Môi trường

Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi và Phòng, chống thiên tai Hà Nội Trần Thanh Mẫn: Hành động quyết liệt để giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra

Kim Nhuệ 09/06/2024 - 06:24

Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn thành phố Hà Nội đã xảy ra nhiều sự cố, thiên tai gây tổn thất về người và tài sản. Dự báo, từ nay đến cuối năm 2024, thiên tai còn diễn biến phức tạp.

Trước tình hình đó, trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi và Phòng, chống thiên tai Hà Nội (Sở NN&PTNT Hà Nội), Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Hà Nội Trần Thanh Mẫn cho rằng, cần hành động quyết liệt để chủ động giảm thiệt hại do thiên tai gây ra.

pho-chi-cuc-truong-chi-cuc-thuy-loi-va-phong-chong-thien-tai-ha-noi-tran-thanh-man..jpg
Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi và Phòng, chống thiên tai Hà Nội Trần Thanh Mẫn.

Đối diện nhiều nguy cơ thiệt hại

- Dù chưa bước vào thời kỳ cao điểm, nhưng từ đầu năm 2024 đến nay, trên địa bàn thành phố Hà Nội đã xảy ra nhiều sự cố, thiên tai, gây tổn thất về người và tài sản. Điều này có là chỉ dấu về một năm thiên tai diễn biến phức tạp không, thưa ông?

- Khác với cùng thời kỳ của nhiều năm trước, từ đầu năm 2024 đến nay, trên địa bàn Hà Nội đã xuất hiện nhiều loại hình thời tiết, thiên tai nguy hiểm. Đáng chú ý là trận động đất có cường độ mạnh 4 độ Richter xảy ra trên địa bàn huyện Mỹ Đức ngày 25-3 và trận mưa lớn kèm dông, lốc, mưa đá xảy ra tối 20-4 làm hơn 460 cây bóng mát, 5.600 cây ăn quả, cây lấy gỗ bị gãy đổ, gây hư hỏng 28 ô tô, mô tô; 56 ngôi nhà bị tốc mái và hơn 370ha lúa, hoa màu bị thiệt hại. Đặc biệt, mưa lớn nhiều ngày gây ra sự cố sập đổ tường nhà ở huyện Ba Vì ngày 12-5, làm 3 cháu nhỏ tử vong.

Trong tháng 4, 5 và đầu tháng 6, Hà Nội xuất hiện nhiều trận mưa lớn gây úng ngập nhiều tuyến phố, khu dân cư. Cùng thời gian này, Hà Nội còn xuất hiện nhiều đợt nắng nóng, ghi nhận nền nhiệt cao vượt giá trị lịch sử quan trắc trong cùng thời kỳ… Thực tế trên cho thấy, thời tiết, thiên tai năm nay có xu hướng cực đoan, trái quy luật và khó lường hơn.

- Theo ông, từ nay đến cuối năm 2024, tình hình thời tiết, thiên tai trên địa bàn Hà Nội sẽ diễn biến như thế nào?

- Thông tin từ Đài khí tượng thủy văn khu vực đồng bằng và trung du Bắc Bộ dự báo cho thấy, thời tiết, thiên tai trong thời gian còn lại sẽ rất phức tạp. Cụ thể, trong tháng 6, Hà Nội chịu ảnh hưởng 2-3 đợt nắng nóng và 2-3 đợt mưa lớn kèm dông, lốc, sét, mưa đá, gió giật mạnh. Nhiệt độ và tổng lượng mưa của tháng 6 đều ở mức cao hơn cùng thời kỳ trung bình nhiều năm.

Từ tháng 7, khu vực thành phố Hà Nội sẽ chịu ảnh hưởng của nhiều loại hình thiên tai nguy hiểm, như: Nắng nóng, bão, áp thấp nhiệt đới, mưa lớn trên diện rộng... Trên các sông: Đáy, Bùi, Tích, Nhuệ, Cà Lồ có thể xuất hiện 3-5 đợt lũ và đỉnh lũ, có thể đạt báo động từ cấp II đến cấp III.

- Ngoài thời tiết có xu hướng cực đoan, công tác phòng, chống thiên tai của Hà Nội còn đối diện với những khó khăn, thách thức nào?

- Cũng như các tỉnh, thành phố khác, Hà Nội còn đối diện với hai thách thức lớn, đó là cơ sở hạ tầng còn nhiều hạn chế và nhận thức, kỹ năng phòng ngừa, ứng phó thiên tai của một bộ phận người dân chưa cao, nhất là khi xuất hiện các loại hình thiên tai có cường độ lớn, không xảy ra thường xuyên.

Cụ thể, trên địa bàn Thủ đô hiện còn một số đoạn đê, tuyến đê cấp 4, cấp 5 chưa đủ cao trình, mặt cắt để làm nhiệm vụ chống lũ theo thiết kế... Một số công trình thủy lợi đang xuống cấp sau thời gian dài đưa vào khai thác. Bên cạnh đó, Hà Nội còn nhiều trọng điểm úng ngập khi xảy ra những trận mưa lớn trong thời gian ngắn…

mot-buoi-dien-tap-ung-pho-thien-tai-tai-huyen-gia-lam.-anh-trong-tung.jpg
Một buổi diễn tập ứng phó thiên tai tại huyện Gia Lâm. Ảnh: Trọng Tùng

Chú trọng công tác phòng ngừa

- Để giảm tổn thất do thời tiết, thiên tai gây ra, nhiệm vụ quan trọng nhất hiện nay là gì, thưa ông?

