Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chủ động phòng ngừa, ứng phó

Thế Văn| 27/05/2022 06:46

(HNM) - Một trong những nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu thời gian tới được đề cập tại Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2021 và những tháng đầu năm 2022 của Chính phủ tại phiên khai mạc kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XV là “chủ động phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu…”.

Nhiệm vụ này được đưa ra trong bối cảnh dự báo tình hình thiên tai tiếp tục có nhiều diễn biến bất thường và phức tạp. Trên địa bàn Hà Nội, nhiều khả năng sẽ xuất hiện các đợt lũ lớn. Cơn thịnh nộ của thiên nhiên ngày càng khốc liệt và biến đổi khí hậu đã, đang gây áp lực mạnh mẽ đến mọi mặt đời sống và các lĩnh vực kinh tế - xã hội. Do đó, phòng chống, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu là nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa lâu dài.

Hà Nội có mạng lưới tiêu thoát nước đô thị hàng đầu cả nước, nhưng ngay trong nội đô vẫn có nhiều khu vực đang đối mặt với nguy cơ ngập lụt, “phố trở thành sông” mỗi khi mưa lớn kéo dài. Thành phố có hệ thống đê sông vào loại lớn nhất miền Bắc, nhưng hệ thống này có thể trụ vững khi các hồ đập trên thượng nguồn xảy ra sự cố hay không vẫn là một câu hỏi… Và nữa, việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống thiên tai đã được thúc đẩy nhiều năm qua, nhưng tại không ít địa phương vẫn xảy ra tình trạng xâm hại đê điều, công trình thủy lợi…

Đáng nói hơn, một số cấp ủy, chính quyền cơ sở chưa nhận thức đúng về tính phức tạp, những thách thức mới của thời tiết cực đoan cũng như tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu. Do vậy chưa có phương án ứng phó phù hợp với thực tế, chưa gắn phòng, chống thiên tai, thích ứng với với biến đổi khí hậu vào các quy hoạch, đề án phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Để “chủ động phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu…”, các cơ quan chức năng liên quan cần phối hợp chặt chẽ với địa phương, đồng bộ vào cuộc với tư duy và quyết tâm mới, trước mắt là hạn chế thiệt hại cho Hà Nội trong mùa mưa bão.

Cùng với việc bám sát dự báo tình hình khí tượng thủy văn, thiên tai, thời tiết; theo dõi chặt chẽ diễn biến thực tế tại các công trình đê điều, thủy lợi..., các địa phương cần chủ động triển khai phương án bảo vệ công trình trọng điểm, phòng, chống úng ngập, bảo đảm giao thông, sản xuất nông nghiệp… sát thực tế với tinh thần: Phòng ngừa chủ động, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương các sự cố và thực hiện đúng phương châm “bốn tại chỗ”.

Mặt khác, chủ động các phương án xử lý sự cố, đặc biệt là với các điểm đê xung yếu; đồng thời tăng cường kiểm tra, phát hiện, quyết liệt ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về đê điều, thủy lợi… với tinh thần “không có vùng cấm”. Cùng với đó, các cơ quan chức năng cần chủ động triển khai phương tiện kỹ thuật bảo đảm thoát nước cho vùng trũng (cả khu vực nội thành và ngoại thành), hạn chế thiệt hại do mưa, bão gây ra.

Đợt mưa những ngày vừa qua đã khiến mực nước các sông trên địa bàn thành phố dâng nhanh, làm ngập hàng nghìn héc ta lúa, hoa màu, và tiếp tục đặt ra nhiều vấn đề cho công tác phòng, chống lụt bão. Do vậy, cùng với việc triển khai các giải pháp cấp bách trên tinh thần chủ động, các cơ quan chức năng cần xây dựng hệ thống giải pháp mang tính tổng thể, dài hạn như: Các giải pháp với khu vực ảnh hưởng của lũ rừng ngang (lưu vực sông Bùi, sông Tích) hay chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chủ động phòng ngừa, ứng phó

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.