Chuyển đổi số

Hà Nội ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong công tác quản lý, điều hành:Nền tảng quản trị hành chính thông minh

Tiến Thành 04/02/2025 - 06:37

Trí tuệ nhân tạo (AI) đã và đang được các cấp chính quyền thành phố Hà Nội ứng dụng rộng rãi trong các hoạt động quản lý, quản trị, hỗ trợ công tác hành chính.

Đây sẽ là nền tảng, tạo ra sự thay đổi căn bản và toàn diện trong cách thức chỉ đạo, điều hành và quản lý của các cấp ủy, chính quyền, hướng tới nền hành chính thông minh của Thủ đô.

thong-tin.jpg
Phân tích, tổng hợp dữ liệu tại Trung tâm Điều hành, phân tích dữ liệu và giám sát an toàn thông tin quận Ba Đình.

Tiên phong ứng dụng AI trong quản lý hành chính

Hiện nay, một số địa phương, tiêu biểu là các quận: Cầu Giấy, Tây Hồ đã ứng dụng AI Chatbot để hỗ trợ hỏi - đáp thủ tục hành chính phục vụ người dân, doanh nghiệp… Nhờ vậy, thay vì phải tìm các thủ tục hành chính qua nhiều văn bản khác nhau hay sử dụng các kênh truyền thống cần con người giải đáp, công dân có thể hội thoại với Chatbot để có được thông tin cần thiết. Các ứng dụng cũng có khả năng đa ngôn ngữ phục vụ người nước ngoài, giảm tải sự hỗ trợ trực tiếp từ cán bộ, công chức, giúp việc cung cấp thông tin trở nên minh bạch và dễ tiếp cận hơn đối với người dân, doanh nghiệp.

Ngoài ra, tại quận Ba Đình đã chủ động triển khai ứng dụng công nghệ AI nhằm xây dựng, lắp đặt và huy động hệ thống camera của người dân trên địa bàn phục vụ giám sát an ninh trật tự, trật tự đô thị và vệ sinh môi trường. Quận cũng quản lý, theo dõi, vận hành hệ thống chiếu sáng công cộng bằng đèn LED ứng dụng công nghệ internet vạn vật (IoT) tại các ngõ, ngách…

Còn theo Cục trưởng Cục Thuế Hà Nội Vũ Mạnh Cường, từ cuối năm 2024, đơn vị đã đưa vào sử dụng thí điểm “Trợ lý ảo hỗ trợ người nộp thuế”. Cụ thể là thực hiện tổng hợp, phân loại toàn bộ cơ sở dữ liệu về các quy định pháp luật, chính sách, thủ tục hành chính thuế (với 100 bộ luật chuyên ngành), biên tập hơn 10.000 câu hỏi song ngữ… kết hợp với công nghệ AI, trợ lý ảo hỗ trợ trả lời những câu hỏi của người nộp thuế một cách tự động, nhanh chóng...

Cuối năm 2024, Văn phòng UBND thành phố Hà Nội lần đầu tiên giới thiệu Chatbot thử nghiệm 6 ứng dụng AI gồm: Claude Sonet của Amazone; ChatGpt của OpenAI; Llama của Meta; Gemini của Google; Mitral của Pháp; Hanoi virtual Assistant do Văn phòng UBND thành phố phối hợp với Công ty Asus Việt Nam và Công ty D2S nghiên cứu, xây dựng. Hệ thống trợ lý ảo AI dùng để phục vụ xử lý công việc tại cơ quan; đặc biệt AI “Hanoi virtual Assistant” là sản phẩm công nghệ đột phá, độc đáo mang dấu ấn riêng, được phát triển và nội địa hóa để đáp ứng nhu cầu và điều kiện đặc thù của hệ thống hành chính Thủ đô Hà Nội.

Nền tảng của hành chính thông minh

Nghị quyết số 57-NQ/TƯ ngày 22-12-2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia đã khẳng định, nền hành chính thông minh là một trong những đột phá chiến lược hàng đầu, giữ vai trò động lực then chốt trong việc thúc đẩy nhanh quá trình hiện đại hóa lực lượng sản xuất, hoàn thiện quan hệ sản xuất, đổi mới phương thức quản trị quốc gia và phát triển kinh tế - xã hội. Yếu tố này không chỉ góp phần đưa đất nước phát triển vượt bậc, mạnh mẽ trong kỷ nguyên mới mà còn tạo nền tảng cho sự thịnh vượng và phát triển bền vững.

Theo Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin điện tử thành phố (Văn phòng UBND thành phố Hà Nội) Nguyễn Đức Thuận, ứng dụng AI sẽ tăng cường hiệu quả công tác chuyên môn. Trong đó, AI tự động hóa các công việc lặp lại như soạn thảo văn bản, bài phát biểu, nhắc lịch họp và phân phối xử lý văn bản giúp giảm 30% thời gian xử lý công việc hành chính; tự động hóa công tác viết bài đưa tin về các hoạt động quản lý, chỉ đạo và điều hành của lãnh đạo UBND thành phố, Chủ tịch UBND thành phố trên Cổng thông tin điện tử thành phố; cung cấp khả năng tra cứu thông tin pháp luật nhanh chóng và chính xác, đáp ứng kịp thời nhu cầu của lãnh đạo và cán bộ Văn phòng trong công tác tham mưu, giúp việc lãnh đạo UBND thành phố.

