiếu đồng bộ dữ liệu dẫn đến 30% hồ sơ đăng ký biến động đất đai phải bổ sung hoặc chỉnh sửa, kéo dài thời gian xử lý thành trung bình từ 15 đến 20 ngày, vượt xa mục tiêu dưới 7 ngày do Chính phủ đề ra. Bên cạnh đó, nhiều khu đất công chưa được khai thác đúng mục đích, gây lãng phí tài nguyên...
Trước bối cảnh đó, Nghị quyết số 57-NQ/TƯ ngày 22-12-2024 của Bộ Chính trị về "Đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia" đã định hướng chiến lược cho chuyển đổi số trong quản lý đất đai. Chính phủ cũng đặt mục tiêu, trong năm 2025, 100% dịch vụ công trực tuyến phải đạt chất lượng cao, giảm 30% thủ tục hành chính và vào năm 2030 phải hoàn tất chuyển đổi số dịch vụ.
Thực hiện chủ trương này, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã thành lập Ban Chỉ đạo, ban hành văn bản hướng dẫn, đôn đốc các địa phương đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai, kết nối với hệ thống dữ liệu quốc gia trong năm 2025. Theo đó, dự án "Xây dựng, hoàn thiện hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên và môi trường" đang được triển khai nhằm tăng cường hạ tầng công nghệ, hỗ trợ địa phương đồng bộ dữ liệu về đất đai.
Tại Hà Nội, chuyển đổi số trong công tác quản lý đất đai đạt nhiều kết quả khả quan. Theo Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Lê Thanh Nam, để thúc đẩy chuyển đổi số, sử dụng, khai thác hiệu quả đất đai, UBND thành phố đã phê duyệt Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 40/NQ-CP, ngày 27-3-2023 của Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển ngành đo đạc và bản đồ Việt Nam và xây dựng hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đây là nền tảng quan trọng để bảo đảm tính chính xác, minh bạch trong quản lý đất đai, phục vụ công tác quy hoạch và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Hiện nay, Hà Nội đã thẩm định hơn 1.000 bản đồ hiện trạng phục vụ công tác quy hoạch, cấp chỉ giới đường đỏ, đăng ký đất đai và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Thành phố cũng đã cấp phép cho 57 đơn vị hoạt động trong lĩnh vực đo đạc, bản đồ, bảo đảm việc thu thập, cập nhật dữ liệu đất đai diễn ra đồng bộ, chính xác.
Một trong những dự án trọng điểm là Dự án xây dựng tổng thể hệ thống hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu quản lý đất đai trên địa bàn thành phố. Trong đó, công tác đo đạc đã hoàn thành tại 27 quận, huyện, thị xã (3 huyện còn lại là Đan Phượng, Quốc Oai, Ứng Hòa đã triển khai theo Dự án hoàn thiện và hiện đại hóa hệ thống quản lý đất đai Việt Nam - VLAP). Đến nay, cơ sở dữ liệu địa chính đã được xây dựng tại 350 xã, trong đó có 155 xã hoàn thành nhập dữ liệu vào hệ thống quản lý. Dự kiến, từ quý I-2025, Hà Nội vận hành thử nghiệm hệ thống tại địa bàn đã hoàn thành bản đồ và cơ sở dữ liệu, hướng tới đồng bộ hóa trên toàn thành phố vào quý III-2025, hoàn thiện toàn bộ vào cuối năm 2025.
Bên cạnh đó, Hà Nội cũng đang triển khai mạnh mẽ các giải pháp số hóa dịch vụ công. Sở Tài nguyên và Môi trường đã hợp nhất các ban chỉ đạo về cải cách hành chính, chuyển đổi số và Đề án 06 để nâng cao hiệu quả quản lý. Đặc biệt, từ ngày 15-7-2024, thành phố phối hợp với Cục Thuế Hà Nội triển khai thanh toán nghĩa vụ tài chính lĩnh vực đất đai trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia tại toàn bộ 30 quận, huyện, thị xã, giúp nâng tỷ lệ giao dịch trực tuyến lên 81%. Hệ thống dịch vụ công trực tuyến của Sở Tài nguyên và Môi trường đã tiếp nhận và giải quyết hơn 36.000 hồ sơ trực tuyến toàn trình, chiếm 20% tổng số hồ sơ của toàn Sở Tài nguyên và Môi trường và hệ thống văn phòng đăng ký đất đai. Việc đẩy mạnh số hóa quy trình xử lý hồ sơ không chỉ rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục mà còn nâng cao tính minh bạch, giảm sai sót, tạo thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp...
