Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chủ động kiểm soát lạm phát

Hồng Sơn| 02/03/2023 06:24

(HNM) - Năm 2023, Chính phủ đặt mục tiêu tập trung kiểm soát lạm phát trong bối cảnh diễn biến thị trường, quan hệ cung - cầu hàng hóa quốc tế có nhiều phức tạp, khó lường. Yêu cầu quan trọng là nhận diện, chủ động dự báo chính xác để xác định giải pháp kiềm chế đà tăng giá tiêu dùng (CPI), bảo đảm an sinh xã hội.

Người dân mua xăng tại một cửa hàng xăng dầu trên địa bàn quận Long Biên. Ảnh: Đỗ Tâm

Theo chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, kinh tế thế giới trong năm 2023 được dự báo có nhiều khó khăn hơn năm 2022. Đó là lạm phát, nợ công, nợ xấu cao, sự đứt gãy của các chuỗi kinh tế ở thị trường thương mại truyền thống. Đặc biệt, tình hình thị trường năng lượng rất thất thường, tiềm ẩn những diễn biến khó lường sẽ tạo ra tình huống bị động cho tất cả các nền kinh tế trên thế giới. Trong khi đó, Việt Nam là nền kinh tế có độ mở lớn nên không tránh khỏi tác động trực tiếp và bất lợi.

Ngoài ra, thực tế cũng ẩn chứa một số yếu tố khó dự báo nhưng vẫn cần đề phòng như tình trạng thiên tai, dịch bệnh đối với người và vật nuôi trên diện rộng, hiện tượng thời tiết cực đoan gây thiệt hại về mùa màng. Bên cạnh đó là quan hệ cung - cầu khó đoán định, khả năng cung ứng năng lượng, đặc biệt là thị trường xăng dầu... 

Chính vì vậy, Chính phủ chủ trương theo dõi sát tình hình, quyết tâm giữ lạm phát ở mức khoảng 4,5% trong năm 2023. Từ đó, các chuyên gia cũng cho rằng, cần kiên trì giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, thực hiện đầu tư công có hiệu quả. Cụ thể, tạo môi trường sản xuất, kinh doanh bình đẳng, minh bạch thông qua cải cách hành chính, tiết giảm thời gian tuân thủ quy định, giảm thuế, phí. Qua đó, giảm chi phí trong sản xuất, kinh doanh ở thị trường nội địa và hỗ trợ xuất khẩu.

Ở trong nước, các bộ, cơ quan chức năng cần duy trì, bảo đảm cung cầu hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu như lương thực thực phẩm, xăng dầu, điện, than, vật liệu xây dựng, các nguyên vật liệu sản xuất.

Cũng theo ông Vũ Vinh Phú, nên chủ động củng cố hệ thống phân phối quốc gia, giảm chi phí lưu thông và các khâu trung gian; thiết lập các chuỗi cung ứng bền vững và lành mạnh. Kiên quyết xóa bỏ hiện tượng độc quyền mua bán trên thị trường. Giải quyết dứt điểm những nút thắt của thị trường trái phiếu và bất động sản, đưa thị trường phát triển lành mạnh, hiệu quả. Từ đó góp phần làm giảm chi phí sản xuất, kinh doanh và thành phẩm cuối cùng khi đến tay người tiêu dùng nhằm kiềm chế đà tăng giá. Tiếp theo, gắn sản xuất với phân phối, các kênh thương mại cần mở rộng cửa đón hàng hóa sản xuất trong nước và nhập khẩu với chi phí giao dịch hợp lý để phục vụ nhu cầu tiêu dùng toàn xã hội. Đặc biệt, cần hết sức phòng tránh biểu hiện khan hàng cục bộ, tạo “sốt giá” ảo đẩy giá tăng cao để trục lợi…

Cùng với đó là thường xuyên nắm bắt thông tin trên thị trường thế giới và trong nước phục vụ cho việc điều hành kịp thời, hiệu quả sản xuất và phân phối ở thị trường nội địa. Đặc biệt, các bộ, cơ quan quản lý cần nâng cao năng lực dự báo, khả năng cung ứng xăng dầu thông qua công tác điều hành, tư vấn trong nhập khẩu nhiên liệu kết hợp với việc chủ động phát huy công suất các nhà máy lọc dầu trong nước. Tiếp theo là áp dụng linh hoạt công cụ thuế trong việc điều tiết lợi ích giữa các bên, gồm Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng xăng dầu.

Đáng lưu ý, năm 2023 là thời gian cả nước đẩy mạnh triển khai hàng loạt dự án đầu tư công, tập trung vào xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng có quy mô và số vốn được phân bổ lớn. Trên thực tế, nhu cầu sử dụng nguyên, vật liệu là rất lớn và liên tục nhưng hiện đang diễn ra tình trạng thiếu cát đắp nền đường ở một số dự án, ảnh hưởng đến tiến độ thi công cũng như tạo nguy cơ đẩy giá cát lên cao.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Bích Lâm chia sẻ, Chính phủ, nhất là các địa phương nên có quy định, cơ chế phù hợp trong việc xác định mỏ, điểm khai thác đất một cách hợp lý và kịp thời để đáp ứng nhu cầu của các dự án. Bên cạnh đó, cần có cơ chế công bằng, phù hợp để bù đắp cho doanh nghiệp - nhà thầu khi có sự tăng giá đột ngột và ở mức cao của các loại nguyên, vật liệu xây dựng. Từ đó, sẽ giúp ổn định giá vật liệu nói riêng và kiềm giữ đà tăng CPI nói chung.

Một số chuyên gia nhận định, thực hiện được những giải pháp cơ bản trên, CPI trong năm nay có khả năng sẽ tăng từ 3,8% đến 4,2%, đạt mục tiêu Chính phủ đề ra; góp phần vào bình ổn đời sống dân sinh cũng như nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2023.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chủ động kiểm soát lạm phát

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.