Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chủ động, linh hoạt trong các động thái chính sách

Thanh Nga| 05/06/2016 06:14

(HNM) - Để có thông tin cụ thể về những chính sách của NHNN trong thời gian tới, đặc biệt trong những tháng cuối năm nhằm hỗ trợ DN, phóng viên Báo Hànộimới đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Đức Long - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, NHNN.

Để có thông tin cụ thể về những chính sách của NHNN trong thời gian tới, đặc biệt trong những tháng cuối năm nhằm hỗ trợ DN, phóng viên Báo Hànộimới đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Đức Long - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, NHNN.

Ông Nguyễn Đức Long.


Khơi thông dòng vốn, bảo đảm hệ thống ngân hàng hoạt động an toàn

- Theo Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ, nhiệm vụ mà NHNN được giao khá nhiều. Ông có thể cho biết cụ thể NHNN sẽ làm gì trong hỗ trợ DN?

- Theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết 35, NHNN tập trung điều hành chính sách tiền tệ chủ động linh hoạt, chặt chẽ, duy trì mặt bằng lãi suất thị trường ở mức hợp lý, đồng thời bảo đảm mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các DN.

Cùng với đó, NHNN tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng (TCTD) thực hiện các giải pháp nhằm hỗ trợ DN, nhất là DN nhỏ và vừa tiếp cận vốn tín dụng. Tập trung nâng cao khả năng tiếp cận vốn cho khách hàng vay thông qua đổi mới quy trình cho vay, theo hướng đơn giản hóa thủ tục vay vốn, nâng cao năng lực thẩm định để rút ngắn thời gian giải quyết cho vay; nghiên cứu, xây dựng các chương trình vay vốn với lãi suất hợp lý, khuyến khích đa dạng hóa các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng để tăng khả năng tiếp cận vốn của DN. Bên cạnh đó, NHNN chỉ đạo chi nhánh NHNN các tỉnh, thành phố tiếp tục triển khai hiệu quả chương trình kết nối DN - ngân hàng và chương trình bình ổn giá trên địa bàn nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn cho DN; thực hiện đồng bộ lộ trình hạn chế tín dụng ngoại tệ đi đôi với phát triển thị trường mua bán ngoại tệ, đáp ứng nhu cầu thanh toán ngoại tệ cho người dân và DN, xem xét đáp ứng nhu cầu tín dụng ngoại tệ đối với một số ngành hàng, lĩnh vực theo hướng không làm tăng chi phí của DN.

- Vậy NHNN đã có chương trình hành động thực hiện Nghị quyết của Chính phủ?

- Ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 35 về hỗ trợ phát triển DN đến năm 2020, ngày 27-5, Thống đốc NHNN đã ban hành Chỉ thị số 04/CT-NHNN về một số giải pháp điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng những tháng cuối năm 2016, góp phần hiện thực hóa các mục tiêu này. Trước hết, NHNN kiên định với mục tiêu đã đề ra tại Chỉ thị số 01/CT-NHNN ngày 23-2-2016, thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN trong hoạt động sản xuất kinh doanh nhưng không chủ quan với diễn biến của lạm phát. NHNN yêu cầu các đơn vị trực thuộc và các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tập trung thực hiện đồng bộ và có hiệu quả các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ, hoạt động ngân hàng.

Bên cạnh đó, NHNN ban hành Thông tư số 07/TT-NHNN ngày 27-5-2016 cho phép TCTD được tự xem xét quyết định cho vay bằng ngoại tệ để đáp ứng các nhu cầu vốn ngắn hạn ở trong nước nhằm thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh hàng hóa xuất khẩu đến hết ngày 31-12-2016, nhằm hỗ trợ chi phí vay vốn cho DN xuất khẩu khi có nhu cầu vay vốn bằng ngoại tệ.

Về dài hạn, để tổ chức triển khai hiệu quả các giải pháp hỗ trợ và phát triển DN theo Nghị quyết 35 của Chính phủ và các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia tại Nghị quyết 19-2016/NQ-CP ngày 28-4-2016, NHNN cũng đang khẩn trương hoàn thiện chương trình hành động của ngành ngân hàng. Trong đó, tập trung vào các giải pháp tiền tệ và hoạt động ngân hàng nhằm góp phần cải thiện chỉ số tiếp cận tín dụng, nâng cao xếp hạng tín nhiệm quốc gia, nâng cao mức độ sẵn có và đầy đủ về dịch vụ ngân hàng nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của nền kinh tế. Tiếp tục nâng cao năng lực của hệ thống ngân hàng trong việc cung cấp tín dụng cho nền kinh tế, cải thiện và minh bạch hệ thống thông tin tín dụng, tạo điều kiện cho DN, nhất là DN nhỏ và vừa, tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế được bình đẳng và thuận lợi trong tiếp cận vốn tín dụng theo cơ chế thị trường. Bên cạnh đó, hệ thống ngân hàng cũng tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp đơn giản hóa và hiện đại hóa thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân thực hiện thủ tục hành chính linh hoạt, bằng nhiều hình thức với chi phí thấp nhất.