Gỡ khó để kết nối hiệu quả
Bên cạnh kết quả tích cực đã đạt được, việc xây dựng, vận hành cơ sở dữ liệu đất đai của Hà Nội và cả nước vẫn chưa đáp ứng yêu cầu đề ra. Tiến độ còn chậm so với chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ. Nguyên nhân chính là do nhiều địa phương chưa quan tâm đúng mức, chưa đầu tư đầy đủ nguồn lực để triển khai, dẫn đến tình trạng chậm trễ kéo dài. Một trong những trở ngại lớn là quá trình quản lý đất đai trải qua nhiều giai đoạn lịch sử khác nhau khiến hồ sơ, tài liệu bị phân tán, thông tin không thống nhất. Cơ sở dữ liệu đất đai bao gồm khối lượng lớn dữ liệu đồ họa, nhiều trường thông tin thường xuyên biến động, gây khó khăn trong công tác cập nhật, đồng bộ hóa.
Mặt khác, trình độ chuyên môn của đội ngũ cán bộ xây dựng, quản lý, vận hành hệ thống còn hạn chế, nhất là ở cấp địa phương. Hạ tầng công nghệ thông tin chưa đáp ứng yêu cầu bảo mật và an toàn dữ liệu khiến việc kết nối với hệ thống thông tin khác gặp nhiều thách thức. Nhiều địa phương còn thiếu quyết tâm, chưa có sự chỉ đạo sát sao từ chính quyền; nguồn lực tài chính chưa bảo đảm. Một số tỉnh gặp khó khăn trong bố trí ngân sách cho công tác xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai từ nguồn 10% tiền thu sử dụng đất, ngân sách địa phương...
Theo ông Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, việc xây dựng hệ thống dữ liệu đất đai đồng bộ, kết nối giữa Trung ương và địa phương không chỉ giúp quản lý hiệu quả mà còn tạo điều kiện thuận lợi trong giám sát, kiểm soát giao dịch đất đai. Tuy nhiên, sự chênh lệch về năng lực triển khai giữa các địa phương đang là rào cản lớn khi hạ tầng công nghệ chưa đồng bộ, dữ liệu phân tán, thiếu cơ chế khai thác thông tin tối ưu...
Cũng về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược, chính sách tài nguyên và môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) nhấn mạnh: Để chuyển đổi số đạt hiệu quả cần có chính sách cụ thể khuyến khích đầu tư vào hạ tầng dữ liệu, ứng dụng công nghệ trong quản lý đất đai. Việc thu hút khu vực tư nhân tham gia sẽ giảm áp lực lên ngân sách nhà nước, thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Hơn nữa, cần nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý đất đai ở địa phương, đặc biệt là kỹ năng sử dụng, khai thác dữ liệu số, tránh tình trạng có hệ thống nhưng không vận hành hiệu quả.
Một trong những giải pháp công nghệ hiện nay là hệ thống thông tin quản lý đất đai VNPT iLIS được phát triển bởi Tập đoàn VNPT. Theo đó, VNPT iLIS giúp rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ và nâng cao hiệu quả quản lý đất đai. Hệ thống này được thiết kế để thực hiện đăng ký biến động đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quản lý dữ liệu tập trung. Đặc biệt, VNPT iLIS ứng dụng công nghệ hiện đại như GIS, blockchain, giúp liên thông dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước, giảm sai sót và tối ưu hóa quy trình xử lý hồ sơ. Hệ thống này đang được triển khai tại 21 tỉnh, thành phố, bước đầu thể hiện rõ hiệu quả trong kết nối, đồng bộ dữ liệu đất đai.
Như vậy, chuyển đổi số trong công tác quản lý đất đai là yêu cầu cấp thiết và là chiến lược quan trọng giúp Việt Nam xây dựng hệ thống quản lý đất đai tiên tiến. Để hoàn thành lộ trình này, rất cần sự vào cuộc quyết liệt của các tỉnh, thành phố trong tập trung nguồn lực tài chính, nhân sự nhằm đẩy nhanh tiến độ số hóa dữ liệu đất đai. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đang yêu cầu các địa phương khẩn trương hoàn thành cơ sở dữ liệu đất đai, kết nối đồng bộ với hệ thống quốc gia, cung cấp dịch vụ công trực tuyến nhằm quản lý đất đai ngày càng hiện đại, minh bạch, hiệu quả.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.