(HNM) - Thực hiện Chương trình số 6 của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP Hồ Chí Minh lần thứ IX, chính quyền TP vừa ban hành kế hoạch thực hiện chương trình giảm ngập nước giai đoạn 2011-2015, tầm nhìn đến năm 2020. Người dân hy vọng đời sống sẽ không còn căng thẳng mỗi lúc trời mưa hay triều cường...
Năm 2011 sẽ giải tỏa nhiều khu dân cư lấn chiếm kênh, rạch. |
Tăng cường "phòng thủ"
Theo dự báo của cơ quan khí tượng thủy văn, năm 2011 thời tiết khu vực TP Hồ Chí Minh sẽ có diễn biến phức tạp, nhất là về bão, triều cường, lốc xoáy, hạn hán và ngập mặn. Bão, lốc xoáy đổ bộ vào TP HCM sẽ gây thiệt hại vô cùng lớn, nặng nhất là các quận, huyện như Cần Giờ, Nhà Bè, Thủ Đức, quận 8… do có hàng chục ngàn căn nhà tạm bợ dọc các sông, rạch. Hơn nữa, từ trước đến nay, người dân TP làm nhà ít chú ý đến phòng chống thiên tai, chỉ cần gió mạnh cấp 8, cấp 9 là nhà cửa đã có thể bị cuốn phăng.
Theo nhận định của Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão (PCLB) và tìm kiếm cứu nạn TP Hồ Chí Minh thì nhiều năm gần đây, do biến đổi khí hậu toàn cầu, bão, lũ đang có xu hướng di chuyển vào các tỉnh phía Nam. Địa hình TP Hồ Chí Minh thấp, nguy cơ ngập úng là điều khó tránh khỏi. Trước tình hình trên, Ban Chỉ huy PCLB đã lên kế hoạch phối hợp cùng bộ đội biên phòng, các cơ quan, đơn vị chức năng tiến hành kiểm tra các khu vực thường xảy ra những sự cố khi có thiên tai như cửa sông Sài Gòn, Cát Lái, Nhà Bè, Hiệp Phước.
Để chủ động đối phó trước những nguy cơ trên, lãnh đạo TP Hồ Chí Minh đã khẩn trương thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu. Theo kế hoạch, trong giai đoạn 2011-2015, TP Hồ Chí Minh sẽ thực hiện 30 đề án ứng phó với biến đổi khí hậu. 4 lĩnh vực được ưu tiên đầu tư là tài nguyên nước (19 dự án), năng lượng (7 dự án), quản lý chất thải (4 dự án) và quản lý tài nguyên đất. Tổng kinh phí các dự án này khoảng trên 4.000 tỷ đồng. Các dự án ưu tiên nhằm đối phó với kịch bản nước biển dâng bởi khi nước dâng cao 75cm, TP Hồ Chí Minh sẽ có 204km2 bị ngập, ảnh hưởng trực tiếp đến 154/322 phường, xã.
Nhanh chóng hoàn thành các dự án thoát nước
Mục tiêu của chương trình giảm ngập nước giai đoạn 2011-2015 là giải quyết cơ bản tình trạng ngập nước do mưa và do triều cường tại khu vực trung tâm TP (diện tích khoảng 100km2), giảm tình trạng ngập nước ở các quận 6, 11, Tân Phú, Bình Tân và một phần quận 8, Bình Thạnh. Đối với 5 vùng thoát nước còn lại (khoảng 580km2), phấn đấu giảm 70% các điểm ngập do mưa và 50% các điểm ngập do triều cường, đồng thời ngăn chặn không cho phát sinh điểm ngập mới. Nhiều giải pháp đã được đặt ra, trong đó chú trọng đến việc bảo đảm tiến độ thực hiện các chương trình, dự án chống ngập trên địa bàn TP Hồ Chí Minh giai đoạn 2005-2010. Đó là các dự án: Vệ sinh môi trường lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè; cải thiện môi trường nước lưu vực Bến Nghé - Tàu Hũ - kênh Đôi - kênh Tẽ giai đoạn 1 và 2; Cải thiện vệ sinh và nâng cấp đô thị lưu vực Tân Hóa - Lò Gốm; Cải tạo kênh Ba Bò; đê bao bờ hữu sông Sài Gòn từ Vàm Thuật (quận 12) đến Tỉnh lộ 8 (huyện Củ Chi) và bờ tả sông Sài Gòn (từ cầu Bình Phước đến rạch Cầu Ngang, quận Thủ Đức). Bên cạnh đó, TP Hồ Chí Minh cũng tập trung đẩy mạnh công tác chuẩn bị đầu tư các dự án tiêu thoát nước và xử lý nước thải cho các vùng phía Bắc, Tây, Đông Nam, Đông Bắc và vùng phía Nam TP.
Ông Lê Thanh Liêm, Giám đốc Sở NN&PTNT, Phó ban Thường trực Ban Chỉ huy PCLB TP Hồ Chí Minh cho biết đang kiểm tra 156 công trình bờ bao phòng chống triều cường ở các quận, huyện như quận 12, Thủ Đức, Bình Thạnh, Hóc Môn, Củ Chi... Đồng thời kiến nghị UBND TP chấp thuận chủ trương đầu tư 60 công trình bờ bao phòng, chống triều cường, tiêu thoát nước xung yếu trên địa bàn 10 quận, huyện với tổng kinh phí gần 157 tỷ đồng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.