Xây dựng cơ chế thúc đẩy phát triển thị trường mua, bán nợ

- NHNN có tiếp tục theo đuổi mục tiêu tái cơ cấu nền kinh tế, trong đó có tái cơ cấu các TCTD, để có các TCTD “khỏe”, phục vụ tốt cho nền kinh tế, đặc biệt là DN?

- NHNN đã và đang chủ động triển khai các giải pháp cơ cấu lại các TCTD, xử lý nợ xấu gắn với triển khai Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế. Trong đó, tập trung xây dựng Đề án cơ cấu lại các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020, đẩy mạnh xử lý nợ xấu theo cơ chế thị trường; thực hiện phân loại các khoản nợ đã mua từ TCTD để có biện pháp xử lý nợ xấu một cách hiệu quả. Sớm có cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển thị trường mua, bán nợ và khuyến khích sự tham gia của các nhà đầu tư trong và ngoài nước; phát huy vai trò của Công ty Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam trong việc xử lý, thu hồi nợ xấu, bảo đảm quyền lợi của chủ nợ.

- Riêng đối với lĩnh vực bất động sản, NHNN có quan tâm đặc biệt hơn không, bởi lĩnh vực này đã từng khiến ngành ngân hàng “lao đao” với con số nợ xấu khổng lồ?

- Với diễn biến tín dụng đối với lĩnh vực kinh doanh bất động sản có xu hướng tăng nhanh, cần thực hiện kiểm soát chặt chẽ, nhưng không ảnh hưởng đến nhu cầu vay vốn mua nhà ở của người dân có nhu cầu
thực sự. Tại Chỉ thị 04, Thống đốc NHNN yêu cầu các TCTD phải có biện pháp kiểm soát rủi ro cho vay trong các lĩnh vực đầu tư, kinh doanh bất động sản; hướng tín dụng lĩnh vực bất động sản vào dự án nhà ở xã hội, các dự án nhà ở thương mại đáp ứng nhu cầu thực của người dân, theo chủ trương của Chính phủ; rà soát để sửa đổi, bổ sung hoặc xây dựng mới chính sách, quy trình, quy chế nội bộ về cấp tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản, các dự án thu hồi vốn thời gian dài, nhằm bảo đảm kiểm soát rủi ro đối với lĩnh vực này.

Bên cạnh đó, ngay sau khi ban hành Chỉ thị 04, Thống đốc NHNN cũng ban hành Thông tư 06/2016/
TT-NHNN về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 36/2014/TT-NHNN ngày 20-11-2014, quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, trong đó điều chỉnh tăng hệ số rủi ro của các khoản phải đòi để kinh doanh bất động sản, từ 150% lên 200%, với lộ trình áp dụng từ ngày 1-1-2017.

Ngăn chặn chạy đua lãi suất

- Thị trường từng nhen nhóm tình trạng “chạy đua” lãi suất. Dù sau đó tình trạng này đã được NHNN chấn chỉnh, nhưng DN vẫn lo ngại lãi suất cho vay có nguy cơ bị đẩy cao. Vậy NHNN có biện pháp gì để xử lý tình trạng này?

- Với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp điều hành nhằm ổn định thị trường tiền tệ, bảo đảm an toàn hoạt động ngân hàng, thời gian qua thị trường tiền tệ và hoạt động ngân hàng diễn biến ổn định, các TCTD đã thực hiện đúng các quy định lãi suất của NHNN.

Bên cạnh các giải pháp điều hành, NHNN cũng tăng cường các biện pháp thanh tra, giám sát việc chấp hành các quy định về lãi suất đối với các TCTD; ban hành văn bản chỉ đạo hệ thống TCTD tuân thủ nghiêm các quy định về lãi suất của NHNN. Trường hợp phát hiện TCTD vi phạm, NHNN sẽ xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

- Sau khi “siết” cho vay ngoại tệ đối với một số đối tượng, mới đây NHNN lại “nới”, được coi là tín hiệu vui cho DN xuất khẩu. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng chính sách thay đổi quá nhanh. Ông nghĩ sao?

