(HNM) - Biến đổi khí hậu và những tác động của con người đã khiến mực nước sông Hồng, sông Đà… hạ thấp, hiện hữu nguy cơ gây thiệt hại trong sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và dân sinh. Để khắc phục tình trạng trên, việc chủ động kiểm soát, thích ứng với hạ thấp lòng dẫn, mực nước của các dòng sông luôn được coi là giải pháp quan trọng… Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo Hànộimới đã có cuộc trao đổi với Trưởng phòng Quy hoạch thủy lợi Bắc Bộ, Viện Quy hoạch thủy lợi (Bộ NN&PTNT) Lê Viết Sơn.
Hiện hữu nhiều nguy cơ
- Dù đã bước vào mùa mưa nhưng mực nước sông Đà, sông Hồng vẫn rất thấp khiến các tỉnh, thành phố ở lưu vực sông và đơn vị khai thác, sử dụng nguồn nước lo lắng... Xin ông cho biết cụ thể hơn về vấn đề này?
- Thực tế cho thấy, sau khi hồ Hòa Bình đi vào vận hành (năm 1987), ở hạ du xảy ra hiện tượng xói phổ biến và lòng sông Hồng, sông Đà… có xu thế hạ thấp. So với năm 2000, hiện nay, trên sông Đà, đoạn cửa ra sông Thao, cao độ đáy sông đã hạ thấp trung bình từ 0,51m đến 1,96m.
Trên sông Hồng, đoạn từ ngã ba sông Thao, sông Đà (thuộc địa phận tỉnh Phú Thọ) đến cửa Ba Lạt (tỉnh Nam Định), cao độ đáy sông hạ thấp trung bình từ 0,36m đến 2,81m. Trên sông Đuống, toàn bộ cao độ đáy sông theo tuyến lạch sâu đã hạ thấp trung bình từ 3,27m đến 5,87m, riêng đoạn cửa vào hạ thấp từ 9m đến 13m…
Do đáy sông hạ thấp nên mực nước sông Đà đã hạ thấp trung bình từ 1,18m đến 1,26m. Trên sông Hồng, hạ thấp từ 1,04m đến 3,05m; sông Đuống hạ thấp từ 1,53m đến 2,41m… Cụ thể, trên sông Hồng, đoạn tại Trạm thủy văn Sơn Tây, mực nước đã hạ thấp từ 1,7m đến 2,2m, tại Long Biên giảm từ 1,55m đến 1,97m; trên sông Đuống tại Thượng Cát, mực nước hạ thấp từ 3,2m đến 3,6m…
Với thực trạng nêu trên, những lo lắng liên quan mực nước các dòng sông bị hạ thấp là có cơ sở, bởi năm 2019 tiếp tục được dự báo xảy ra hiện tượng El Nino, nhiệt độ tăng, lượng mưa giảm so với trung bình nhiều năm. Điều đó đồng nghĩa với nhu cầu sử dụng điện và nước trong sản xuất nông nghiệp, sinh hoạt tăng cao; ngành Điện và các doanh nghiệp khai thác cần nguồn nước mặt nhiều hơn để phục vụ sản xuất.
Từ đầu năm đến nay, tổng lượng mưa tại khu vực Bắc Bộ giảm 20-60%; nguồn nước đổ về 5 hồ thủy điện lớn: Sơn La, Lai Châu, Hòa Bình, Thác Bà, Tuyên Quang giảm tới 4,1 tỷ mét khối so với cùng kỳ trung bình nhiều năm…
Thực tế này không chỉ là nỗi lo trong sản xuất mà còn liên quan trực tiếp đến hàng triệu hộ dân sử dụng điện, nước sạch, đặc biệt là cư dân Hà Nội. Chỉ cần một thông tin liên quan đến việc tiết giảm điện hoặc tạm dừng cung cấp nguồn để sản xuất nước sạch là ảnh hưởng trực tiếp đến các hoạt động dân sinh. Không những thế, việc này còn tạo nhiều thách thức đối với ngành Thủy lợi trong ngắn hạn và dài hạn…
- So với tiêu chuẩn quốc tế, Việt Nam không nằm trong nhóm quốc gia thiếu tài nguyên nước, vậy nguyên nhân ở đây là gì?