Bên cạnh đó, ông Nguyễn Đức Thuận cho biết, AI sẽ nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp thông qua việc tích hợp với Cổng thông tin điện tử thành phố; xử lý nhanh hơn các phản ánh, kiến nghị, góp phần cải thiện mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp. Đồng thời, AI sẽ hỗ trợ lãnh đạo trong công tác điều hành, như tự động tổng hợp tài liệu, báo cáo (phân tích hiệu quả chính sách, dự báo xu hướng kinh tế - xã hội) và nhắc nhở các công việc ưu tiên, giúp lãnh đạo tiết kiệm thời gian và tăng hiệu quả ra quyết định…

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Hà Minh Hải cho biết, cụ thể hóa Nghị quyết số 57-NQ/TƯ, thành phố đặt ra nhiệm vụ trọng tâm, lộ trình hiện đại hóa công tác hành chính và chuyển đổi số nhằm xây dựng chính quyền điện tử Thủ đô. Trong bối cảnh đó, AI được xác định là công cụ quan trọng, đóng vai trò tối ưu hóa quy trình, phân tích dữ liệu lớn để đưa ra dự báo chính xác và hỗ trợ ra quyết định một cách hiệu quả hơn. Việc thành phố ứng dụng rộng rãi AI sẽ tạo ra sự thay đổi căn bản và toàn diện trong cách thức chỉ đạo, điều hành và quản lý của các cấp ủy, chính quyền. Đồng thời, AI cũng là động lực thúc đẩy đổi mới trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, cải thiện phương thức sống và làm việc của người dân, hướng tới xây dựng một xã hội thông minh, hiện đại và bền vững hơn.

Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội Nguyễn Việt Hùng:
Sẽ xây dựng Hội đồng tư vấn về ứng dụng AI

viet-hung.jpg

Thực hiện hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông, Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội đã tham mưu UBND thành phố ban hành Kế hoạch về chuyển đổi số, xây dựng thành phố Hà Nội thông minh, trong đó có các nhiệm vụ về phát triển dữ liệu số; xây dựng, phát triển các ứng dụng chuyên ngành (ứng dụng các công nghệ tiên tiến sử dụng trí tuệ nhân tạo - AI).

Hà Nội là Thủ đô của cả nước, do đó có nhiều “bài toán” về quản trị kinh tế - xã hội phức tạp cần sự trợ giúp của công nghệ nói chung và AI nói riêng. Thành phố cũng đã nhận được sự giúp đỡ của giới chuyên gia, doanh nghiệp nhằm hoạch định chiến lược lâu dài về ứng dụng AI vào công tác quản lý nhà nước. Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội sẽ tham mưu với UBND thành phố nhằm xây dựng Hội đồng tư vấn về ứng dụng AI, từ đó có những bước đi cơ bản lâu dài cũng như có những hành động nhanh, kịp thời, có thể mang lại lợi ích ngay lập tức cho người dân Thủ đô.

Phó Giám đốc Trung tâm Phục vụ hành chính công thành phố Hà Nội Hoàng Văn Bằng:
Nghiên cứu tích hợp chatbot AI trên ứng dụng iHanoi

van-bang.jpg

Trong năm 2025, Trung tâm Phục vụ hành chính công thành phố Hà Nội sẽ nghiên cứu tích hợp ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào hệ thống chatbot trên ứng dụng "Công dân Thủ đô số - iHanoi". Đây là giải pháp hiệu quả nhằm hỗ trợ người dùng iHanoi, thể hiện rõ mục tiêu và tính năng theo slogan "Chạm để kết nối", thu hẹp khoảng cách giữa chính quyền với người dân, các doanh nghiệp; góp phần nâng cao chỉ số phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Việc ứng dụng AI chatbot có thể giải đáp thắc mắc của người dân một cách chính xác, nhanh chóng và đầy đủ thông tin trên ứng dụng iHanoi. AI chatbot sẽ hướng dẫn người dân thực hiện các thao tác cần thiết trên iHanoi theo quy trình đơn giản, dễ hiểu. AI chatbot có thể hỗ trợ người dân 24/7, giúp người dân tiếp cận một cách dễ dàng với dịch vụ của iHanoi, nâng cao sự hài lòng về chất lượng dịch vụ, tạo tiền đề cho việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào nhiều lĩnh vực khác trên ứng dụng đặc biệt này của Thủ đô Hà Nội.

Phó Chủ tịch UBND quận Ba Đình Cồ Như Dũng:
Nâng cao tính minh bạch, hiệu quả và chính xác

nhu-dung.jpg

Vừa qua, quận Ba Đình đã đưa vào vận hành Trung tâm Quản lý, tổng hợp và phân tích dữ liệu quận với mục tiêu tạo ra một công cụ hỗ trợ mạnh mẽ trong công tác chỉ đạo điều hành, nhằm nâng cao tính minh bạch, hiệu quả và chính xác trong việc quản lý, giám sát các hoạt động trên địa bàn quận Ba Đình. Trung tâm là nơi tập trung, quản lý và phân tích dữ liệu từ tất cả các lĩnh vực hoạt động của quận, từ các hoạt động kinh tế, xã hội, văn hóa, đến các thông tin về môi trường, an ninh trật tự,…

Trong đó, Trung tâm Quản lý, tổng hợp và phân tích dữ liệu được xây dựng như một “Cảng dữ liệu” để tích hợp, tập trung, thu thập, lưu trữ, phân tích, xử lý và cung cấp dữ liệu. UBND quận Ba Đình sẽ ứng dụng AI vào trung tâm nhằm tập trung kết nối, tích hợp, xử lý các dữ liệu có cấu trúc từ các phần mềm của Trung ương, thành phố và quận để phục vụ công tác quản lý, giám sát, chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội.

Mai Hữu ghi

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong công tác quản lý, điều hành: Nền tảng quản trị hành chính thông minh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.