- Thực hiện chủ trương của Chính phủ về hạn chế tình trạng đô la hóa trong nền kinh tế, từng bước thực hiện lộ trình chuyển dần từ quan hệ huy động - cho vay sang quan hệ mua - bán ngoại tệ, NHNN đã kiểm soát chặt chẽ việc cho vay ngoại tệ, đồng thời thu hẹp dần một số nhu cầu vay vốn bằng ngoại tệ. Tuy nhiên, trong giai đoạn trước đây, nền kinh tế còn tăng trưởng thấp và để tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ cho DN xuất khẩu giảm chi phí khi lãi suất VNĐ còn đang ở mức cao, NHNN đã cho phép các TCTD được tự quyết định cho vay bằng ngoại tệ đối với các nhu cầu vốn ngắn hạn ở trong nước, nhằm thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh hàng hóa xuất khẩu...

Năm 2015, nền kinh tế có chuyển biến tích cực và phục hồi, cầu tín dụng tăng cao, mặt bằng lãi suất cho vay đã giảm, tỷ giá chuyển sang điều hành theo hướng linh hoạt hơn, NHNN chỉ cho phép TCTD được tự xem xét cho vay bằng ngoại tệ đối với nhu cầu vay vốn ngắn hạn ở trong nước, nhằm thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh hàng hóa xuất khẩu đến hết ngày 31-3-2016.

Tuy nhiên, trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế quý I thấp hơn so với cùng kỳ năm trước; tình hình hạn hán ở các tỉnh Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và hạn hán, xâm nhập mặn ở các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long diễn biến phức tạp; sự cố bất thường tại một số tỉnh ven biển miền Trung tác động tiêu cực đến nuôi trồng, khai thác hải sản và du lịch biển. Thực hiện chủ trương của Chính phủ tại Nghị quyết số 35/NQ-CP, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho DN phát triển và trở thành động lực của nền kinh tế, NHNN cho phép TCTD được tự xem xét quyết định cho vay bằng ngoại tệ để đáp ứng các nhu cầu vốn ngắn hạn ở trong nước nhằm thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh hàng hóa xuất khẩu đến hết ngày 31-12-2016.

- NHNN có giải pháp gì duy trì ổn định thị trường tiền tệ, thưa ông?

- Triển khai thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, ngày 23-2-2016 Thống đốc NHNN đã ban hành Chỉ thị số 01/CT-NHNN về tổ chức thực hiện chính sách tiền tệ và bảo đảm hoạt động ngân hàng an toàn, hiệu quả năm 2016, với mục tiêu “duy trì ổn định thị trường tiền tệ”; Chỉ thị 04/CT-NHNN ngày 27-5-2016 tiếp tục khẳng định thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ nêu tại Chỉ thị số 01; đồng thời đặt ra nhiệm vụ “tăng cường thanh tra, giám sát thị trường tiền tệ và hoạt động ngân hàng;
xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm pháp luật, trong đó tập trung thanh tra việc chấp hành các quy định về lãi suất huy động vốn”. Thanh tra việc chấp hành các quy định về lãi suất huy động là nội dung thanh tra chuyên ngành năm 2016 của thanh tra, giám sát ngành Ngân hàng (TTGSNH).

Thời gian qua, TTGSNH cũng đã tham mưu Thống đốc NHNN ban hành nhiều văn bản chấn chỉnh việc thực hiện quy định về lãi suất huy động, gồm: Công văn số 297/ NHNN-TTGSNH ngày 19-1-2016, Công văn số 3254, 3255/NHNN-TTGSNH ngày 6-5-2016 chấn chỉnh việc thực hiện quy định về lãi suất huy động tại các TCTD, trong đó đã đưa ra những mức phạt nghiêm nếu phát hiện TCTD vi phạm, như: không xem xét, chấp thuận đề nghị của TCTD mở mới chi nhánh, phòng giao dịch, máy ATM, văn phòng đại diện, cung cấp dịch vụ mới hoặc triển khai nghiệp vụ kinh doanh mới; hạn chế, đình chỉ, tạm đình chỉ một hoặc một số hoạt động ngân hàng (nếu xét thấy cần thiết)…

Trong giải pháp điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng những tháng cuối năm 2016, các TCTD tập trung thực hiện cân đối nguồn vốn, bảo đảm thanh khoản để ổn định lãi suất huy động, tiết giảm chi phí hoạt động, nâng cao hiệu quả kinh doanh để có điều kiện giảm lãi suất cho vay; kiểm soát chặt chẽ tăng trưởng tín dụng, hướng tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ, kiểm soát chặt chẽ tín dụng ở các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, hướng tín dụng bất động sản vào dự án nhà ở xã hội, dự án đáp ứng nhu cầu thực của người dân; chủ động nghiên cứu, xây dựng các chương trình cho vay với lãi suất hợp lý; tăng cường phối hợp với NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố và làm việc trực tiếp với khách hàng vay vốn để tháo gỡ khó khăn trong quan hệ tín dụng với khách hàng.

- Xin cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chủ động, linh hoạt trong các động thái chính sách

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.