- Trên lãnh thổ Việt Nam có 3.450 sông, suối có chiều dài từ 10km trở lên, phân bố ở 108 lưu vực sông, với tổng khối lượng nước mặt khoảng 830-840 tỷ m3/năm. Theo tiêu chuẩn quốc tế, khối lượng nước bình quân của Việt Nam đạt hơn 3.900m3/người/năm (mức cao so với khu vực châu Á). Tuy nhiên, khối lượng nước sinh ra ở phần lãnh thổ Việt Nam chỉ đạt khoảng 37%, còn lại đến từ các quốc gia láng giềng.
Cụ thể hơn, dù chiếm 16% tổng khối lượng nước của Việt Nam nhưng lưu vực sông Hồng - Thái Bình chỉ có 60% khối lượng sản sinh trong nội địa, còn lại là chảy từ lãnh thổ Trung Quốc; sông Đà cũng tương tự. Vì vậy, việc kiểm soát nguồn nước tại lưu vực sông Hồng - Thái Bình không chỉ là nhiệm vụ của các bộ: NN&PTNT, Tài nguyên và Môi trường... mà còn là vấn đề của quốc gia.
Bên cạnh đó, việc phát triển các nhà máy thủy điện ở thượng nguồn đã tạo thuận lợi cho kinh tế - xã hội phát triển, làm tốt nhiệm vụ phòng, chống thiên tai nhưng cũng tạo ra những thay đổi về chế độ dòng chảy, giảm khối lượng bùn cát cho hạ du sông Hồng, sông Đà… Hoạt động khai thác cát trái phép, không tuân thủ quy hoạch cũng gia tăng trầm trọng tình trạng hạ thấp lòng dẫn các dòng sông.
- Như vậy, việc hạ thấp lòng dẫn là nguyên nhân quan trọng làm giảm mực nước các dòng sông. Xin ông cho biết, tình trạng này gây ra những hệ lụy gì?
- Hệ lụy là hàng loạt công trình lấy nước không thể hoạt động, nhiều dòng sông chết vì thiếu nguồn cấp nước, bị ô nhiễm. So với các tỉnh, thành phố thuộc khu vực Bắc Bộ, Hà Nội bị ảnh hưởng nặng nhất.
Cụ thể, nhiều công trình lấy nước của Hà Nội xây dựng từ trước năm 2000 hiện không còn đủ điều kiện vận hành trong mùa kiệt, như các trạm bơm: Phù Sa, Thanh Điềm; các cống: Long Tửu, Liên Mạc, Cẩm Đình… Nghiêm trọng nhất là ảnh hưởng đến nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Hơn nữa, việc hạ thấp mực nước sông Đà, sông Hồng… còn làm giảm mực nước dưới đất; gây khó khăn cho hoạt động vận tải đường thủy...
- Nhằm giảm hiện tượng sụt lún đất, Hà Nội đã có chủ trương hạn chế khai thác nước ngầm để sản xuất nước sinh hoạt; đồng thời, tăng cường đầu tư khai thác nước mặt... Ông nhìn nhận như thế nào về việc này?
- Tôi cho rằng, thành phố Hà Nội có chủ trương rất đúng, kịp thời trong ứng phó, thích ứng biến đổi khí hậu. Bởi thực tế, việc khai thác nước ngầm là một trong những nguyên nhân quan trọng gây ra hiện tượng sụt lún đất.
Hơn nữa, việc kiểm soát chất lượng nguồn nước ngầm để sản xuất nước sạch rất khó khăn. Trong khi đó, chất lượng nước mặt các sông Đà, sông Hồng, sông Đuống… hiện nay khá tốt, đáp ứng yêu cầu sản xuất nước sạch.
Hai nhiệm vụ quan trọng, lâu dài
- Với thực trạng dòng chảy hiện nay trên sông Hồng, sông Đà..., ông có đánh giá gì về diễn biến lòng dẫn của các dòng sông trong thời gian tới?
- Trên cơ sở khảo sát và phân tích bằng các mô hình, chúng tôi dự báo tình huống khai thác cát ở các quy mô khác nhau dẫn đến mức độ hạ thấp lòng dẫn, mực nước các sông... Trong đó, kịch bản bất lợi nhất là trong trường hợp không kiểm soát được hoạt động khai thác cát thì dự báo đến năm 2021, trên hạ du sông Đà, cao độ đáy sông hạ thấp thêm từ 0,4m đến 0,85m; đến năm 2030, khoảng từ 1,12m đến 1,64m; mực nước hạ thấp tương ứng từ 0,32m đến 0,4m và từ 0,66m đến 0,9m.