- Theo tôi, chúng ta phải hành động quyết liệt hơn nữa trong công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả để chủ động giảm đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra. Nói cách khác, các cấp, ngành, địa phương phải xác định nhiệm vụ phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả, giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai, sự cố là nhiệm vụ chính trị thường xuyên, quan trọng nhất trong mùa mưa bão.

Bên cạnh đó, các ngành và địa phương chuẩn bị đầy đủ nhân lực, phương tiện, vật tư ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai, sự cố đúng phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ; hậu cần tại chỗ); tập trung tuyên truyền, diễn tập để nâng cao kiến thức, kỹ năng ứng phó các loại hình thiên tai thường xuyên xảy ra trên địa bàn cho cán bộ các cấp và nhân dân. Tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng, củng cố, nâng cấp, sửa chữa, khắc phục các sự cố đê điều, hồ đập, các công trình phòng, chống thiên tai...

- Thực hiện chỉ thị của Ban Bí thư Trung ương Đảng, năm 2021, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược quốc gia về phòng, chống thiên tai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Ông có thể cho biết, thành phố Hà Nội đã triển khai chiến lược này như thế nào?

- Thực hiện Chiến lược quốc gia về phòng, chống thiên tai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Hà Nội đã chỉ đạo xây dựng, phê duyệt nhiều quy hoạch, chương trình, kế hoạch, phương án phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, ứng phó biến đổi khí hậu.

Hà Nội đặt mục tiêu: Bảo đảm an toàn tuyệt đối cho các tuyến đê tương ứng với mực nước lũ thiết kế trên các sông: Hồng, Đà, Đuống, Đáy...; bảo đảm thoát nước khu vực nội thành nhanh về các nguồn tiêu với trận mưa có cường độ dưới 100mm/2 giờ (đối với hệ thống cống) và dưới 310mm/2 ngày (đối với toàn bộ hệ thống); triển khai chống úng thắng lợi cho khu vực ngoại thành khi có mưa dưới 300mm/3 ngày vào giữa vụ, bảo đảm an toàn công trình thủy lợi ở mức thiết kế…

Ngoài nâng cao năng lực công trình phòng, chống thiên tai, Hà Nội đang triển khai Đề án “Nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng” đến năm 2025 và các năm tiếp theo; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến kiến thức trong các trường học và tới các cộng đồng dễ bị tổn thương… Qua đó nâng cao nhận thức, kỹ năng cơ bản phòng tránh thiên tai cho người dân Thủ đô, tăng cường quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng…

- Đến thời điểm này, kết quả thực hiện Chiến lược quốc gia về phòng, chống thiên tai của thành phố Hà Nội như thế nào, thưa ông?

- Sau hơn 3 năm triển khai, Hà Nội đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Nổi bật nhất là 579/579 xã, phường, thị trấn trên địa bàn Thủ đô đã thành lập, kiện toàn đội xung kích phòng, chống thiên tai cấp xã với tổng số hơn 60.000 người. Các cấp, ngành, địa phương đã quan tâm đầu tư kinh phí mua sắm phương tiện, trang thiết bị phục vụ công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. 30/30 quận, huyện, thị xã đã tổ chức tập huấn, huấn luyện nâng cao năng lực về phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai cho lực lượng chuyên trách và người dân địa phương. Các đơn vị, địa phương thường xuyên rà soát, chủ động tham mưu, xây dựng, hoàn thiện và triển khai thực hiện các kế hoạch, phương án phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn của thành phố bảo đảm theo phương châm “4 tại chỗ”, sẵn sàng xử lý kịp thời các sự cố, tình huống thiên tai…

Đặc biệt, để nâng cao năng lực công trình phòng, chống thiên tai, các cấp, ngành, địa phương đã huy động nguồn lực lớn đầu tư, nhất là cho hệ thống đê điều, công trình thủy lợi… Tuy nhiên, quá trình thực hiện Chiến lược quốc gia về phòng, chống thiên tai đã bộc lộ một số khó khăn vướng mắc, nhất là liên quan đến cơ chế, chính sách, như: Chưa có định mức chi tiết về vật tư, phương tiện, trang thiết bị chuyên dùng phòng, chống thiên tai. Việc xử lý các vi phạm theo quy định của Luật Đê điều và Luật Phòng, chống thiên tai, Luật Thủy lợi còn khó khăn. Công tác tổng hợp thông tin, báo cáo tình hình sự cố, thiên tai và thiệt hại còn thiếu đồng bộ giữa các cấp, ngành…

Nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên, Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Hà Nội đã và đang tổng hợp, đề xuất cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh, bổ sung, sửa đổi một số nội dung…

Có thể thấy rằng, Hà Nội đã và đang triển khai nhiều chương trình, hành động để chủ động giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra, thích ứng với biến đổi khí hậu...

- Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi và Phòng, chống thiên tai Hà Nội Trần Thanh Mẫn: Hành động quyết liệt để giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.