Trên sông Hồng (đoạn từ ngã ba sông Đà - sông Thao đến ngã ba sông Hồng - sông Luộc), cao độ đáy sông năm 2021 sẽ hạ thấp từ 0,43m đến 0,9m; đến năm 2030 khoảng từ 0,65m đến 2,1m; mực nước hạ thấp tương ứng từ 0,3m đến 0,55m và từ 0,5m đến 0,97m.
Trên sông Đuống (đoạn cửa vào), cao độ đáy sông năm 2021 sẽ giảm từ 0,5m đến 0,76m và đến năm 2030, khoảng từ 0,6m đến 1,82m; mực nước hạ thấp tương ứng từ 0,2m đến 0,34m và từ 0,35m đến 0,61m...
- Để giảm tác động của tình trạng hạ thấp mực nước các lưu vực sông, ngành Thủy lợi đã có những giải pháp gì, thưa ông?
- Do sản xuất nông nghiệp sử dụng tới 82% khối lượng nước mặt của các lưu vực nên để bảo đảm đủ nước, từ hơn 10 năm nay, Bộ NN&PTNT thường xuyên phối hợp với các tỉnh, thành phố, Tập đoàn Điện lực Việt Nam... điều tiết nguồn nước từ các hồ chứa thủy điện bổ sung cho lưu vực.
Bên cạnh đó, ngành Thủy lợi đã phối hợp các địa phương xác định vị trí, đầu tư xây dựng các công trình lấy nước ở mức thấp, không phụ thuộc nguồn xả của các hồ thủy điện…
Ngoài ra, các địa phương đã chủ động vận động nhân dân thay đổi tập quán làm đất sớm, tăng cường phương tiện cơ giới để rút ngắn thời gian làm đất, từ đó giảm thời gian lấy nước; tận dụng nguồn nước, đưa nước phục vụ sản xuất một cách hợp lý, có thể tiết kiệm nguồn nước xả…
Các doanh nghiệp thủy lợi cũng tập trung nạo vét hệ thống kênh trục dẫn nước, cửa khẩu lấy nước, khơi thông dòng chảy. Đặc biệt, các cơ quan chức năng tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong nhân dân về áp dụng các biện pháp sử dụng hiệu quả nguồn nước…
Một giải pháp nữa mà Bộ NN&PTNT đang cùng các tỉnh, thành phố thực hiện là chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở những khu vực khó khăn về nguồn nước kết hợp biện pháp sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả…
- Trên đây là những giải pháp cụ thể trước mắt; về lâu dài việc này được hoạch định, thực hiện như thế nào, thưa ông?
- Nhằm khắc phục, bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội bền vững, việc chủ động kiểm soát nguy cơ, thích ứng tình trạng hạ thấp lòng dẫn, mực nước của các dòng sông luôn được coi là giải pháp quan trọng và cốt lõi. Vì thế, trong chiến lược dài hạn, ngành Thủy lợi tiếp tục cải tạo, nâng cấp các trạm bơm, các cống dọc sông để bảo đảm có thể lấy được nước ở mực thấp nhằm hạn chế phụ thuộc việc xả nước gia tăng từ hồ chứa thủy điện.
Theo đó, có hai nhiệm vụ lớn cần thực hiện là tập trung nghiên cứu giải pháp xây dựng đập dâng nước trên dòng chính các sông, bảo đảm cho công trình lấy nước có thể hoạt động, hồi sinh các dòng sông, đặc biệt là các sông qua khu vực Hà Nội như: Nhuệ, Đáy, Ngũ Huyện Khê, Bắc Hưng Hải, Cà Lồ… Nhiệm vụ tiếp theo là tiếp tục tìm giải pháp quản lý bền vững bùn cát tại các hồ chứa lớn trên lưu vực sông Hồng, sông Đà… từng bước khôi phục, ổn định lòng dẫn các sông.
Tuy nhiên, theo tôi, đây là giải pháp cần được nghiên cứu cẩn trọng, có thể tốn nhiều thời gian, nguồn lực nhưng chắc chắn sẽ mang lại lợi ích lớn cho khu vực hạ du và tăng tuổi thọ cho các hồ chứa thủy điện…
- Trân trọng cảm ơn ông!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.